Cho đên nay, hầu hết các hình thức xuất khẩu lao động Việt Nam sang Nhật Bản đêu tăng trưởng nhanh, có quy mô và chiếm thị phần lớn. Tuy vậy, trong thời gian sống và làm việc tại Nhật Bản, lao động Việt Nam đã bộc lộ khá nhiều vấn đề và điểm yếu, như trình độ chuyên môn và tay nghề thấp, cơ cấu việc làm mất cân đối, vi phạm pháp luật và tập quán xã hội của nước sở tại... Những vấn đề này đã ảnh hưởng khá tiêu cực đến hình ảnh Việt Nam nói chung và lao động Việt Nam nói riêng. Nguyên nhân chủ yếu là do trước khi sang Nhật Bản làm việc, lao động Việt Nam chưa được chuẩn bị tốt về kiến thức chuyên môn và tay nghề, chưa được đào tạo và huấn luyện chu đáo về đạo đức nghề nghiệp, cũng như những hiểu biết đầy đủ về các khía cạnh xã hội, văn hóa và luật pháp Nhật Bản... Đe tận dụng tốt thị trường lao động Nhật Bản, bài viết kiến nghị một số giải pháp chủ yếu giúp cải thiện năng lực cứng và mềm cho lao động Việt Nam trước khi đưa họ sang Nhật Bản làm việc và học tập trong tương lai.
Nghiên cứu này chỉ ra mối quan hệ của các chỉ số kinh tế, tài chính và lượng khí thải môi trường, nhằm phân tích tác động đổi mới tài chính đến lượng thải carbon, khí thải nhà kính, và tiếp cận điện. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ 45 quốc gia châu Á thu thập trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến 2022. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng POPU và GDP có tác động dương đến cả 2 biến phụ thuộc khí thải carbon CO2 và khí thải nhà kính GRHO. Đối với các biến hệ thống tài chính thì nghiên cứu chỉ ra ROE, LIRE, DOCRE, EDST có tác động tích dương đáng kể đến khí thải carbon CO2 và khí thải nhà kính GRHO. Trong khi đó COINC, ATM tác động âm đáng kể đến CO2 và GRHO. Hơn nữa, ROA, CAAS, DEPO, BORR không có tác động đáng kể đến CO2 và khí thải nhà kính GRHO. Ngoài ra, POPU, GDP, ROA, ROE, LIRE, COINC, DEPO không có tác động đáng kể đến tiếp cận điện ELEC. Đồng thời CAAS, DOCRE, BORR, ATM, EDST có tác động tích cực và đáng kể đến ELEC. Dựa trên kết quả nghiên cứu ra một số giải pháp để giảm lượng khí thải CO2 và tổng lượng khí thải nhà kính, chú trọng tập trung phân tích tác động của đổi mới tài chính hướng đến tài chính xanh và phát triển bền vững.
Trong chiến lược phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới, doanh nghiệp nhỏ và vừa được xem là hạt nhân quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển ở phương Tây và một số nước và vùng lãnh thổ công nghiệp mới ở châu Á, trong đó có Đài Loan cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những doanh nghiệp này đóng góp quan trọng đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bài viết* trình bày khái quát lịch sử phát triển kinh tế Đài Loan; phân tích làm rõ quá trình hình thành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa qua các thời kỳ phát triển và chuyển đổi; từ đó đưa ra một số bàn luận, gợi mở hàm ý cho Việt Nam trong việc hoạch định chính sách hỗ trợ phát triển cho loại hình doanh nghiệp này.
Biến đổi khí hậu và rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu đang ngày càng trở thành một vấn đề đáng quan tâm của các nhà quản lý. Bài viết sử dụng mô hình kinh tế lượng để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến chất lượng tín dụng tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2023, trong đó thay đổi nhiệt độ, lượng mưa và lượng khí thải carbon đại diện cho biến đổi khí hậu và tỷ lệ nợ xấu phản ánh chất lượng tín dụng tại các NHTM Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thay đổi nhiệt độ và lượng mưa đều có ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tín dụng của các NHTM Việt Nam, trong khi tác động của lượng khí thải carbon không có ý nghĩa thống kê. Nghiên cứu gợi ra những đề xuất nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu tại Việt Nam cũng như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến chất lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại.
Là một trong những quốc gia có nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Việt Nam, Nhật Bản thường xuyên ủng hộ và hỗ trợ nước ta trong các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng dành nhiều sự quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam. Với lợi thế về điều kiện phát triển nông nghiệp ở Việt Nam và ưu thế về tiến bộ công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản, hai quốc gia đã đạt được nhiều thành tựu trong hợp tác nông nghiệp. Bài viết đề cập tới thực trạng hợp tác phát triển nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, đánh giá hiệu quả hợp tác cùng cơ hội và thách thức cho hợp tác nông nghiệp giữa hai quốc gia.
Quan hệ Ấn Độ - Hàn Quốc đã có những bước tiến dài trong những năm gần đây. Hai nước đã có nhiều hoạt động hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực như: năng lượng, thương mại, điện từ, đóng tàu, công nghệ thông tin và an ninh mạng. Mặc dù hai nước đã thiết lập quan hệ lãnh sự từ năm 1962 và nâng cấp quan hệ ngoại giao năm 1973 nhưng mối quan hệ này chỉ thực sự ấm lên khi hai quốc gia tích hợp được hai chiến lược, cụ thể: Ấn Độ với “Chính sách hành động hướng Đông” và Hàn Quốc với “Chính sách hướng Nam mới”. Trong cùng một mục tiêu theo đuổi, cả hai bên đã cam kết tăng cường hợp tác thông qua Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) vào năm 2009 (có hiệu lực từ 1/1/2010) cho phép dỡ bỏ hoặc cắt giảm thuế suất đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu giữa hai bên. Bài viết tập trung đánh giá khách quan mối quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Hàn Quốc từ sau khi hai nước ký kết CEPA.
Nghiên cứu tìm hiểu về mối quan hệ không nhất quán của việc công bố thông tin phát triển bền vững (ESG) tới hiệu quả tài chính (FP) tại các doanh nghiệp (DN) phi tài chính niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Các tài liệu nghiên cứu trước đây chủ yếu được thực hiện tại các nước phát triển và có các kết luận khác nhau. Phát hiện của nghiên cứu cho thấy mối quan hệ này là tích cực ở cả chỉ số tổng hợp ESG và từng khía cạnh môi trường, xã hội, quản trị. Hơn nữa, nghiên cứu xem xét mối quan hệ này trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2019-2021 và kết quả định lượng cho thấy, mặc dù trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, DN thực hành ESG và công bố thông tin phát triển bền vững nhiều hơn thì hiệu quả tài chính sẽ tốt hơn.
Từ năm 1945 đến nay, vấn đề phát triển thương hiệu quốc gia ở Nhật Bản luôn được đề cao và quá trình triển khai thực hiện thường gắn với các mục tiêu, phương thức cụ thể phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử. Do đó, tiến trình này được duy trì cùng với những cải cách, đổi mới không ngừng và đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển thương hiệu quốc gia. Bài viết phân tích, đánh giá tiến trình phát triển thương hiệu quốc gia ở Nhật Bản qua các giai đoạn khác nhau; từ đó đưa ra những gợi mở hữu ích cho Việt Nam trong việc hoạch định và thực thi chính sách phát triển thương hiệu quốc gia ở hiện tại và tương lai.
Samsung là một tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc, hoạt động ở nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam là một địa bàn trọng điểm. Từ năm 2008 đến nay, Samsung đã mở nhiều nhà máy lớn ở Bắc Ninh, Thái Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất điện thoại, máy vi tính cũng như nhiều thiết bị điện tử khác. Là nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, với số vốn lên tới hàng chục tỷ USD, thu hút hàng chục nghìn lao động, Samsung đã góp phần quan trọng làm chuyển biến tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên nói riêng, trên phạm vi toàn quốc nói chung.
Nghiên cứu nhằm phân tích thực trạng hoạt động xuất khẩu hàng hoá tỉnh Thanh Hoá và đánh giá khả năng đáp ứng các biện pháp phi thuế quan của doanh nghiệp xuất khẩu tỉnh Thanh Hoá. Dựa trên số liệu điều tra khảo sát điều tra đối với 200 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Kết quả điều tra chỉ ra các hạn chế và nguyên nhân về năng lực đáp ứng các biện pháp phi thuế quan của doanh nghiệp tỉnh. Từ đó làm cơ sở xây dựng hệ thống giải pháp cho doanh nghiệp và đề xuất kiến nghị đối với lãnh đạo tỉnh, cơ quan bộ, ngành và nhà nước.