CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
chủ đề: Bê tông
1 Khả năng sử dụng bùn thải và đá thải trong khai thác khoáng sản quặng đồng Sin Quyền kết hợp tro bay nhiệt điện để chế tạo bê tông đầm lăn làm móng đường giao thông / Hồ Anh Cương, Nguyễn Trọng Dũng // Xây dựng .- 2025 .- Số 5 .- Tr. 74 - 77 .- 624
Hiện nay, Việt Nam hiện không đủ nguồn cung cát tự nhiên phục vụ nhu cầu xây dựng ở một số địa phương. Do đó, việc nghiên cứu sử dụng cát nhân tạo để thay thế cát tự nhiên là một trong những giải pháp hiệu quả không những về kinh tế, kỹ thuật mà còn cả về môi trường sinh thái. Trong nghiên cứu này đã sử dụng bùn thải, cát nhân tạo và đá dăm được gia công từ đá thải trong quá trình khai thác quặng đồng Sin Quyền (Lào Cai) kết hợp với tro bay nhiệt điện Sơn Động (Bắc Giang) để chế tạo bê tông đầm lăn (BTĐL) (RCC) trong phòng thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, với tỷ lệ sử dụng tro bay nhiệt điện và bùn thải khai thác quặng đồng dao động từ 10% đến 30% theo thể tích của xi măng có thể chế tạo được BTĐL với độ cứng 20 - 40 giây, các giá trị trung bình ở tuổi 28 ngày như: Cường độ chịu kéo uốn từ 3,08 - 3,58 MPa, cường độ nén 24,5 - 28,5 MPa, độ mài mòn đạt 0,300 - 0,334 g/cm2, mô-đun đàn hồi khi nén tĩnh từ 38,5 - 41,5 GPa. Từ đó, bài báo đánh giá rằng BTĐL trong nghiên cứu có thể sử dụng được cho tầng móng của mặt đường giao thông cấp cao.
2 Đánh giá sử dụng bê tông bọt làm vật liệu san lấp hố móng công trình nhà ở dân dụng / Nguyễn Đăng Hanh // .- 2025 .- Số 5 .- Tr. 88 - 91 .- 624
Bài báo đánh giá ứng dụng bê tông bọt trong công tác san lấp hố móng công trình xây dựng dân dụng, giải quyết vấn nạn thiếu hụt của các nguồn vật liệu tự nhiên (cát, đất). Bài báo đã phân tích các yếu tố kỹ thuật, môi trường, tính khả thi kỹ thuật của giải pháp. Một số thí nghiệm đã được thực hiện nhằm đánh giá thực tiễn, trong đó có cường độ cơ học, khối lượng riêng thể tích khô. Kết quả thực nghiệm cho thấy bê tông bọt thi công trên công trình thực tế sẽ có giảm sút về cường độ cơ học nhưng vẫn đảm bảo được mức cường độ cơ học tối thiểu của vật liệu san lấp. Kết quả thực nghiệm cho thấy tính khả thi và giá trị thực tiễn của nghiên cứu.
3 Nghiên cứu mô đun đàn hồi của bê tông sử dụng cốt liệu tái chế từ bê tông phế thải trong xây dựng mặt đường cứng / Phạm Quang Thông // Xây dựng .- 2025 .- Số 5 .- Tr. 119 - 121 .- 624
Nghiên cứu này đánh giá khả năng sử dụng phế thải bê tông xi măng (BTXM) trong xây dựng kết cấu áo đường ô tô và sân bay. Một trong những chỉ tiêu cơ lý quan trọng của bê tông được nghiên cứu là mô-đun đàn hồi. Nghiên cứu thực nghiệm trong phòng đã được tiến hành trên vật liệu bê tông tái chế (RAC), với mục đích đo lường hiệu suất và tính chất cơ học của vật liệu này được sản xuất từ phế thải BTXM. Nghiên cứu tập trung vào việc thu thập dữ liệu về tính chất của phế thải BTXM, nghiên cứu thử nghiệm vật liệu phế thải và vật liệu truyền thống, phân tích dữ liệu để đánh giá tính khả thi và hiệu suất sử dụng phế thải BTXM trong kết cấu áo đường ô tô và sân bay. Kết quả thử nghiệm mô-đun đàn hồi của bê tông sử dụng cốt liệu tái chế đã được phân tích để xác định ảnh hưởng của tỷ lệ cốt liệu tái chế thô thay thế đá tự nhiên, loại cát sử dụng (cát tự nhiên hoặc cát xay từ RCA) và tuổi mẫu đến chỉ tiêu này. Nghiên cứu chỉ ra rằng mô-đun đàn hồi là một đặc trưng quan trọng của vật liệu trong các kết cấu chịu lực.
4 Nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian giữa các đợt đổ bê tông đến nhiệt độ tối đa và nguy cơ nứt trong bê tông khối lớn / Lê Văn Hưng, Nguyễn Trọng Chức, Hoàng Quốc Long // Giao thông vận tải .- 2025 .- Số 1+2 .- Tr. 73 - 76 .- 624
Trong kết cấu bê tông khối lớn (BTKL), việc xác định nhiệt độ lớn nhất và nguy cơ nứt nhiệt ở tuổi sớm ngày có vai trò hết sức quan trọng, từ đó đưa ra các biện pháp phù hợp để kiểm soát vết nứt nhiệt ở tuổi sớm ngày trong quá trình xây dựng công trình. Bài báo này, tác giả đánh giá nguy cơ nứt nhiệt trong kết cấu BTKL được chia làm hai đợt đổ bê tông và khoảng cách thời gian giữa các đợt đổ bê tông thay đổi. Mô hình phần tử hữu hạn được sử dụng để dự đoán nhiệt độ, ứng suất nhiệt, chỉ số và xác suất nứt trong khối BTKL. Kết quả thu được cho thấy ảnh hưởng của thời gian giữa các đợt đổ bê tông tới nhiệt độ lớn nhất, ứng suất nhiệt, chỉ số và xác suất nứt nhiệt trong khối BTKL là rất rõ ràng, từ đó có thể giúp các đơn vị thi công tối ưu hóa tiến độ thi công, đề xuất thời gian tiến hành đổ bê tông đợt sau so với đợt trước một cách phù hợp để kiểm soát vết nứt nhiệt một cách hiệu quả
5 Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị thí nghiệm đo nhiệt độ đoạn nhiệt cho bê tông / Đỗ Văn Thăng, Đỗ Anh Tú, Nguyễn Trung Dũng // Giao thông vận tải .- 2025 .- Số 3 .- Tr. 294 -304 .- 624
Thí nghiệm về đo nhiệt thủy hóa của xi măng cho bê tông vẫn còn khá mới mẻ và chưa được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam. Mục tiêu của thí nghiệm nhằm đánh giá nhiệt thủy hóa của xi măng tương ứng với từng cấp phối bê tông. Từ đó, có thể lựa chọn loại cấp phối hợp lý cho công trình xây dựng (chẳng hạn như công trình cầu). Bài báo này trình bày một mô hình thiết bị thí nghiệm đo nhiệt độ đoạn nhiệt cho bê tông. Một số kết quả đạt được bao gồm: thiết kế sơ đồ khối hệ thống, thuật toán điều khiển bù nhiệt, chế tạo hoàn chỉnh thiết bị thí nghiệm đo nhiệt độ đoạn nhiệt cho bê tông, thiết bị cho phép theo dõi và vận hành từ xa trên internet, kết quả thí nghiệm có thể trích xuất dưới dạng file excel. Việc tích hợp các thiết bị như bộ điều khiển nhiệt độ, thiết bị kết nối internet, bộ điều khiển PLC giúp việc chế tạo thiết bị trở nên nhanh chóng, hoạt động tin cậy, nhiều tiện ích mà vẫn đảm bảo chi phí hợp lý. Kết quả nghiên cứu của nhóm góp phần thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi thí nghiệm đo nhiệt độ đoạn nhiệt cho bê tông tại Việt Nam.
6 Khảo sát thực nghiệm biến dạng của dầm liên hợp thép bê tông với mức độ liên kết kháng cắt khác nhau / Lê Văn Phước Nhân, Bùi Đức Vinh, Lê Thái Sơn // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 6(Tập 64) .- Tr. 28-34 .- 690
Trình bày khảo sát thực nghiệm biến dạng của dầm liên hợp thép bê tông với mức độ liên kết kháng cắt khác nhau. Chương trình thí nghiệm được thực hiện trên hai dầm liên hợp thép bê tông, sử dụng liên kết kháng cắt dạng perfobond nhằm khảo sát biến dạng của dầm liên hợp với mức độ liên kết kháng cắt nhau. Thép làm perfobond và dầm thép tiết diện T được cắt chung từ thép tấm mà không cần nối với nhau bằng đường hàn như khi áp dụng đối với tiết diện dầm thép chữ I. Số lỗ liên kết được bố trí trong 2 dầm lần lượt là 10 và 22 lỗ để tạo ra sự khác biệt về mức độ liên kết. Nghiên cứu tập trung đánh giá ảnh hưởng của mức độ liên kết đến perfobond. Kết quả cho thấy, mức độ liên kết có ảnh hưởng đáng kể đến các biến dạng của dầm liên hợp thép bê tông.
7 Tính toán từ biến của bê tông theo các mô hình khác nhau / Trần Thu Hiền // Khoa học & Công nghệ Đại học Duy Tân .- 2021 .- 1 (44) .- Tr. 3-9 .- 624
Giới thiệu về hiện tượng từ biến của bê tông. Bốn mô hình gồm ACI-209R-92, Eurocode 2, CEB FIP 90-99 và GL 2000 được sử dụng để tính toán từ biến của một cột bê tông chịu nén bởi ứng suất không đổi. Kết quả mô hình GL 2000 cho giá trị biến lớn nhất so với 3 mô hình còn lại.