CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

  • Duyệt theo:
1 Chế phẩm probiotic an toàn dùng cho người / Nguyễn La Anh, Đặng Thu Hương // Khoa học và công nghệ Việt Nam .- 2025 .- Số 2A .- Tr. 38 - 40 .- 610
Dưới sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thông qua đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu đặc điểm kháng kháng sinh nội tại của các chủng Lactobacillus để tạo chế phẩm probiotic an toàn dùng cho người”, mã số ĐTĐL.CN-59/19 thuộc Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017-2025, các nhà khoa học của Viện Công nghiệp Thực phẩm (Bộ Công Thương) đã lựa chọn được 4 chủng có tiềm năng và an toàn nhất để sản xuất chế phẩm probiotic; đồng thời xây dựng công nghệ sản xuất chế phẩm probiotic với mật độ tế bào sống cao (1010CFU/g), ổn định và tạo được chế phẩm probiotic an toàn dùng cho người, với mật độ trên 109CFU/lọ, tỷ lệ sống trên 90% sau 12 tháng bảo quản.
2 Đổi mới sáng tạo : nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng / Nguyễn Trung Anh // Khoa học và công nghệ Việt Nam .- 2025 .- Số 2A .- Tr. 32 - 34 .- 332.04
Đổi mới sáng tạo (ĐMST) thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số (CĐS), làm cho hoạt động ngân hàng nhanh, đáng tin cậy và thân thiện hơn với khách hàng. ĐMST giúp các ngân hàng giảm chi phí, thích ứng với nhu cầu mới của thị trường và cung cấp dịch vụ tốt hơn trong khi vẫn tuân thủ các quy định ngày càng chặt chẽ của các cơ quan quản lý. Quan trọng hơn, ĐMST thúc đẩy văn hóa cải tiến liên tục, cho phép các ngân hàng duy trì khả năng cạnh tranh trong thế giới số thay đổi nhanh chóng. ĐMST không chỉ là công cụ cải tiến mà còn là chìa khóa thành công trong tương lai của ngành ngân hàng.
3 Thách thức và chiến lược đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất vắc-xin tại Việt Nam / Đỗ Tuấn Đạt // .- 2025 .- Tr. 19 - 23 .- 615.10711
Việt Nam là quốc gia có khả năng sản xuất các loại vắc-xin để tự cung cấp cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR). Tuy nhiên, các nhà sản xuất trong nước hiện chưa có đủ năng lực để đảm đương toàn bộ chuỗi giá trị của vắc-xin, đặc biệt là việc tiếp cận với các công nghệ mới và tiên tiến. Giống như nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, Việt Nam đã phải đối mặt với các thách thức chạy đua về mặt thời gian và đảm bảo đủ nguồn cung cấp các vắc-xin cần thiết trong phòng chống đại dịch COVID-19. Chính phủ hiện cũng đã xây dựng các kế hoạch đến năm 2030, sớm đưa thêm các vắc-xin mới như vắc-xin phòng ung thư cổ tử cung (HPV), phế cầu (PCV), Rota và cúm mùa vào Chương trình TCMR. Điều này thúc đẩy các nhà sản xuất vắc-xin tại Việt Nam cần sớm xây dựng các chiến lược đổi mới sáng tạo để tiếp cận các công nghệ mới và tiên tiến trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất vắc-xin. Đây cũng chính là điều kiện để giúp Việt Nam tiếp tục tự đảm bảo được nguồn cung vắc-xin và tăng cường năng lực để đối phó với các đại dịch mới trong trong tương lai.
4 Mô hình khai thác sáng chế hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ và năng lực công nghệ / Phạm Ngọc Pha // Khoa học và công nghệ Việt Nam .- 2025 .- Số 2A .- Tr. 15 - 18 .- 658
Cơ sở dữ liệu về sáng chế (SC) là nguồn thông tin quý giá, chứa đựng những công nghệ, quy trình công nghệ và sản phẩm tiên tiến trên toàn thế giới. Khai thác thông tin từ SC giúp nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển trên thế giới, tránh sai lầm của những nghiên cứu trước và học hỏi ý tưởng để cải tiến sản phẩm, quy trình sản xuất, đồng thời nắm bắt được thông tin về công nghệ của các đối thủ cạnh tranh, từ đó xây dựng được chiến lược cạnh tranh và phát triển sản phẩm phù hợp. Đây là cách tiếp cận tiết kiệm và hiệu quả trong việc triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo công nghệ, quy trình sản xuất và sản phẩm đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Bài báo giới thiệu một số mô hình khai thác công nghệ, SC trên thế giới và đề xuất mô hình khai thác SC phù hợp với điều kiện của Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ và năng lực công nghệ*.
5 Nghiên cứu vi bao kháng thể IgY / Huỳnh Thành Đạt, Trần Bích Lam // Khoa học và công nghệ Việt Nam .- 2025 .- Số 2A .- Tr. 75 - 80 .- 615.10711
Kháng thể IgY đã được chứng minh có hiệu quả phòng chống và điều trị một số bệnh truyền nhiễm như cúm A, bệnh tay chân miệng… Vi bao chitosan-alginate được đánh giá là một phương pháp hiệu quả để đưa kháng thể IgY vào cơ thể qua đường ăn uống. Nghiên cứu vi bao kháng thể IgY đã tiến hành khảo sát ảnh hưởng của các chất bao và điều kiện vi bao đến hiệu quả của quá trình vi bao kháng thể IgY kháng Enterovirus 71 (EV71) bao gồm: nồng độsodium alginate, nồng độ chitosan, pH môi trường vi bao. Kết quả thí nghiệm đã đưa ra các thông số tối ưu nhằm tăng hiệu quả vi bao kháng thể IgY như sau: nồng độ sodium alginate 2,5% (w/v), nồng độ chitosan 0,2%, pH môi trường vi bao 3,5. Trong điều kiện tối ưu, hiệu quả vi bao đạt 63,93%. Chế phẩm vi bao sau sấy có hoạt tính kháng thể IgY kháng EV71 còn lại trong hạt vi bao đạt 35,01%. Độ ổn định của IgY trong môi trường mô phỏng dạ dày (SGF) đã được cải thiện đáng kể, khi được vi bao bằng chitosan-alginate, hoạt tính kháng thể của IgY được giữ lại đến 3 giờ trong SGF có pepsin. Kết quả chụp SEM cho thấy, kích thước hạt vi bao ≤10 μm, cấu trúc hạt vi bao xốp, có rất nhiều hạt vi bao trong một hạt chế phẩm vi bao sau sấy tạo thành khối hạt vi bao.
6 Khả năng kháng chọc thủng của liên kết sàn phẳng bê tông cốt thép - cột ống thép nhồi bê tông theo aci 318-14 và eurocode 2 / // Khoa học công nghệ xây dựng .- 2025 .- Số g 1V .- Tr. 13 - 23 .- 624
Nghiên cứu này phân tích hiệu quả kháng chọc thủng của các phương pháp gia cường kháng cắt được khảo sát trong các nghiên cứu thực nghiệm gần đây. Sau đó, các kết quả khảo sát thực nghiệm về khả năng kháng chọc thủng của liên kết được so sánh với công thức dự đoán trong các tiêu chuẩn ACI 318-14 và Eurocode 2. Các phân tích và so sánh cho thấy có một số chênh lệch đáng kể giữa kết quả dự đoán theo công thức trong tiêu chuẩn với các kết quả khảo sát thực nghiệm do các công thức chưa xem xét một cách đầy đủ sự ảnh hưởng của các thông số của liên kết. Do đó, một công thức hiệu chỉnh thông số chu vi tháp chọc thủng dựa trên tiêu chuẩn Eurocode 2 được đề xuất để dự đoán khả năng kháng chọc thủng của liên kết sàn phẳng bê tông cốt thép – cột ống thép nhồi bê tông. Kết quả so sánh với dữ liệu thực nghiệm cho thấy công thức đề xuất có thể dự đoán khả năng kháng chọc thủng của liên kết tốt hơn so với các công thức trong tiêu chuẩn ACI 318-14 và Eurocode 2.
7 Nghiên cứu xác định ứng suất cắt lớn nhất ở tầng mặt bê tông nhựa trong kết cấu áo đường mềm bằng phương pháp phần tử hữu hạn / Nguyễn Văn Bích, Trần Đức Anh, Bùi Phú Doanh // Khoa học công nghệ xây dựng .- 2025 .- Số 1V .- Tr. 24 - 33 .- 624
Thực trạng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa các công trình giao thông trong 10 năm gần đây đã trở nên rất nghiêm trọng, dù đã có nhiều giải pháp từ quản lý tới kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải. Nguồn gốc của hiện tượng hằn lún thì có thể đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng đến từ sức kháng cắt của hỗn hợp bê tông nhựa. Thực tế hiện nay, trong các quy trình hiện hành không có tiêu chuẩn hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định sức kháng cắt của hỗn hợp bê tông nhựa dẫn đến công tác thiết kế kết cấu áo đường không kiểm toán nội dung này. Bài báo này tập trung nghiên cứu giải pháp xác định ứng suất cắt lớn nhất ở tầng mặt bê tông nhựa trong kết cấu áo đường mềm bằng phương pháp phần tử hữu hạn từ đó đưa ra những kiến nghị để hướng dẫn tính toán hằn lún vệt bánh xe trong công tác thiết kế. Kết quả bài báo đã chỉ ra rằng, có thể tính được chiều sâu lún vệt bánh xe lớp bê tông nhựa trong kết cấu áo đường thông qua phần mềm Abaqus. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng gợi ý có thể tối ưu hóa thiết kế dựa trên kết quả mô phỏng, giúp định hướng việc cải thiện thiết kế áo đường bằng cách điều chỉnh độ dày lớp bê tông nhựa, thay đổi vật liệu, và xem xét lại cấu trúc của lớp nền nhằm giảm thiểu ứng suất cắt và tăng độ bền lâu dài.
8 Đánh giá hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ phân hủy kỵ khí trong xử lý chất thải rắn phân hủy sinh học ở Việt Nam / Phạm Văn Định, Đinh Viết Cường, Phạm Văn Tới // Khoa học công nghệ xây dựng .- 2025 .- Số 1V .- Tr. 34 - 45 .- 363
Ứng dụng công nghệ phân hủy kỵ khí (PHKK) trong xử lý thành phần phân hủy sinh học trong chất thải rắn sinh hoạt (CTRSHHC) đã được chứng minh thực tiễn là mang lại lợi ích kép về năng lượng và môi trường. Trong những năm gần đây chủ đề này cũng đã thu hút được nhiều các nghiên cứu trong nước, nhưng chưa có một đánh giá cụ thể nào thể hiện được những thành tựu chung đạt được trong lĩnh vực nghiên cứu này ở Việt Nam. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng nghiên cứu ứng dụng trong nước. Nhìn chung nghiên cứu trong nước mặc dù bước đầu đã tiến hành chuyển hóa được CTRSHHC thành khí biogas, tuy nhiên, những nghiên cứu mang tính chất đổi mới còn hạn chế mà chủ yếu sử dụng công nghệ được phát triển cách đây nhiều năm. Về mặt ứng dụng tuy đã có một số dự án triển khai theo công nghệ PHKK thu hồi năng lượng, nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn tất chưa có nhà máy nào ghi nhận đã đi vào hoạt động. Hơn nữa việc nghiên cứu trong nước chưa làm chủ được công nghệ sẽ khiến quá trình vận hành các nhà máy sẽ gặp nhiều khó khăn. Về đặc trưng phát thải và đặc tính lý hóa của thành phần CTRSHHC ở Việt Nam không có quá nhiều sự khác biệt so với thế giới. Do đó, từ những bài học Quốc tế, nghiên cứu cũng đưa ra một số giải pháp phù hợp với việc áp dụng công nghệ này ở Việt Nam.
9 Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam và một số yêu cầu đặt ra liên quan đến hoạt động tư pháp / Nguyễn Mạnh Tuân // Nghề luật .- 2025 .- Số 4 .- Tr. 15-21 .- 340
Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp khác để đánh giá rủi ro tác động ảnh hưởng đến con người, xã hội và môi trường, đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Bài viết phân tích bối cảnh, khẳng định sự cần thiết và làm rõ khung pháp luật hiện hành của Việt Nam về thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm, các vấn đề đặt ra đối với hoạt động tư pháp, từ đó kiến nghị các giải pháp đối với hoạt động tư pháp để thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam hiện nay.
10 Kinh nghiệm thu hồi tài sản bất hợp pháp không qua thủ tục kết tội theo pháp luật Thụy Sỹ và khả năng áp dụng tại Việt Nam / Phạm Quý Ðạt, Ðinh Văn Duy // Nghề luật .- 2025 .- Số 2 .- Tr. 75-82 .- 340
Thu hồi tài sản bất hợp pháp không qua thủ tục kết tội là phương thức hữu hiệu trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và phòng chống tham nhũng nói riêng đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, xem đó là một kinh nghiệm hiệu quả. Với khuôn khổ của bài viết, nhóm tác giả tập trung phân tích, đánh giá kinh nghiệm thu hồi tài sản bất hợp pháp không qua thủ tục kết tội theo pháp luật Thụy Sỹ và một số khuyến nghị gợi mở cho Việt Nam.