Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá tác động của thanh khoản đến khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2010 - 2022. Ước lượng bằng hồi quy FGLS đối với dữ liệu bảng cho thấy thanh khoản có tác động tiêu cực đến khả năng sinh lời của các ngân hàng. Kết quả nghiên cứu này đem lại cho các ngân hàng thương mại các hàm ý chính sách quan trọng trong việc cân đối danh mục tài sản thanh khoản và tài sản sinh lời. Trong khi đó, cơ quan quản lý cần tránh các cú sốc trong điều hành nhằm hạn chế tình trạng thiếu hụt thanh khoản ở các ngân hàng, đặc biệt trong môi trường kinh doanh nhiều biến động hiện nay.
Chuyển đổi số là xu hướng toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực và logistics không phải là ngoại lệ. Tại Việt Nam, với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế và thương mại điện tử, ngành logistics đang đứng trước những cơ hội lớn để ứng dụng công nghệ số nhằm tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Bài viết này sẽ phân tích cơ hội, thách thức và đề xuất giải pháp cho chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam.
Bài nghiên cứu sẽ phân tích thực trạng phát triển năng lực số ngành ngân hàng Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực. Các khuyến nghị bao gồm hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường làm việc số và cải tiến chương trình đào tạo. Những giải pháp này sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thành công, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng và đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Nghiên cứu này phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam thông qua phân tích định lượng dữ liệu từ 160 công ty niêm yết trong giai đoạn 2015-2022. Kết quả cho thấy quy mô doanh nghiệp có tác động tích cực đến hiệu suất, trong khi tuổi đời và đòn bẩy tài chính lạicó ảnh hưởng tiêu cực. Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý đòn bẩy tài chính hiệu quả để tối ưu hóa hiệu suất. Các biện pháp như tái cấu trúc nợ và quản lý rủi ro tài chính được khuyến nghị để giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, việc duy trì tỷ lệ đòn bẩy tài chính hợp lý và phân tích chi phí-lợi ích trong đầu tư cũng được coi là thiết yếu để hỗ trợ sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Nghiên cứu tập trung đánh giá hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn Nhà nước tại Việt Nam trong giai đoạn 2018-2022, sử dụng phương pháp đường bao dữ liệu mạng hai giai đoạn. Kết quả cho thấy hiệu quả hoạt động của nhóm ngân hàng này có xu hướng giảm, chủ yếu do tác động từ hoạt động cho vay trước đại dịch Covid-19 và việc huy động vốn trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Dựa trên các kết quả phân tích, tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của các ngân hàng này trong thời gian tới.
Tác động lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FS) có thể bị bóp méo bởi tham nhũng (COR), từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng xanh. Sử dụng dữ liệu mảng của 63 tỉnh/thành phố ở Việt Nam từ năm 2011 đến 2022. Nghiên cứu này phân tích tác động của lan tỏa FDI tới tăng trưởng xanh và đánh giá ảnh hưởng điều tiết của kiểm soát tham nhũng tới mối quan hệ kể trên. Từ kết quả nghiên cứu, một số gợi ý chính sách được đưa ra, nhấn mạnh chính phủ cần kiểm soát tham nhũng để thúc đẩy lan tỏa FDI, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, bền vững.
Bài viết phân tích vai trò của mô hình kinh tế hợp tác xã đối với phát triển bền vững bắt nguồn từ các giá trị và nguyên tắc của mô hình hợp này. Bài viết khẳng định rằng mô hình hợp tác xã với các giá trị cốt lõi như tự lực, tự chịu trách nhiệm, dân chủ, bình đẳng, công bằng và đoàn kết, cùng bảy nguyên tắc hoạt động đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Hợp tác xã có đóng góp vào quá trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững như giảm nghèo, bất bình đẳng giới, nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, tạo công việc tử tế, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ năng lượng bền vững. Trên cơ sở phân tích và thực tiễn ở Việt Nam, bài viết đề xuất một số hàm ý chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã gắn với mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.
Bài viết của chúng tôi sử dụng dữ liệu của 37 công ty sản xuất hoá chất, dược phẩm niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam để kiểm tra tác động của việc thực thi yếu tố môi trường đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Kết quả thực nghiệm cho thấy việc thực thi yếu tố môi trường có tác động rõ rệt đến khả năng sinh lời trên tổng tài sản (ROA). Ngoài ra, điểm thực thi yếu tố môi trường (ENV) trung bình của ngành đạt 0,14, khá thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Điều này chứng tỏ yếu tố môi trường vẫn chưa nhận được sự quan tâm thích đáng của các doanh nghiệp hoá chất, dược phẩm tại Việt Nam.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xem xét ảnh hưởng của chênh lệch giữa kế toán và thuế đến tính ổn định của lợi nhuận (LN). Mẫu nghiên cứu gồm 200 công ty niêm yết ở Việt Nam trong giai đoạn 2019-2023. Bằng phương pháp nghiên cứu định lượng, kết quả cho thấy mô hình tác động cố định (FEM) là phù hợp nhất. Phương trình FGLS được hồi quy, cho thấy tính ổn định của LN thay đổi giữa các nhóm công ty dựa trên các dấu (âm/dương) và độ lớn của chênh lệch. Các công ty có chênh lệch giữa kế toán và thuế lớn (cả âm và dương) đều có LN kém ổn định hơn so với các công ty có chênh lệch nhỏ và chênh lệch giữa kế toán và thuế có ảnh hưởng ngược chiều đến tính ổn định của lợi nhuận.
Kỷ nguyên số đang mang lại những thay đổi căn bản trong hoạt động của các ngân hàng thương mại trên nhiều khía cạnh khác nhau. Trong hoạt động tín dụng, chuyển đổi số giúp các ngân hàng mở rộng hoạt động cho vay, giảm thiểu chi phí, quản trị rủi ro, nhờ đó có thể đa dạng hoá danh mục cho vay tốt hơn. Nghiên cứu đánh giá tác động của đa dạng hóa danh mục cho vay tới hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số, sử dụng các mô hình hồi quy POLS, FEM, REM và GLS. Kết quả cho thấy, đa dạng danh mục cho vay có tác động tích cực đến ROA và ROE của các ngân hàng thương mại, trong khi yếu tố chuyển đổi số chưa thực sự có ảnh hưởng đáng kể. Nghiên cứu khẳng định tầm quan trọng của việc đa dạng hoá danh mục cho vay, đồng thời đưa ra một số giải pháp để đa dạng hoá danh mục và cải thiện hiệu quả hoạt động cho các ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số.