CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
chủ đề: Công nghệ
21 Deep Signature : giải pháp chống hàng giả bằng xác thực tuyệt đối mã ID / Nguyễn Đình Quân // Khoa học và Công nghệ Việt Nam A .- 2022 .- Số 8(761) .- Tr. 30-32 .- 005
Nhằm nâng cao khả năng phát hiện hàng giả, hàng nhái, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và nhóm chuyên gia blockchain đến từ các nước Hoa Kỳ, Liên bang Nga và Vương quốc Anh đã cùng nhau nghiên cứu phát triển thành công công nghệ Deep Signature. Với công nghệ này, người tiêu dùng có thể nhanh chóng xác thực tuyệt đối nguồn gốc chính hãng của sản phẩm, đồng thời tiếp nhận các thông tin liên quan trực tiếp từ nhà sản xuất. Hàng giả không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của các doanh nghiệp, mà còn làm tổn hại sức khỏe và tài sản của người tiêu dùng.
22 Công nghệ in 3D và định hướng lộ trình phát triển tại Việt Nam / Tạ Việt Dũng, Trần Thị Thu Hương, Nguyễn Khánh Tùng // Khoa học và Công nghệ Việt Nam A .- 2022 .- Số 5(758) .- Tr. 11-13 .- 330
Đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ in 3D ở Việt Nam, bản đồ công nghệ in 3D đã được xây dựng nhằm góp phần định hướng ứng dụng và phát triển công nghệ này ở nước ta. Bản đồ công nghệ in 3D đã cho thấy, in 3D là một trong những công nghệ mới, xu hướng của tương lai. Để đáp ứng nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong giai đoạn mới cũng như yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế, cần xây dựng những chính sách khuyến khích các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp phát triển công nghệ in 3D. Công nghệ in 3D được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, công nghiệp tạo mẫu nhanh, giúp doanh nghiệp chuyển đổi các sáng kiến, ý tưởng thành những sản phẩm thực tế một cách nhanh chóng và hiệu quả.
23 Công nghệ bê tông asphalt tái chế ấm : giải pháp phát triển bền vững cho xây dựng mặt đường giao thông / Đào Văn Đông, Nguyễn Ngọc Lân // Khoa học và Công nghệ Việt Nam A .- 2022 .- Số 4(757) .- Tr. 38-40 .- 690
Trình bày giải pháp phát triển bền vững cho xây dựng mặt đường giao thông bằng công nghệ bê tông asphalt tái chế ấm. Tuổi thọ khai thác trung bình của kết cấu mặt đường bê tông asphalt khoảng 7-10 năm, do vậy nguồn vật liệu RAP thu được từ quá trình bảo trì và sửa chữa mặt đường là rất lớn, có thể lên đến hàng triệu tấn mỗi năm. Hơn nữa, tất cả các vật liệu thành phần chế tạo bê tông asphalt đều là nguồn tài nguyên không tái tạo, do vậy các giải pháp công nghệ để tái sử dụng vật liệu RAP sẽ đem lại lợi ích về mặt kinh tế và môi trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hỗn hợp bê tông asphalt tái chế ấm (BTATCA) đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn AASHTO R35 và TCVN 8818: 2011, góp phần giảm giá thành xây dựng mặt đường cũng như giảm thiểu phát thải nhà kính.
24 Vật liệu siêu dẫn và hành trình khám phá chưa có hồi kết / Đinh Văn Chiến // Khoa học và Công nghệ Việt Nam A .- 2022 .- Số 4(757) .- Tr. 50-53 .- 530
Phân tích vật liệu siêu dẫn và hành trình khám phá chưa có hồi kết. Có thể thấy, hành trình tìm kiếm chất siêu dẫn đã dần tiến tới việc tổng hợp các chất siêu dẫn dưới áp suất cao gấp hàng triệu lần áp suất khí quyển vẫn còn là một thử thách không nhỏ. Ngày nay, khi mà kim cương tổng hợp cũng có thể tạo được ra bằng cách sử dụng kỹ thuật lắng đọng hơi hóa học với áp suất thấp, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào những khám phá mới về chất siêu dẫn ở nhiệt độ phòng với phương páp áp suất thấp. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức với ngành khoa học siêu dẫn, nhưng những dự đoán lý thuyết sẽ là cơ sở khoa học mạnh mẽ để thúc đẩy những kiểm chứng thực nghiệm nhằm tìm ra những chất siêu dẫn ở nhiệt độ phòng với áp suất thấp, phục vụ các mục đích ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống.
25 Công nghệ kết nối trong sản xuất nông nghiệp thông minh và định hướng cho Việt Nam / Lưu Thị Quỳnh Trang, Vương Quang Huy, Vũ Minh Trung, Nguyễn Trường Sơn, Chu Đức Hà, La Việt Hồng, Phạm Minh Triển // Khoa học và Công nghệ Việt Nam A .- 2022 .- Số 4(757) .- Tr. 25-28 .- 330
Cung cấp thông tin khái quát về công nghệ kết nối và những ứng dụng của công nghệ này trong sản xuất nông nghiệp thông minh, trên cơ sở đó đề xuất định hướng áp dụng ở Việt Nam. Nền sản xuất nông nghiệp toàn cầu đang phải chịu áp lực từ hai bài toán lớn là gia tăng dân số và giảm sút diện tích đất canh tác. Trong bối cảnh đó, bên cạnh sự thay đổi về phần cứng của thiết bị sử dụng trong nông nghiệp, cần thiết phải có sự chuyển đổi số để giúp người nông dân sử dụng một cách hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên. Công nghệ số có thể nâng cao khả năng ra quyết định, cho phép quản lý rủi ro và kiểm soát sự biến động, từ đó tối ưu hóa sản lượng và cải thiện giá trị kinh tế của quá trình canh tác. Trong thời gian qua, những tiến bộ về điện tử, tự động hóa và công nghệ thông tin đã cho phép nâng cao hiệu quả canh tác và năng suất cây trồng. Trong đó, các nền tảng kết nối được sử dụng nhiều trong nhiều mô hình nông nghiệp thông minh để giám sát cây trồng, vật nuôi; quản lý nhà kho và vận hành thiết bị máy móc.
26 Đánh giá khả năng hình thành bùn hạt hiếu khí trên mô hình công nghệ SBR trong phòng thí nghiệm / Phạm Văn Doanh, Nguyễn Bình Minh, Trần Thị Việt Nga // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 1(Tập 64) .- Tr. 49-53 .- 363
Phân tích đánh giá khả năng hình thành bùn hạt hiếu khí trên mô hình công nghệ SBR trong phòng thí nghiệm. Bùn hạt hiếu khí có thể ứng dụng rộng rãi với các chất nền và các loại nước thải khác nhau. So với bùn hoạt tính thông thường, bùn hạt hiếu khí có cơ cấu tốt, khả năng duy trì sinh khối cao và có thể xử lý các hợp chất độc hại trong nước thải. Bùn hạt hiếu khí không chỉ có tác dụng loại bỏ tốt các bon mà còn có khả năng loại bỏ nitơ và phốt pho, vì vậy bùn hạt hiếu khí được sử dụng để xử lý nước thải sinh hoạt, nhà máy chế biến thực phẩm, chăn nuôi,… Nghiên cứu trình bày quá trình hình thành và phát triển của bùn hạt hiếu khí trong điều kiện phòng thí nghiệm với chất nền là acetate, bùn hoạt tính dùng để nuôi cấy được lấy từ Trạm xử lý nước thải. Kết quả cho thấy, sự hình thành bùn hạt tại mô hình A rất khó khăn. Ngược lại, tại mô hình B, bùn hạt được hình thành và phát triển ổn định sau 30-45 ngày thí nghiệm.
27 Y tế viễn thông và tiềm năng phát triển / Võ Văn Tới, Trần Ngọc Việt, Lê Thị Thủy Tiên, Từ Thị Tuyết Nga // Khoa học và Công nghệ Việt Nam A .- 2022 .- Số 3(756) .- Tr. 31-33 .- 610
Trình bày hệ thống y tế viễn thông và tiềm năng phát triển của ngành. Hệ thống y tế viễn thông (gọi tắt là viễn y) kết hợp nhiều công nghệ tiên tiến như nano, internet vạn vật, thực tế ảo, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo… để thiết kế thiết bị y tế cá nhân và hệ thống giúp bác sĩ theo dõi, chăm sóc bệnh nhân từ xa. Viễn y đang được áp dụng rộng rãi ở các nước tiên tiến và chắc chắn nó sẽ rất hiệu quả ở các nước đang phát triển - nơi hệ thống y tế còn thiếu thốn. Vai trò của viễn y càng trở nên hữu ích trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, buộc xã hội phải áp dụng các quy định 5K, giãn cách xã hội, tự cách ly… Đón trước xu thế này, Khoa Kỹ thuật Y sinh của Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã sớm đầu tư nghiên cứu dòng thiết bị viễn y và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
28 Nghiên cứu phát triển tổ hợp thiết bị dò tìm bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam / Vũ Quốc Huy, Phan Văn Quang // Khoa học và Công nghệ Việt Nam A .- 2022 .- Số 3(756) .- Tr. 41-44 .- 530
Trình bày nghiên cứu phát triển tổ hợp thiết bị dò tìm bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh hiện là vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tỷ lệ bom, mìn, vật nổ hiện còn sót lại ở nước ta chiếm từ 2-5% số lượng bom đạn quân đội Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam (tương đương khoảng 350-800 nghìn tấn). Số bom, mìn vật nổ này hiện nằm rải rác trên cả nước, có thể phát nổ bất cứ lúc nào khi bị tác động, gây nên hậu quả thương tâm về người, tạo gánh nặng cho xã hội. Để khắc phục vấn đề này, Việt Nam và nhiều nước đã và đang quan tâm nghiên cứu phát triển các tổ hợp thiết bị dò tìm bom, mìn, vật nổ phục vụ mục đích nhân đạo, kết hợp chống khủng bố, góp phần tích cực vào công cuộc giải trừ bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh.
29 Ứng dụng công nghệ vi chất lỏng trong sản xuất thuốc nano / Phạm Thanh Tâm, Hà Trọng Nghĩa, Hoàng Minh // Khoa học và Công nghệ Việt Nam A .- 2022 .- Số 1+2(754+755) .- Tr. 119-121 .- 610
Trình bày ứng dụng công nghệ vi chất lỏng trong sản xuất thuốc nano với sự hỗ trợ của bộ đảo trộn vi dòng. Với sự hỗ trợ của công nghệ mới này, quy mô sản xuất có thể mở rộng mà không cần thêm các bước phát triển quy trình khác. Công nghệ nano thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học và hiện được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó có dược phẩm và mỹ phẩm. Thuốc nano được đánh giá có nhiều ưu điểm so với thuốc truyền thống như cải thiện sinh khả dụng, đưa thuốc đến đích… Công nghệ đảo trộn vi dòng cho thấy tiềm năng to lớn trong việc sản xuất các loại thuốc nano từ quy mô phòng thí nghiệm đến sản xuất hàng hóa.
30 Thực trạng hiệu quả khai thác công nghệ của các doanh nghiệp thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh / Đặng Thu Hương, Trần Lan Hương // Kinh tế & phát triển .- 2022 .- Số 297 .- Tr. 51-61 .- 658
Bài nghiên cứu sử dụng phương pháp đánh giá hiệu quả khai thác công nghệ theo các tiêu chí được hướng dẫn trong Thông tư 17/2019/TT-BKHCN cho các lĩnh vực sản xuất ưu tiên (sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất than, sản xuất kim khí và sản xuất các sản phẩm khoáng phi kim loại) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Kết quả chỉ ra rằng, nhìn chung hiệu quả khai thác công nghệ của các lĩnh vực này chỉ ở mức độ trung bình. Đa số các doanh nghiệp được khảo sát đều yếu ở các tiêu chí như Mức độ áp dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất; Năng lực bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, dây chuyền, thiết bị của doanh nghiệp và Khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Để khắc phục những hạn chế và nâng cao hiệu quả khai thác công nghệ của các doanh nghiệp, các chính sách của địa phương nên chú trọng hỗ trợ nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ cho doanh nghiệp, đặc biệt là những lĩnh vực được xác định là ưu tiên phát triển.