Phương pháp mô hình cấu trúc (PLS-SEM) được sử dụng để kiểm định các giả thuyết. Dữ liệu khảo sát được thu thập từ 292 người tiêu dùng tại các thành phố lớn của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng giá trị chức năng, giá trị điều kiện và giá trị nhận thức tác động tích cực lên ý định mua thực phẩm xanh của người tiêu dùng Việt Nam. Giá trị xã hội không có tác động đáng kể nào. Giá trị cảm xúc đóng góp nhiều ảnh hưởng lên mối quan hệ giữa các giá trị tiêu dùng và ý định mua. Kết quả nghiên cứu hàm ý chính sách cho các nhà hoạch định và tiếp thị nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch sang hình thức tiêu dùng sinh thái, góp phần phát triển bền vững nền kinh tế.
Bài viết phân tích tác động của quản trị công ty đến khả năng sinh lời trong ngành ngân hàng. Dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các cơ sở dữ liệu được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực tài chính–ngân hàng gồm Refinitiv và World Bank. Mẫu nghiên cứu gồm 4.574 quan sát từ các ngân hàng niêm yết trên toàn cầu từ năm 2009 đến năm 2023. Phân tích thực nghiệm chỉ ra rằng các ngân hàng có điểm số quản trị cao hơn cũng là những ngân hàng có khả năng sinh lời tốt hơn. Mối quan hệ tuyến tính dương giữa quản trị và khả năng sinh lời của các ngân hàng tiếp tục được củng cố với mô hình hiệu ứng cố định. Kết quả nghiên cứu khẳng định vai trò quan trọng của cơ chế quản trị trong việc nâng cao kết quả tài chính của các ngân hàng.
Tìm ra tác động của chất lượng thể chế và phát triển tài chính tới đầu tư tư nhân tại các nước đang phát triển - nơi được cho là có chất lượng quản trị công kém hơn. Kết quả hồi quy GLS cho cả chất lượng thể chế và phát triển tài chính đều làm tăng giá trị đầu tư của khu vực tư nhân trong nước. Ngoài ra, một quốc gia có chất lượng quản trị tốt cũng góp phần thúc đẩy hiệu quả của khu vực tài chính. Những phát hiện trên giúp cho nhóm nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị cho các bên liên quan nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, đồng thời đề xuất một số hướng nghiên cứu trong tương lai.
Bài viết đánh giá tác động của mức độ nghiêm ngặt trong các biện pháp ứng phó của chính phủ tới thương mại quốc tế tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong đại dịch COVID-19. Dựa trên phân tích dữ liệu bảng của 24 quốc gia giai đoạn 2020-2022 kết hợp chỉ số nghiêm ngặt chính sách từ Oxford COVID-19 Government Response Tracker, kết quả cho thấy các chính sách nghiêm ngặt như phong tỏa và hạn chế di chuyển có tác động tiêu cực đến xuất khẩu và nhập khẩu. Bên cạnh đó, hồi quy phân vị cho thấy tác động này mạnh hơn ở các quốc gia có giá trị giao thương cao. Tuy nhiên, số ca nhiễm COVID-19 có tác động tích cực tới thương mại, đặc biệt với hàng hóa y tế. Kết quả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết kế chính sách cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh và duy trì chuỗi cung ứng, đồng thời đề xuất tăng cường phối hợp khu vực và đa dạng hóa đối tác thương mại để nâng cao khả năng phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
Bài viết nghiên cứu tổng quan các nghiên cứu trước một cách có hệ thống về việc đo lường vốn trí tuệ. Qua phân tích tổng quan tài liệu có hệ thống và phân tích thư mục với 336 nghiên cứu, chúng tôi chỉ ra rằng các nghiên cứu trước tuy đã nghiên cứu nhiều và đưa ra các thang đo tương đối đa dạng nhưng các nghiên cứu trước vẫn còn một số thiếu sót nhất định. Các thang đo định tính còn tổng thể, chưa cụ thể hóa và chưa thể hiện rõ bản chất của vốn trí tuệ. Vai trò của vốn kỹ thuật và vốn đổi mới chưa được làm rõ, chưa được nghiên cứu nhiều. Nghiên cứu này bổ sung và xây dựng các thang đo vốn trí tuệ như vốn con người, vốn cấu trúc, vốn quan hệ, vốn đổi mới và vốn kỹ thuật số.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng, dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 438 giám đốc điều hành, quản lý cấp trung từ doanh nghiệp sản xuất nông sản và thực phẩm. Kết quả của nghiên cứu đã cung cấp những hàm ý quản trị có giá trị cho các nhà quản lý trong việc gia tăng hiệu suất nông nghiệp thông minh. Ngoài ra, nghiên cứu này mong muốn trang bị cho các doanh nghiệp những kiến thức cần thiết để có những chính sách, định hướng để gia tăng hiệu suất nông nghiệp thông minh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp quản lý chuỗi cung ứng xanh và thực hành kinh tế tuần hoàn thúc đẩy hiệu suất của nông nghiệp thông minh.
Bài viết này nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm hội đồng quản trị đến hành vi làm trơn cổ tức của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Với mẫu nghiên cứu gồm 458 doanh nghiệp trong giai đoạn 2010-2022, kết quả nghiên cứu cho thấy doanh nghiệp có quy mô hội đồng quản trị càng lớn và có tỷ lệ thành viên nữ trong hội đồng quản trị càng cao thì có mức độ làm trơn cổ tức càng thấp. Bài viết này đưa ra các hàm ý về tầm quan trọng của kỹ năng làm việc nhóm đối với doanh nhân và nâng cao bình đẳng giới trong xã hội.
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến việc áp dụng phân tích dữ liệu lớn trong các doanh nghiệp tại Việt Nam. Phân tích định lượng được thực hiện trên dữ liệu khảo sát gồm 330 công ty tại Việt Nam. Kết quả chỉ ra rằng, lợi thế tương đối, cơ sở hạ tầng công nghệ, khả năng hấp thụ thông tin, cạnh tranh trong ngành và sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước ảnh hưởng đến mức độ áp dụng phân tích dữ liệu lớn. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm tăng cường áp dụng phân tích dữ liệu lớn vào các doanh nghiệp.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp Shift Share Analysis (SSA) để đánh giá đóng góp của các phần: thay đổi năng suất lao động ngành và thay đổi tỷ trọng lao động ngành vào tăng trưởng năng suất lao động của 22 nước đang phát triển giai đoạn 2000- 2019. Kết quả cho thấy cơ cấu lao động các nước có sự thay đổi tích cực, lao động chuyển từ ngành nông- lâm- thủy sản sang dịch vụ và một phần sang công nghiệp- xây dựng với các nước tăng trưởng năng suất lao động cao. Công nghiệp là ngành có năng suất lao động cao nhất. Ở các nước tăng trưởng cao, hiệu ứng nội ngành giữ vai trò nòng cốt, hiệu ứng cơ cấu như một bệ đỡ cho tăng trưởng. Tăng trưởng do đóng góp chủ yếu của ngành dịch vụ rồi đến công nghiệp- xây dựng. Ở nước tăng trưởng thấp, chuyển dịch cơ cấu là động lực chính, nhưng vai trò quá nhỏ, không thể bù đắp sự suy giảm mạnh mẽ của năng suất lao động nội ngành.
Nghiên cứu này nhằm đánh giá mối liên hệ giữa phát triển công nghiệp với tính bền vững môi trường ở các nước ASEAN bằng việc sử dụng dữ liệu bảng trong giai đoạn 1995-2022. Các kiểm định đồng tích hợp để xác định mối quan hệ cân bằng dài hạn giữa các biến, kỹ thuật hồi quy nhóm trung bình gộp (ARDL-PMG) và kiểm tra nhân quả để xác định các tác động dài hạn và ngắn hạn được thực hiện. Kết quả ước tính chính cho thấy tồn tại mối quan hệ dài hạn và các tác động tiêu cực và tích cực. Giá trị gia tăng công nghiệp (IVA) làm giảm tính bền vững môi trường (LCF) và giá trị gia tăng công nghiệp trên mỗi lao động (IPW) làm tăng LCF. Ngoài ra, kiểm định nhân quả cho thấy mối quan hệ hai chiều giữa LCF và các biến giải thích. Dựa trên những kết quả này, tác giả đưa ra các hàm ý chính sách.