Bài viết nghiên cứu vai trò của lãi suất đối với tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng thương mại ở Việt Nam, tập trung vào tính phi tuyến và ngưỡng bất đối xứng. Kết quả hồi quy phân vị tại Việt Nam giai đoạn 2012-2024 cho thấy không chỉ hướng biến động (tăng hay giảm) mà cả mức độ thay đổi lãi suất cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu. Cụ thể, biến động giảm của lãi suất có ảnh hưởng mạnh hơn đáng kể đến việc gia tăng nợ xấu so với biến động tăng. Đáng chú ý, nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trung bình (Q40, Q50, Q60) phản ứng bất đối xứng khi lãi suất giảm vượt ngưỡng 20%. Khi lãi suất giảm vượt ngưỡng này, tác động của chúng mạnh hơn so với mức giảm dưới 20%. Ngoài ra, nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao ít bị tác động bởi biến động lãi suất. Điều này nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc duy trì sự ổn định lãi suất trong kiểm soát rủi ro tín dụng và ổn định thị trường tài chính tại Việt Nam.
Nghiên cứu nhằm kiểm định mối tương quan giữa tính bất định trong hoạt động ngân hàng và nợ xấu trong hoạt động cho vay ngân hàng thương mại. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu 31 ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn 2007-2019 để phân tích thực nghiệm và sử dụng biến phân tán các cú sốc đối với các biến số cấp ngân hàng để đo lường tính bất định của ngân hàng. Để xác định tính vững những phát hiện của nghiên cứu, nghiên cứu thực hiện một loạt các kiểm tra thay thế dựa trên các kỹ thuật kinh tế lượng khác nhau, với trọng tâm là phương pháp ước tính khoảnh khắc tổng quát hóa hệ thống hai bước. Tính bất định gây ra những tác động bất lợi nhiều mặt đối với hoạt động cho vay của ngân hàng. Cụ thể, các ngân hàng có xu hướng hạn chế tăng trưởng cho vay, chịu nhiều rủi ro tín dụng hơn, khả năng gia tăng nợ xấu và tăng lãi suất cho vay trong thời kỳ bất định cao hơn. Đồng thời, nghiên cứu khám phá tác động của tính bất định đến số lượng, chất lượng và giá cả của các khoản vay ngân hàng.
Bài nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích tìm hiểu vai trò của tổ chức tài chính vi mô đối với sự phát triển các dự án kinh doanh của phụ nữ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mô hình nghiên cứu có bốn biến độc lập bao gồm tiết kiệm, tiếp cận tài chính vi mô, chương trình huấn luyện kỹ năng, hỗ trợ kinh doanh. Dữ liệu nghiên cứu được khảo sát từ 300 nữ doanh nhân và phân tích bằng phần mềm SPSS. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc tiếp cận vốn vay và điều kiện vay chưa phù hợp, các chương trình kỹ năng chưa có hiệu quả. Mức tiết kiệm, tiêu dùng vẫn còn hạn chế, từ đó việc thuê mướn thêm lao động còn gặp nhiều khó khăn. Về mặt lý thuyết, nghiên cứu này đã làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển các dự án kinh doanh của phụ nữ.Trong các yếu tố có tác động thúc đẩy sự phát triển các dự án kinh doanh của phụ nữ thì kết quả nghiên cứu cho thấy có ba yếu tố có tác động gồm tiết kiệm, tiếp cận tài chính vi mô, chương trình huấn luyện kỹ năng. Về mặt thực tiễn, nghiên cứu đề xuất hàm ý một số giải pháp cho các cơ quan quản lý và các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam nhằm hỗ trợ cho các nữ doanh nhân trong quá trình kinh doanh.
Bài viết nhìn nhận dưới góc độ lực lượng kinh tế tư nhân, tức là cấu trúc hệ thống tổng thể các bộ phận cấu thành khu vực này. Theo cách tiếp cận đó, ngoài việc đánh giá được những bước tiến nhảy vọt của khu vực này, từ chỗ là đối tượng tồn tại để cải tạo đến chỗ được định vị là khu vực giữa vai trò động lực quan trọng trong phát triển đất nước. Trên cơ sở các phát hiện hai nhóm nguyên nhân chính của các vấn đề nói trên là những yếu kém của chính lực lượng kinh tế tư nhân và những bất cập trong hệ thống chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bài viết đề xuất hai nhóm giải pháp tương ứng nhằm nâng cao vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân trong quá trình thực hiện khát vọng phát triển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Để tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm phát triển nhanh, bền vững đòi hỏi Việt Nam phải coi trọng việc phát triển khoa học - công nghệ, gắn với đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Để thực hiện được điều này đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy hành động, thông qua hội nhập quốc tế để tiếp thu những thành tựu khoa học - công nghệ mới, từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế số, để nâng cao năng suất lao động, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bài nghiên cứu làm rõ tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và đề xuất những giải pháp để phát triển khoa học - công nghệ ở Việt Nam, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bài viết nghiên cứu thực trạng và tác động của chuyển đổi số đến năng suất lao động của các doanh nghiệp Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê năm 2019 về chuyển đổi số để đánh giá năng suất lao động doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2020- 2022. Nghiên cứu áp dụng mô hình hồi quy bình phương nhỏ nhất (OLS) với hiệu ứng cố định theo cả chiều không gian (tỉnh) và thời gian (năm) và sai số chuẩn vững để ước lượng tác động của chuyển đổi số lên năng suất lao động. Kết quả cho thấy chuyển đổi số có tác động tích cực đến năng suất lao động. Trình độ lao động và cường độ vốn cũng được xác định là những yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy năng suất lao động thông qua chuyển đổi số.
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phát triển kinh tế xã hội. Phương pháp nghiên cứu tại bàn với các dữ liệu thứ cấp được thu thập từ nhiều nguồn bao gồm sách, tạp chí, báo, các bài viết trên internet. Kết quả cho thấy trí tuệ nhân tạo được ứng dụng phổ biến vào các lĩnh vực kinh tế xã hội và có tác động tích cực và đáng kể đến phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể hơn, xu hướng công nghệ này là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Dựa vào những phân tích, bài viết đề xuất một vài gợi ý về chính sách đối với Việt Nam trong việc quản lý sử dụng AI để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Nghiên cứu này đánh giá tác động của bất ổn chính sách kinh tế thế giới tới rủi ro sụt giảm giá cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, nghiên cứu đánh giá tác động của chỉ số bất ổn chính sách kinh tế thế giới GEPU (Global Economic Policy Uncertainty) tới rủi ro sụp đổ giá của 214 cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ 2013 tới 2022. Kết quả hồi quy dữ liệu bảng cho thấy tác động cùng chiều của mức độ bất ổn chính sách kinh tế đối với rủi ro sụp đổ giá cổ phiếu. Đồng thời tác động này cũng mạnh hơn ở các cổ phiếu có quy mô giao dịch lớn, thể hiện mức độ bất đồng ý kiến lớn hơn trong đánh giá cổ phiếu của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, khi so sánh tác động của hai quốc gia là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc, kết quả cho thấy rủi ro sụp đổ giá cổ phiếu chủ yếu chịu tác động lớn hơn từ bất ổn chính sách kinh tế tại Mỹ.
Bài viết phân tích hiệu quả của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động tại Việt Nam bằng cách tiếp cận tham số với phương pháp phân tích biên ngẫu nhiên (SFA), dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ báo cáo tài chính của các công ty bảo hiểm trong giai đoạn 2015 - 2020. Kết quả cho thấy hiệu quả bình quân của toàn bộ các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong thời kỳ nghiên cứu là 0,524, hiệu quả thấp nhất 0,092, hiệu quả cao nhất đạt 0,852. Trong số các công ty bảo hiểm trong mẫu nghiên cứu, công ty bảo hiểm Tokio Marine có hiệu quả cao nhất, với hiệu quả bình quân trong kỳ nghiên cứu là 0,852 và công ty bảo hiểm Toàn Cầu có hiệu quả thấp nhất, với mức hiệu quả bình quân trong kỳ nghiên cứu là 0,076. Kết quả này cũng cho thấy hiệu quả của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2020 là tương đối thấp, với kết quả này nếu trung bình đầu ra không thay đổi, các công ty bảo hiểm có thể giảm tối đa 43,7% đầu vào.
Nghiên cứu này phân tích tác động của trách nhiệm xã hội đến hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại. Nhóm tác giả sử dụng bộ dữ liệu của 26 ngân hàng thương mại tại Việt Nam trong giai đoạn 2010-2022 và phương pháp Generalized Method of Moments (GMM) để phân tích mối quan hệ của hai biến số trên. Biến số trách nhiệm xã hội được đo lường bằng phương pháp phân tích nội dung, trong khi các biến phản ánh hiệu quả tài chính của ngân hàng thương mại được đo lường bằng các chỉ tiêu khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc thực hiện trách nhiệm xã hội có tác động tích cực đến hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại, tuy nhiên tác động của từng thành phần trách nhiệm xã hội có sự khác biệt đáng kể. Bên cạnh đó, cấu trúc sở hữu nước ngoài cũng có ảnh hưởng đến tác động của trách nhiệm xã hội đến hiệu quả tài chính của ngân hàng thương mại.