CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
chủ đề: Đại dịch Covid-19
1 Cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 / Trần Thị Thanh Hằng // .- 2024 .- Số 826 - Tháng 6 .- Tr. 174-177 .- 330
Nghiên cứu này phân tích sự thay đổi về cấu trúc của chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) sau đại dịch COVID-19. Theo đó, những xu hướng thay đổi trong cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu bài viết chỉ ra được bao gồm: xu hướng đa dạng hóa và địa phương hóa trong chuỗi giá trị toàn cầu; xu hướng sử dụng công nghệ mới trong chuỗi giá trị toàn cầu; xu hướng hợp tác giữa các công ty và thay đổi danh mục sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu để giảm thiểu rủi ro và quản lý khủng hoảng. Từ thực trạng trên, tác giả đề xuất một số hàm ý đối với Việt Nam nhằm xây dựng phương án ứng phó với thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu.
2 Khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa sau đại dịch COVID -19 tại tỉnh Vĩnh Long / Đặng Thị Ngọc Lan, Huỳnh Minh Đoàn // .- 2024 .- Số 823 - Tháng 4 .- Tr. 207-210 .- 332.12
Nghiên cứu nhằm đánh giá khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Vĩnh Long sau đại dịch COVID -19. Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở thu thập số liệu thứ cấp từ Ngân hàng Nhà nước, Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long trong giai đoạn 2019 – 2023. Kết quả phân tích cho thấy, dư nợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có xu hướng giảm vào năm 2023. Bên cạnh đó, về phía các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cũng gặp nhiều khó khăn khi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn... Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa sau dịch COVID-19 tại tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới.
3 Ảnh hưởng của linh hoạt tiền đến giá trị công ty cổ phần phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán trong và sau đại dịch COVID-19 / Chu Thị Thu Thuỷ // .- 2024 .- Số 823 - Tháng 4 .- Tr. 98-101 .- 332
Nghiên cứu này nhằm xác định ảnh hưởng của Linh hoạt tiền (CashF) đến giá trị các công ty cổ phần phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong và sau đại dịch COVID-19. Nghiên cứu ứng dụng phương pháp bình phương tối thiểu tổng quát khả thi với sự hỗ trợ của phần mềm Stata 17. Mẫu nghiên cứu được sử dụng gồm 632 công ty cổ phần phi tài chính trong giai đoạn từ quý I/2021 đến quý I/2023. Nghiên cứu đã chứng minh được ảnh hưởng tích cực của Linh hoạt tiền đến giá trị các công ty cổ phần phi tài chính niêm yết tại mức ý nghĩa 1%. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy trong đại dịch COVID-19 thì Linh hoạt tiền có ảnh hưởng mạnh hơn đến giá trị công ty so với sau thời kỳ COVID-19, đồng thời các công ty có hiệu quả tài chính cao thì Linh hoạt tiền tác động đến giá trị công ty cao hơn so với các công ty có hiệu quả tài chính thấp.
4 Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến thu nhập, việc làm trong lĩnh vực du lịch / Mai Thị Vân, Nguyễn Thị Hoài Thanh, Đoàn Vinh Thăng // .- 2024 .- Số 820 - Tháng 3 .- Tr. 177-180 .- 910
Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến thu nhập và việc làm của lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người lao động trẻ tuổi, người ít kinh nghiệm làm việc và nữ giới, có khả năng thất nghiệp cao hơn so với các đối tượng khác. Đồng thời, kết quả khảo sát còn cho thấy, thu nhập của người lao động trong lĩnh vực du lịch bị giảm trung bình khoảng 56,5% dưới tác động của đại dịch COVID-19. Ngoài ra, kết quả phân tích hồi quy đa biến cho thấy, trình độ học vấn và kinh nghiệm là 2 yếu tố ảnh hưởng tích cực lên thu nhập của người lao động trong đại dịch COVID-19.
5 Tác động khủng hoảng tài chính và đại dịch Covid -19 đến tăng trưởng cho vay ngân hàng tại Việt Nam / Lợi Minh Thanh, Đặng Văn Dân // .- 2024 .- Sô 03 (630) .- Tr. 28-35 .- 332
Nghiên cứu khảo sát ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính (financial crisis) và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (health crisis) đến tăng trưởng cho vay ngân hàng tại Việt Nam. Để hồi quy mô hình bảng động đề xuất, tác giả sử dụng công cụ ước lượng GMM hệ thống để đạt được kết quả hồi quy hiệu quả và kiểm soát nội sinh. Các ước lượng trong nghiên cứu này sử dụng dữ liệu từ 31 ngân hàng trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2021. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các ngân hàng Việt Nam đã cắt giảm mạnh nguồn cung cho vay trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Trong khi đó, tăng trưởng cho vay trong giai đoạn nghiên cứu phản ứng không nhất quán với khủng hoàng tài chính. Nghiên cứu này sẽ bổ sung vào nhánh tài liệu về COVID-19 vốn đang rất phát triển hiện nay. Song song đó, đây là một trong những nghiên cứu hiếm hoi khảo sát đồng thời ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và bùng nổ đại dịch COVID-19 đến cho vay ngân hàng.
6 Các biện pháp ứng phó với Đại dịch Covid-19 của CHDCND Lào / Phạm Thị Mùi // .- 2023 .- Số 10 (283) - Tháng 10 .- Tr. 51-57 .- 327
Bài viết phân tích những tác động của đại dịch Covid-19 đối với Lào, cách ứng phó của Lào với đại dịch. Từ đó, bài viết cũng đưa ra một số hàm ý về mặt chính sách đối với Chính phủ Việt Nam trong quan hệ hợp tác với Lào trong tương lai.
7 Hoạt động thương mại điện tử ở Nhật Bản trong và sau đại dịch COVID-19 / Trần Ngọc Nhật, Nguyễn Hoàng Mai // .- 2023 .- Số 646 .- Tr. 22-24 .- 381.142
Trước đây, lĩnh vực bán lẻ trực tuyến của Nhật Bản phát triển chậm do người tiêu dùng lớn tuổi không thích công nghệ kỹ thuật số. Đại dịch COVID-19 bùng phát đã dẫn đến những thay đổi trong mô hình tiêu dùng và hỗ trợ của chính phủ cho số hóa, tác động đến việc tăng doanh số bán hàng trực tuyến. Theo các báo cáo hiện tại, thị trường thương mại điện tử của Nhật Bản đạt 99,6 tỷ USD vào năm 2020 và dự đoán sẽ đạt 151 tỷ USD vào năm 2025 khi quốc gia này thực hiện quá trình chuyển đổi từ các cửa hàng bán lẻ truyền thống sang các cửa hàng bán hàng trực tuyến. Bài viết tập trung vào hai vấn đề chính là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với thương mại điện tử và xu hướng phát triển trong thời gian tới.