Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu thực nghiệm ảnh hưởng của độ sạch bề mặt thép đến khả năng bám dính (cường độ kéo nhổ) của vật liệu cốt sợi cường độ cao (FRP) và thép trong sửa chữa gia cường kết cấu. Cấp độ sạch bề mặt đánh giá theo Tiêu chuẩn ISO 8501-1 và thực nghiệm theo Tiêu chuẩn ASTM D4541-02. Kết quả thực nghiệm làm cơ sở cho việc tính toán thiết kế, nghiệm thu thi công sửa chữa gia cường kết cấu thép.
Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu thực nghiệm trong phòng thí nghiệm nhằm đánh giá ảnh hưởng của tỷ lệ nước/xi măng (N/X), loại xi măng (Fico PCB40 - loại II và Insee PCB40 - loại II) và hàm lượng xi măng (200, 220, 250 kg/m3) đến cường độ nén của đất xi măng trộn sâu (Cement Deep Mixing - CDM). Các mẫu đất được thí nghiệm gồm 3 loại đất á cát, bùn sét và sét. Thí nghiệm nén nở hông được tiến hành ở tuổi 14 ngày và 28 ngày. Kết quả cho thấy, cường độ nén có xu hướng tăng khi hàm lượng xi măng tăng và phát triển nhanh trong giai đoạn đầu. Ở tuổi 14 ngày, cường độ nén đạt trung bình 75 - 85% so với tuổi 28 ngày. Kết quả của thí nghiệm là cơ sở để lựa chọn các loại thông số hợp lý tối ưu trong thi công công nghệ trộn sâu xi măng tại dự án, đảm bảo chất lượng và hiệu quả gia cố nền đất.
Bài báo đánh giá ứng dụng bê tông bọt trong công tác san lấp hố móng công trình xây dựng dân dụng, giải quyết vấn nạn thiếu hụt của các nguồn vật liệu tự nhiên (cát, đất). Bài báo đã phân tích các yếu tố kỹ thuật, môi trường, tính khả thi kỹ thuật của giải pháp. Một số thí nghiệm đã được thực hiện nhằm đánh giá thực tiễn, trong đó có cường độ cơ học, khối lượng riêng thể tích khô. Kết quả thực nghiệm cho thấy bê tông bọt thi công trên công trình thực tế sẽ có giảm sút về cường độ cơ học nhưng vẫn đảm bảo được mức cường độ cơ học tối thiểu của vật liệu san lấp. Kết quả thực nghiệm cho thấy tính khả thi và giá trị thực tiễn của nghiên cứu.
Bài báo tập trung xây dựng mô hình tính toán, phân tích, tối ưu công suất điện của bộ thu năng lượng áp điện kiểu xếp chồng được tích hợp trên hệ treo, trên cơ sở mô hình xe 1/4 với kích động mặt đường điều hòa. Kết quả nghiên cứu nhằm phục vụ công việc tính toán, thiết kế kỹ thuật hệ thống treo tích hợp hệ thu năng lượng áp điện theo hai yêu cầu cơ bản nêu trên và có thể mở rộng cho các hệ có tính chất tương tự.
Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu hiệu quả giảm co ngót của xi măng nhôm trong chế tạo vữa khô tự chảy có cường độ chịu nén sau 28 ngày là 70 MPa. Các vật liệu đều ở dạng bột mịn với tỷ lệ nhào trộn tương đương với các loại vữa khô được bán phổ biến trên thị trường. Tỷ lệ nước/bột là 0,13 và phụ gia siêu dẻo polycacboxylat với hàm lượng 0,25% so với chất kết dính. Kết quả thí nghiệm về độ chảy, cường độ nén, cường độ kéo uốn và co ngót cho thấy vữa nghiên cứu đạt yêu cầu của loại vữa tự chảy không co đóng bao.
Bài báo trình bày một phương pháp tiếp cận mới để chẩn đoán hư hỏng trong kết cấu thông qua việc áp dụng mô hình học sâu (Deep Learning - DL) kết hợp giữa khả năng trích xuất các đặc trưng của mạng nơ-ron tích chập một chiều (One Dimensional Convolutional Neural Network - 1DCNN) và khả năng xử lý dữ liệu chuỗi thời gian mạng bộ nhớ dài ngắn hạn (Long Short-Term Memory - LSTM). Mặc dù 1DCNN có ưu thế trong việc trích xuất các đặc trưng từ dữ liệu nhưng gặp hạn chế khi xử lý các mối quan hệ dài hạn trong chuỗi thời gian. LSTM lại thể hiện khả năng phân tích, học các quan hệ dài hạn, nhưng gặp khó khăn trong việc cân bằng các trọng số tính toán và tốc độ xử lý còn chậm. Để kiểm chứng hiệu quả của phương pháp đề xuất, nghiên cứu được thực hiện bằng cách sử dụng dữ liệu theo thời gian thu được từ hệ thống cảm biến gia tốc trên cầu giàn thép Chương Dương. Kết quả cho thấy hiệu quả của phương pháp đề xuất vượt trội hơn hai mô hình học sâu riêng lẻ - 1DCNN và LSTM, đạt độ chính xác lần lượt là 91,6%, 84,5% và 81,4% trên tập dữ liệu kiểm tra.
Bài báo phân tích vai trò của thẩm định dự án đối với quyết định đầu tư xây dựng (ĐTXD), tương quan giữa quyết định chủ trương đầu tư (CTĐT) so với quyết định ĐTXD, phân tích những tồn tại chủ yếu trong thẩm định dự án ĐTXD công trình giao thông, trên cơ sở đó đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao vị thế của quyết định ĐTXD thông qua thẩm định.
Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu chế tạo các thành phần cấp phối tro bay, tro đáy, cát đỏ tại một số địa phương ở khu vực miền phía Nam dùng để làm móng mặt đường ô tô. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các chỉ tiêu kỹ thuật như: Cường độ chịu nén, cường độ ép chẻ và mô-đun đàn hồi đáp ứng các yêu cầu cần thiết theo tiêu chuẩn hiện hành để làm lớp subgrade của mặt đường. Hơn nữa, giải pháp sử dụng cát đỏ, tro đáy, tro bay có thể giảm chi phí xây dựng và cung cấp vật liệu kịp thời đảm bảo tiến độ xây dựng công trình.
Nghiên cứu này thực hiện phân tích thực nghiệm nhằm so sánh đáp ứng dao động của kết cấu cầu và ray khi chịu tác động của đoàn tàu. Dữ liệu dao động được thu thập từ cả kết cấu nhịp và ray bằng hệ thống cảm biến gia tốc. Các thông số quan trọng như tần số dao động tự nhiên, biên độ dao động và đặc tính suy giảm dao động được phân tích để chỉ ra sự khác biệt trong phản ứng kết cấu. Kết quả cho thấy dao động của cầu có tần số thấp hơn nhưng biên độ lớn hơn, trong khi dao động của ray có tần số cao hơn do ảnh hưởng trực tiếp của tương tác bánh xe - ray. Nghiên cứu cũng đánh giá ảnh hưởng của tốc độ tàu, tải trọng trục và điều kiện kết cấu đến dao động tổng thể. Thông qua việc phân tích, đánh giá và so sánh kết quả thực nghiệm dao động của cầu và ray, nghiên cứu tạo tiền đề để đề xuất các giải pháp giảm dao động và tối ưu hóa kết cấu nhằm nâng cao tuổi thọ và độ an toàn của hệ thống cầu và ray.
Nghiên cứu này đánh giá khả năng sử dụng phế thải bê tông xi măng (BTXM) trong xây dựng kết cấu áo đường ô tô và sân bay. Một trong những chỉ tiêu cơ lý quan trọng của bê tông được nghiên cứu là mô-đun đàn hồi. Nghiên cứu thực nghiệm trong phòng đã được tiến hành trên vật liệu bê tông tái chế (RAC), với mục đích đo lường hiệu suất và tính chất cơ học của vật liệu này được sản xuất từ phế thải BTXM. Nghiên cứu tập trung vào việc thu thập dữ liệu về tính chất của phế thải BTXM, nghiên cứu thử nghiệm vật liệu phế thải và vật liệu truyền thống, phân tích dữ liệu để đánh giá tính khả thi và hiệu suất sử dụng phế thải BTXM trong kết cấu áo đường ô tô và sân bay. Kết quả thử nghiệm mô-đun đàn hồi của bê tông sử dụng cốt liệu tái chế đã được phân tích để xác định ảnh hưởng của tỷ lệ cốt liệu tái chế thô thay thế đá tự nhiên, loại cát sử dụng (cát tự nhiên hoặc cát xay từ RCA) và tuổi mẫu đến chỉ tiêu này. Nghiên cứu chỉ ra rằng mô-đun đàn hồi là một đặc trưng quan trọng của vật liệu trong các kết cấu chịu lực.