Bảo quản tài sản thi hành án là một trong những công việc quan trọng của chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án. Việc bảo đảm đầy đủ, nguyên trạng tài sản thi hành án không chỉ đảm bảo quyền và lợi ích của các đương sự mà còn có tác động lớn đến hiệu quả tổ chức thi hành án. Mặc dù Luật Thi hành án dân sự đã có những quy định riêng về bảo quản tài sản thi hành án, nhưng thực tiễn áp dụng pháp luật vẫn còn phát sinh nhiều vấn đề bất cập, cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Bài viết tập trung phân tích một số vấn đề liên quan đến bảo quản tài sản thi hành án và đưa ra một số ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này.
Việc sử dụng cọc xi măng đất (Cement Deep Mixing - CDM) để gia cố nền đất yếu đang được áp dụng rộng rãi trong các công trình giao thông nhờ tính hiệu quả và an toàn. Nghiên cứu này đánh giá tác động của quá trình thi công CDM lên các công trình trụ cầu lân cận, một tình huống phổ biến trong các dự án đường vành đai. Thông qua phân tích dữ liệu thực tế về đất yếu tại thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu chỉ ra rằng áp lực ngang và độ lún trong quá trình thi công CDM có thể vượt quá khả năng chịu tải của đất nền, gây dịch chuyển và xô lệch đất về phía các công trình lân cận. Kết quả cho thấy, mặc dù CDM ít ảnh hưởng sau khi xi măng cứng lại, quá trình thi công vẫn tiềm ẩn rủi ro. Để giảm thiểu tác động tiêu cực, nghiên cứu đề xuất duy trì khoảng cách an toàn tối thiểu 5m từ vị trí mũi khoan đến mép bệ cọc và thi công CDM trước khi thi công trụ cầu. Những phát hiện này cung cấp cơ sở khoa học cho thiết kế và thi công hiệu quả trên nền đất yếu, đồng thời mở ra hướng nghiên cứu mới về dịch chuyển ngang và xô lệch cọc trong điều kiện địa chất phức tạp
Định giá, bán tài sản đã kê biên là một trong các nhiệm vụ của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự trong hoạt động tổ chức thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành. Trong thời gian gần đây khi áp dụng các quy định về định giá, bán tài sản đã kê biên chấp hành viên gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc. Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đó, Luật Thi hành án dân sự (THADS) đã và đang được cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Bài viết phân tích, đánh giá các quy định về định giá, bán tài sản đã kê biên trong Dự thảo 2 Luật THADS (viết tắt là Dự thảo luật), từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về định giá, bán tài sản đã kê biên, góp phần từng bước hoàn thiện các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự trong tình hình hiện nay.
Quyền tự định đoạt của đương sự là một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS). Trong thủ tục phúc thẩm vụ án dân sự, đương sự có quyền chấm dứt yêu cầu khởi kiện/yêu cầu phản tố/yêu cầu độc lập; thay đổi, bổ sung kháng cáo và thỏa thuận giải quyết vụ án. Bài viết phân tích, bình luận về thực trạng pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam về quyền tự định đoạt của đương sự trong thủ tục phúc thẩm vụ án dân sự, chỉ ra các hạn chế, vướng mắc trong các quy định này và đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật.
Sức kháng mất ổn định cục bộ của tấm thép chịu nén kê giản đơn 4 cạnh là giá trị thiết kế quan trọng của một kết cấu công trình thép. Với ứng dụng của thép tính năng cao sẽ nâng cao đáng kể giá trị thiết kế này. Một số lượng lớn tấm thép kê 4 cạnh được khảo sát với áp dụng mô hình số theo phương pháp phần tử hữu hạn và giả thiết phi tuyến khi mô tả ứng xử của cấp vật liệu thép thông thường và thép tính năng cao SBHS. Mô hình xét đến ứng xuất dư và biến dạng ban đầu ở mức giới hạn cho phép để đánh giá công thức thiết kế sức kháng mất ổn định cục bộ của tấm thép trong quy trình thiết kế cầu đường bộ Nhật Bản hiện hành. Kết quả phân tích số chỉ ra công thức trong quy trình thiết kế Nhật Bản hiện hành là không an toàn trong phạm vi trung gian của tham số độ mảnh R của tấm thép và với cùng mức độ tham số độ mảnh R, ứng suất dư và biến dạng ban đầu, sức kháng của tấm đối chiếu với giá trị chảy dẻo (σu/σy) với cấp thép tính năng cao sẽ lớn hơn một chút của tấm với cấp thép thông thường
Bản mặt cầu trọng lượng nhẹ là một hướng nghiên cứu đang được phát triển tại nhiều quốc gia, đặc biệt thường được ứng dụng trong công nghệ xây dựng cầu nhanh. Bài báo nghiên cứu một số các tham số thiết kế cơ bản cho bản mặt cầu sườn mỏng sử dụng vật liệu bê tông cường độ cao HPC. Kết quả cho thấy việc sử dụng kết cấu bản mặt cầu sườn mỏng có thể giúp giảm tĩnh tải bản thân từ 20 đến 42% so với bản mặt cầu đặc thông thường. Lượng cốt thép cần thiết trong bản để thỏa mãn trạng thái giới hạn cường độ được tính toán và thể hiện dưới dạng bảng tra giúp người thiết kế dễ dàng lựa chọn theo khoảng cách dầm chủ và khoảng cách sườn mong muốn. Để thỏa mãn điều kiện ứng suất tại trạng thái giới hạn sử dụng, nghiên cứu bước đầu đề xuất dạng kết cấu bản mặt cầu có sử dụng cáp dự ứng lực được đặt tại khu vực trọng tâm sườn. Kết quả tính toán cho thấy, ở một phạm vi giới hạn về khoảng cách dầm chủ và khoảng cách các sườn ngang, việc sử dụng cáp dự ứng lực có thể giúp bản sườn mỏng HPC thỏa mãn các yêu cầu về điều kiện kháng nứt ở trạng thái giới hạn sử dụng
Cưỡng chế trả vật, giấy tờ và chuyển quyền sử dụng đất được quy định tại Mục 9 Chương 4 Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, trong đó có quy định về thủ tục cưỡng chế đối với 04 loại tài sản khác nhau đó là: cưỡng chế trả vật; cưỡng chế trả nhà, giao nhà; cưỡng chế giao, trả giấy tờ; cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất. Hiện nay, Dự thảo Luật về cơ bản giữ nguyên các điều luật nói trên và có sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong từng điều luật, đồng thời, bổ sung thêm 01 điều luật về chuyển giao quyền sở hữu chứng khoán để phù hợp với các quyền, nghĩa vụ của đương sự được tuyên trong bản án, quyết định. Trên cơ sở phân tích thực tiễn của hoạt động THADS, tác giả đưa ra một số góp ý để hoàn thiện hơn nữa Dự thảo Luật trong quy định về cưỡng chế trả vật, giấy tờ, chuyển quyền sử dụng đất.
Khói silic thay thế một phần xi măng trong bê tông cường độ cao đã là trọng tâm của nhiều nghiên cứu. Tuy nhiên, tác động của việc thay thế xi măng bằng khói silic trong hỗn hợp bê tông đối với các tính chất cơ học và nhiệt của bê tông cường độ cao vẫn chưa được khám phá đầy đủ. Khói silic, đặc trưng bởi hoạt tính puzolan cao và các hạt siêu mịn, được đưa vào hỗn hợp bê tông để tăng cường các tính chất cơ học và độ bền của chúng. Nghiên cứu này kiểm tra ảnh hưởng của hàm lượng khói silic khác nhau đến cường độ nén và CTE của bê tông cường độ cao. Trong nghiên cứu này, các mẫu bê tông có tỷ lệ nước-xi măng là 0,32 đã được chuẩn bị, với 5%, 10% và 15% xi măng được thay thế bằng khói silic. Kết quả thực nghiệm chứng minh rằng khói silic cải thiện đáng kể cường độ nén, đặc biệt là ở độ tuổi sớm, bắt đầu từ 7 ngày. Tuy nhiên, CTE của các hỗn hợp này không bị ảnh hưởng đáng kể, với các giá trị trung bình thay đổi đôi chút, dao động từ 8,95 đến 9,93 × 10⁻⁶/°C. Nghiên cứu này góp phần làm rõ hơn vai trò của khói silic trong hỗn hợp bê tông và ảnh hưởng của nó đến CTE.
Trong hệ thống văn bản luật hiện hành, quyền lưu cư được đặt ra trong ngữ cảnh nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ chồng nhưng đã được đưa vào sử dụng chung trong thời kỳ hôn nhân, nếu vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt. Quy định này mang ý nghĩa nhân văn trong việc bảo vệ một trong những quyền cơ bản của con người là quyền có chỗ ở. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, quyền lưu cư áp dụng chưa có sự thống nhất và áp dụng không chỉ trong quan hệ hôn nhân mà trong nhiều loại tranh chấp khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích ba nội dung liên quan đến quyền lưu cư: (i) Khái quát về quyền lưu cư; (ii) Quy định pháp luật về quyền lưu cư; (iii) Thực tiễn áp dụng quyền lưu cư qua các bản án.
Cơ sở hạ tầng giao thông là một thành phần quan trọng của sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng, nơi tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng gia tăng đặt ra những thách thức đáng kể. Chất lượng và độ bền của mặt đường là những yếu tố thiết yếu để đảm bảo hiệu quả và tuổi thọ của hệ thống giao thông. Vật liệu Carboncor Asphalt (CA), với khả năng chống nứt, chống thấm nước và điều kiện thời tiết khắc nghiệt vượt trội, là giải pháp đầy hứa hẹn cho việc xây dựng mặt đường tại Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu về hành vi cơ học của nhựa đường carboncor trong điều kiện khí hậu và môi trường cụ thể của quốc gia này còn hạn chế. Để giải quyết khoảng cách kiến thức này, nghiên cứu này điều tra hành vi cắt của lớp nhựa đường carboncor giao thoa với cả lớp bề mặt bê tông nhựa và bê tông xi măng. Một loạt các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm toàn diện được tiến hành để đánh giá cường độ liên kết giữa lớp nhựa đường carboncor và bề mặt đường bên trên. Kết quả cho thấy có mối tương quan âm giữa nhiệt độ và cường độ liên kết đối với lớp nhựa đường carboncor phủ trên cả nền nhựa đường và bê tông xi măng. Đáng chú ý, cường độ liên kết đã chứng minh sự gia tăng đáng kể theo thời gian. Những phát hiện trong nghiên cứu này dự kiến sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng và bảo dưỡng đường bộ bằng cách sử dụng lớp phủ CA tại Việt Nam. Nghiên cứu này nhằm mục đích nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm chi phí bảo trì bằng cách cung cấp nền tảng khoa học cho việc lựa chọn vật liệu, thiết kế và xây dựng mặt đường phù hợp với điều kiện địa phương.