CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

chủ đề: Doanh nghiệp nhà nước

  • Duyệt theo:
1 Cơ chế quản lý tài sản sử dụng vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp ở Việt Nam / Nguyễn Thị Kim Thoa // .- 2024 .- Số 825 - Tháng 5 .- Tr. 87 - 90 .- 332

Nghiên cứu về cơ chế quản lý tài sản, sử dụng vốn của nhà nước tại doanh nghiệp là cần thiết nhằm nhận diện các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về lý tài sản, sử dụng vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp nhà nước.

2 Nâng cao hiệu quả cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp / Phùng Cao Anh // .- 2024 .- Số 824 - Tháng 5 .- Tr. 17-19 .- 658

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là giải pháp quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước nhằm khẳng định vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong việc dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế. Trong những năm qua, cơ chế, chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã tiếp tục được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Do đó, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực.

3 Thực trạng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và định hướng giai đoạn tới / Nguyễn Thị Ngọc Khánh // .- 2024 .- Số 824 - Tháng 5 .- Tr. 20-23 .- 658

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một bước đi mạnh dạn trong quá trình đổi mới kinh tế của Việt Nam nói chung và cải cách doanh nghiệp nhà nước nói riêng.Qua hơn 30 năm triển khai với nhiều thăng trầm, từ một hoạt động mang tính nhạy cảm và phức tạp, công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã chứng minh đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Đồng thời, bối cảnh kinh tế trong nước và bức tranh khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng đã có nhiều thay đổi, cần triển khai đồng bộ các giải pháp trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn tới…

4 Tác động của cơ sở hạ tầng đổi mới sáng tạo quốc gia tới xu hướng đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam / Hoàng Việt Huy // .- 2024 .- Số 1 .- Tr. 4-20 .- 658

Sử dụng phương pháp hồi quy đa biến với hiệu ứng cố định và mẫu dữ liệu của các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trong giai đoạn 2011-2022, tác giả đã chỉ ra rằng doanh nghiệp gia tăng trích lập quỹ đầu tư và phát triển khi cơ sở hạ tầng ĐMST quốc gia được cải thiện, và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin là động lực chính cho việc gia tăng trích lập này. Thêm vào đó, các doanh nghiệp có mức độ sở hữu nhà nước cao hơn dường như có mức độ sẵn sàng ĐMST cao hơn khi cơ sở hạ tầng ĐMST quốc gia được cải thiện. Nghiên cứu này chỉ ra rằng các nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng ĐMST của Nhà nước đang tạo ra những chuyển biến tích cực, và các doanh nghiệp nhà nước nên được cân nhắc như đầu tàu của chiến lược ĐMST quốc gia.

5 Kinh nghiệm của một số quốc gia Đông Nam Á trong xây dựng mô hình quản lý và sử dụng vốn đầu tư ở các doanh nghiệp nhà nước / Nguyễn Tuấn Anh // .- 2024 .- Số 2 (287) .- Tr. 3 - 9 .- 327

Việc xây dựng thể chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư và kinh doanh tại doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước là nhiệm vụ quan trọng đối với chính phủ nhiều quốc gia, bởi đây là khu vực nắm giữ nguồn lực và tài sản rất lớn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở nhiều quốc gia ở khu vực châu Á, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư và kinh doanh còn những bất cập và hạn chế, chưa phát huy được lợi thế của khu vực này vào sự phát triển quốc gia. Ở Đông Nam Á, Singapore được xem là trường hợp thành công trong việc phát huy sức mạnh của khu vực doanh nghiệp nhà nước thông qua Tập đoàn Temasek Holdings từ những năm 2000, trong khi đó những cải cách mạnh mẽ của Bộ Doanh nghiệp nhà nước của Indonesia gần đây cũng đã mang lại những chuyển biến tích cực đối với nền kinh tế lớn nhất khu vực này. Bài viết tập trung làm rõ kinh nghiệm của Singapore và Indonesia trong xây dựng mô hình quản lý và sử dụng vốn đầu tư ở các doanh nghiệp nhà nước.

6 Phương thức đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ / Bùi Tuấn Minh // .- 2024 .- Kỳ (1+2) - Số (818+819) - Tháng 02 .- Tr. 39 – 42 .- 332

Bài viết này đánh giá thực trạng hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, qua đó đề xuất một số giải pháp đổi mới phương thức đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp.

7 Nhìn lại quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam / Đỗ Diệu Hương, Lê Thị Kim Ngân // .- 2024 .- Kỳ (1+2) - Số (818+819) - Tháng 02 .- Tr. 43 - 47 .- 332

Bài viết này đánh giá thực trạng quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước từ năm 2011 đến nay, từ đó đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.

8 Hoàn thiện quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp nhà nước / Phạm Thị Giang Thu, Nguyễn Thị Phương Thảo // .- 2024 .- Số 1 .- Tr. 51-63 .- 340

Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đang là xu hướng phát triển tất yếu trong quản trị nhà nước, trong đó có quản trị doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề này trở nên quan trọng trước thực trạng hàng loạt doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém, gây thất thoát số lượng lớn tài sản nhà nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có sự chưa hoàn thiện của pháp luật. Bài viết phân tích một số hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp nhà nước, trên cơ sở đó đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện về phạm vi nội dung công khai, trách nhiệm giải trình cũng như nhận diện đủ hành vi vi phạm.

9 Đánh giá hệ thống tiêu chí giám sát tài chính doanh nghiệp có vốn nhà nước ở Việt Nam / Hà Khắc Minh // .- 2023 .- Số 815 - Tháng 12 .- Tr. 23-26 .- 658

Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước đã đưa ra các dấu hiệu cảnh báo tình trạng mất an toàn tài chính thông qua một số chỉ tiêu tài chính để xem xét đưa doanh nghiệp nhà nước vào diện kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, các tiêu chí giám sát tài chính doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa cụ thể hoá tách bạch giữa hai hoạt động là hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lời và hoạt động công ích theo đặt hàng của các cơ quan nhà nước. Do đó, nghiên cứu này đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống tiêu chí giám sát tài chính đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước tại Việt Nam.

10 Một số yếu tố tác động đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhà nước tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào hiện nay / Outhone Singdala // .- 2023 .- K1 - Số 253 - Tháng 12 .- Tr. 92-96 .- 658

Bài viết tập trung làm rõ quan niệm và các chủ thể có tham gia vào việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) nhà nước (DNNN); chỉ rõ một số yếu tố khách quan ảnh hưởng đến việc thực hiện CSR của DNNN như hệ thống pháp luật và môi trường pháp lý có liên quan đến thực hiện CSR, sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc thực hiện CSR, sự hỗ trợ của các quốc gia láng giềng và tổ chức quốc tế liên quan đến việc thực hiện CSR. Đồng thời, phân tích một số yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến việc thực hiện CSR của DNNN như nhận thức, mục tiêu, tầm nhìn của các doanh nghiệp về thực hiện CSR và vai trò định hướng, dân dắt của lãnh đạo DNNN, văn hóa doanh nghiệp và năng lực, trình độ của đội ngũ nhân lực trong DN, sự phản hồi từ cổ đông cũng như quần chúng nhân dân về quá trình thực hiện CSR trong thực tiên.