Để định lượng các yếu tố ảnh hưởng tới thu nhập lãi cận biên (NIM) gắn với thực trạng hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam, nghiên cứu này sử dụng phương pháp hồi quy dữ liệu bảng trên bộ dữ liệu 174 quan sát được tác giả thu thập và tính toán từ báo cáo tài chính của 29 trong số 35 ngân hàng thương mại Việt Nam giai đoạn 2018-2023. Kết quả hồi quy dữ liệu bảng thể hiện rằng, các yếu tố bên trong ngân hàng là quy mô tài sản, quy mô vốn chủ sở hữu, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi, chi phí hoạt động có ảnh hưởng tích cực đối với NIM. Ngược lại, giữa NIM và hiệu quả quản lý, quy mô cho vay có tác động tiêu cực lẫn nhau trong giai đoạn này.
Bài nghiên cứu phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến kiệt quệ tài chính (KQTC) của các doanh nghiệp ngành nhựa niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2012-2023. Nghiên cứu đo lường KQTC bằng chỉ số S-Score của Springate (1978). Kết quả cho thấy các yếu tố khả năng sinh lời (ROA), khả năng thanh toán (LIQ), chính sách quản trị tiền mặt (CASH) có tác động tích cực, giúp giảm nguy cơ KQTC, trong khi các yếu tố quy mô doanh nghiệp (SIZE), tăng trưởng doanh thu (GRDT) có tác động tiêu cực, làm tăng nguy cơ KQTC. Đại dịch COVID-19 cũng được xác định là yếu tố làm gia tăng nguy cơ KQTC của doanh nghiệp ngành nhựa. Nghiên cứu đề xuất doanh nghiệp cần quản lý tài chính hiệu quả, duy trì thanh khoản hợp lý và có chiến lược thích ứng với biến động kinh tế để giảm thiểu rủi ro tài chính.
Nghiên cứu đánh giá tác động của các hoạt động ngân hàng xanh đến thương hiệu xanh tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, với đối tượng khảo sát là 419 khách hàng với phương pháp phân tích dữ liệu sử dụng PLS-SEM. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các hoạt động ngân hàng xanh có ảnh hưởng tích cực đến thương hiệu xanh của ngân hàng, đặc biệt là hoạt động ngân hàng xanh gắn với khách hàng, nhân viên và chính sách ngân hàng xanh. Những yếu tố này giúp cải thiện nhận diện thương hiệu, uy tín và sự khác biệt của ngân hàng, từ đó gia tăng lòng trung thành của khách hàng. Bên cạnh đó, các hoạt động ngân hàng xanh gắn với vận hành cũng có tác động tới hình ảnh thương hiệu xanh của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu giúp các ngân hàng thương mại Việt Nam xây dựng chiến lược ngân hàng xanh hiệu quả hơn và nâng cao giá trị thương hiệu.
Xác định giá đất là một nội dung then chốt trong quản lý nhà nước về đất đai, ảnh hưởng đến thu ngân sách, thị trường bất động sản và quyền lợi của người dân. Bài viết tổng hợp và phân tích kinh nghiệm quốc tế về xác định giá đất tại một số quốc gia tiêu biểu như Hoa Kỳ, Úc, Thụy Điển, Nga và Trung Quốc. Trọng tâm là mô hình thẩm định giá hàng loạt (mass appraisal) và vai trò của công nghệ trong tăng cường minh bạch, hiệu quả quản lý đất đai. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số bài học và kiến nghị chính sách cho Việt Nam nhằm cải cách hệ thống định giá đất theo hướng hiện đại, phù hợp với cơ chế thị trường và bối cảnh chuyển đổi số.
Bài viết sẽ nghiên cứu xu hướng biến đổi của một trong các quan hệ kinh tế đang diễn ra trên thế giới - đó là quan hệ phân phối và tác động của nó đến Việt Nam. Từ đó đề xuất một số giải pháp giải quyết quan hệ phân phối trong nền kinh tế thị tường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh nguồn lực quốc gia còn hạn chế và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao. Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) hiệu quả, hiệu lực là một nội dung trọng tâm của công tác THTK, CLP, bởi TSC là nguồn lực vật chất to lớn, trực tiếp phục vụ hoạt động của nhà nước nói riêng và mục tiêu phát triển quốc gia nói chung, đặc biệt là trong kỷ nguyên vươn mình. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 (Luật THTK, CLP 2013) [1] đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức và đạt được những kết quả bước đầu [6]. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thi hành, Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Báo cáo này tập trung phân tích cơ sở lý luận, đánh giá thực trạng THTK, CLP trong lĩnh vực TSC, từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng từ 47 quốc gia trên thế giới trong giai đoạn 2010-2022 để khám phá tác động của phát triển tài chính đến quy mô kinh tế. Phát triển tài chính được phân tích qua bốn khía cạnh chính: chiều sâu, khả năng tiếp cận, hiệu quả và ổn định, nhằm làm rõ cách mỗi yếu tố ảnh hưởng đến quy mô kinh tế ngầm. Kết quả từ phương pháp ước lượng PCSE cho thấy: Khi đo lường phát triển tài chính qua chiều sâu (DEPTH) bằng tỷ lệ cung tiền M2 trên GDP (M2/GDP), khả năng tiếp cận (ACCESS) bằng số lượng chi nhánh ngân hàng thương mại, và hiệu quả (EFF) bằng tỷ lệ tín dụng nội địa cho khu vực tư nhân (% GDP), các yếu tố này đều có tác động giảm rõ rệt đến quy mô kinh tế ngầm (được xác định qua biến DGE và MIMIC) tại các quốc gia khảo sát. Tuy nhiên, khi xem xét khía cạnh ổn định tài chính (ST) qua tỷ lệ nợ xấu trên tổng tín dụng, kết quả hồi quy cho thấy yếu tố này không tạo ra ảnh hưởng đáng kể về mặt thống kê đến quy mô kinh tế ngầm (đo bằng DGE và MIMIC).
Bài viết này, phân tích các nhân tố tác động đến mức độ công bố thông tin trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp logistics niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Qua đó, đề xuất một số khuyến nghị.
Tìm hiểu tác động của quy mô công ty đến hành vi dàn đều thu nhập của các công ty niêm yết trên thị trường Việt Nam. Mô hình hồi quy dữ liệu bảng được áp dụng để phân tích kết quả nghiên cứu. Dựa theo dữ liệu của 2.754 phần tử quan sát đến từ 306 công ty niêm yết trên sàn HOSE và HNX trong giai đoạn 2015-2023 và mô hình dữ liệu bảng theo FGLS, kết quả nghiên cứu thể hiện rằng quy mô công ty làm gia tăng hành vi dàn đều thu nhập của công ty trên thị trường Việt Nam. Đồng thời nghiên cứu cũng thừa nhận hiệu quả sử dụng tài sản, đòn bẩy tài chính làm giảm hành vi dàn đều thu nhập và tỷ lệ giá thị trường làm gia tăng dàn đều thu nhập. Kết quả nghiên cứu là bằng chứng thực nghiệm thừa nhận quy mô công ty là một yếu tố làm gia tăng biện pháp dàn đều thu nhập tại các công ty niêm yết và là cơ sở để các công ty có các cơ chế quản trị hợp lý nhằm hạn chế hành vi này.
Trong xu hướng toàn cầu hiện nay, các tổ chức tài chính đang nỗ lực hết mình hướng tới tài chính thông minh để thu được lợi ích của số hóa. Công nghệ tài chính (Fintech) được đánh giá là có tiềm năng to lớn và có nhiều tác động đến ngành Ngân hàng cũng như các lĩnh vực khác trên toàn thế giới. Các công ty Fintech đang tăng cường cộng tác với các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm hưởng lợi từ kinh nghiệm, chuyên môn của các ngân hàng và thuận lợi trong mở rộng quy mô phát triển. Đổi lại, các công ty Fintech cung cấp cho các ngân hàng nền tảng hiện đại nhất để tiếp cận những khách hàng mới và gia tăng trải nghiệm khách hàng hiện hữu. Qua tìm hiểu thực trạng hợp tác giữa các NHTM Việt Nam và các công ty Fintech, nghiên cứu đưa ra một số hàm ý nhằm phát triển mối liên kết này trong thời gian tới.