Nghiên cứu cắt ngang được tiến hành trên 172 bệnh nhân có biến chứng đường vào mạch máu tự thân tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Thận Hà Nội nhằm xác định đời sống chức năng của thông động tĩnh mạch (AVF) và các yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề này. Đời sống chức năng trung bình của nhóm bệnh nhân nghiên cứu là 48,02 ± 46,13 tháng (giá trị trung vị là 36 tháng). Huyết khối là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mất chức năng đường vào mạch máu (chiếm tỉ lệ 55,23%).
Nghiên cứu cắt ngang trên 96 bệnh nhân ≥ 60 tuổi có tăng huyết áp nguy cơ cao nhằm xác định tỉ lệ tăng huyết áp ban đêm và khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng cùng các bất thường huyết áp qua theo dõi huyết áp lưu động 24 giờ. Tỉ lệ tăng huyết áp ban đêm là 46,9%, tuổi trung bình 71,3 ± 8,6, nữ giới 60%.
Nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu kết hợp hồi cứu trên 233 bệnh nhân suy tim mất bù cấp (tuổi trung vị 67 tuổi; 52,9% nữ giới) nhằm xác định mối liên quan giữa phân bố kích thước hồng cầu (RDW) lúc nhập viện và kết cục trong 3 tháng (tử vong do mọi nguyên nhân, tái nhập viện vì suy tim).
Nghiên cứu này nhằm đánh giá độ chính xác của hình ảnh khuôn mặt được tái dựng từ máy quét khuôn mặt, một công nghệ ngày càng phổ biến trong lĩnh vực răng hàm mặt. Sử dụng mô hình sọ mặt người được tái tạo bằng silicone, chúng tôi đã thực hiện 10 lần quét bằng máy quét khuôn mặt và 1 lần chụp CBCT để so sánh. Sự chênh lệch của hình ảnh nghiên cứu và hình ảnh tham chiếu được đánh giá bằng phương pháp chồng hình 3D. Máy quét khuôn mặt công nghệ quang trắc lập thể có khả năng tái dựng hình ảnh khuôn mặt với độ chính xác cao ở mức 548μm cho độ đúng và 67μm cho độ chụm, mặc dù một số vùng vẫn có sự chênh lệch đáng kể so với hình ảnh tham chiếu.
EEG không chỉ giúp chẩn đoán các bệnh lý thần kinh, mà còn là công cụ hữu dụng trong phân tích quá trình học tập của sinh viên, góp phần phát triển lĩnh vực khoa học thần kinh giáo dục. Nghiên cứu mô tả cắt ngang; điện não đồ được ghi trên 192 sinh viên thuộc 3 nhóm ngành chính (Khoa học Sức khỏe, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội) tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tuy nhiên những trẻ sau phẫu thuật tiêu hoá không phải trẻ nào cũng hấp thu tốt. Nghiên cứu được thực hiện nhằm mô tả chế độ dinh dưỡng của trẻ sau mổ cắt ruột đến 12 tháng sau mổ và một số yếu tố ảnh hưởng đến chế độ ăn của trẻ. Nghiên cứu mô tả tiến cứu chế độ ăn của 50 trẻ sau phẫu thuật tiêu hoá. Nghiên cứu có 54% trẻ nam, tuổi trung bình 11,5 tháng, 32% trẻ đẻ non, 30% trẻ suy chức năng ruột sau mổ 12 tháng.
Suy dinh dưỡng là một vấn đề phổ biến ở bệnh nhân ung thư, là yếu tố dẫn đến nhiều hệ luỵ cho người bệnh. Điều trị hoá chất trong ung thư đường tiêu hoá gây ra nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến tình trạng ăn uống cũng như tình trạng dinh dưỡng của người bệnh. Nghiên cứu được tiến hành theo phương pháp mô tả cắt ngang trên 104 người bệnh ung thư đường tiêu hoá điều trị hoá chất tại Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Độ tuổi trung bình trong nghiên cứu là 63,19 ± 9,95 tuổi với 63,5 là nam và 36,5 là nữ.
U lympho nguyên phát thần kinh trung ương là một thể bệnh u lympho không Hodgkin, biểu hiện ở não, màng não mềm, tuỷ sống và mắt mà không có biểu hiện hệ thống. Bệnh hiếm gặp với các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và tiên lượng khác biệt so với các khối u não khác. Đây là nghiên cứu mô tả cắt ngang hồi cứu trên 21 bệnh nhân u lympho nguyên phát thần kinh trung ương được xạ trị toàn não tại Bệnh viện K từ tháng 6/2019 đến tháng 9/2024 nhằm nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của thể bệnh này. Nghiên cứu ghi nhận tuổi trung bình của bệnh nhân khi được chẩn đoán là 59,9 tuổi.
U lympho nguyên phát thần kinh trung ương là một thể bệnh u lympho không Hodgkin, biểu hiện ở não, màng não mềm, tuỷ sống và mắt mà không có biểu hiện hệ thống. Methotrexate liều cao là nền tảng của điều trị u lympho nguyên phát thần kinh trung ương, do khả năng đi qua hàng rào máu não, mang lại tỉ lệ đáp ứng cao. Xạ trị toàn não có vai trò củng cố sau Methotrexate liều cao hoặc điều trị vớt vát ở những bệnh nhân không thể dung nạp với liệu pháp toàn thân và khi bệnh tiến triển, tái phát. Đây là nghiên cứu mô tả cắt ngang hồi cứu trên 21 bệnh nhân u lympho nguyên phát thần kinh trung ương được xạ trị toàn não tại Bệnh viện K từ tháng 6/2019 đến tháng 9/2024 nhằm đánh giá kết quả điều trị của nhóm bệnh nhân này. Trung vị thời gian sống thêm bệnh không tiến triển của nhóm xạ trị vớt vát và nhóm xạ trị củng cố lần lượt là 13,9 tháng và 14,6 tháng.
Ung thư hạ họng là bệnh lý ung thư đầu cổ hay gặp ở Việt Nam. Chiến lược điều trị bệnh ở giai đoạn tiến triển tại chỗ tại vùng là phẫu thuật kết hợp xạ trị bổ trợ. Nghiên cứu của chúng tôi bao gồm 24 bệnh nhân ung thư hạ họng giai đoạn III, IV được phẫu thuật, tạo hình bằng vạt hỗng tràng và xạ trị ± hoá trị bổ trợ sau mổ.