Người của một thời
05/06/2017Ông Lê Công Cơ là Anh hùng Lao động, Nhà giáo ưu tú, Chủ tịch HĐQT - Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), từng là một trong những thủ lĩnh của phong trào đấu tranh tại các đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Còn Nguyễn Đông Nhật là người nêu ra ý tưởng và cùng tuyển chọn - biên soạn công trình Trăm năm thơ Đất Quảng 15 năm trước.
Cuốn sách là nỗ lực tiếp tục ghi chép, tái hiện lịch sử phong trào thanh niên - học sinh - sinh viên - nhân sĩ - trí thức tại các đô thị miền Nam thời chống Mỹ của tủ sách “Đáp lời sông núi” (tủ sách giáo dục truyền thống của Trường Đại học Duy Tân) dưới góc độ những người trong cuộc.
Cuốn sách gồm 17 chương, dằng dặc một miên-trường-tưởng-nhớ những người của một thời. Tưởng nhớ Nguyễn Thúc Lư và 40 thành viên đầu tiên của Hội Liên hiệp học sinh - sinh viên Giải phóng Trung Trung Bộ, những người đầu tiên treo công khai lá cờ Mặt trận Giải phóng giữa TP.Huế vào năm 1964, giờ chỉ còn mươi người! Tưởng nhớ Nguyễn Lương Y - Trung úy, thư ký đặc biệt của tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh vùng chiến thuật 1 và người anh ruột Nguyễn Lương Ý, dạy Trường Trung học Trần Cao Vân Tam Kỳ, cả hai bị địch bắt, thủ tiêu vùi xác tại bãi biển Xuân Thiều (Đà Nẵng)... Và tưởng nhớ nhiều nhất đến nhân dân, đến những người mẹ, người chị đã thầm lặng hy sinh, đến hàng trăm nghìn liệt sĩ có tên và “chưa biết tên”, chưa tìm được hài cốt… Lòng biết ơn, tưởng nhớ ấy là những giá trị đẹp đẽ, sẽ mãi thấm sâu trong tâm hồn mỗi người Việt Nam.
Cuốn sách còn là sự trao gửi dành cho thế hệ trẻ hôm nay, trong “hành trang Sống-Làm-Người của chính mình”. Thanh niên, học sinh - sinh viên thời nào cũng đẹp, bởi sự trẻ trung và đáng yêu, còn bởi vì tuổi hoa niên đầy mơ mộng là thời gian sống khó có thể quên trong cuộc đời, cái giai đoạn của những thao thức kiếm tìm, những giằng xé giữa riêng và chung, giữa cái cá nhân và cái chuẩn mực... Có lẽ, vì thế hai tác giả đã chọn lựa hình thức thể hiện “thông qua tâm cảm của người viết”, đồng thời pha trộn tư liệu, bút tích, di vật của nhân vật để “dẫn chuyện” khác nhau, đa giọng điệu. Tư duy thì rất hiện đại. Hệt như những lát cắt gẫy gọn, giải mã chân dung bên trong nhân vật…
Ví như, từ ngôi nhà trong mơ của người chiến sĩ giữa cơn mưa rừng điên dại để đi đến sự khái quát: “Đó là tổ ấm thân thương, là chiếc neo đầu tiên trong đời sống của trẻ. Đó là ánh đèn dẫn con người quay về sau những ra đi… Và nếu bị bắt buộc phải mất nhà, thì đó là đau khổ lớn nhất. Dường như, đối với nhiều dân tộc, nhà không chỉ là nơi trú ngụ mà còn là quê hương - đất nước…”. Hay là vài nét phác họa “bức chân dung dở dang” về thầy Trương Văn Thông thành kính: “Thầy đã sống đến độ tuổi thượng thọ, đã vượt quá cái ngưỡng bảy mươi. Một cuộc đời không ngắn, sau khi đã làm xong những việc cần làm đối với gia đình và xã hội thì có thể thanh thản ra đi. Không ai tạc tượng để thờ phụng một con người bình thường, nhưng ra đi, để lại tình cảm quý trọng trong lòng những người thân quý, có gì tốt đẹp hơn?”.
Hoặc như lời bác sĩ Kiều Trinh, con gái duy nhất của Nguyễn Lương Ý: “Cha mình và những người cùng thế hệ với ông ngày ấy, chỉ ở độ tuổi 20 nhưng đã rất chững chạc trong suy nghĩ và đối với họ, dẫu có chút lãng mạn của tuổi trẻ nhưng sự nghiệp và danh dự của con người là điều quan trọng nhất… Và cho đến nay, đã hơn 50 năm, tôi lại ngẫm về thân thế của ba như một lời nhắc nhở: Phải sống sao để ba tôi không phải phiền lòng về những hy sinh, những khát vọng mà ông đã ấp ủ thời trai trẻ”… Đó chính là những lời nhắc nhở ân cần, là cách giáo dục tinh tế của hai tác giả đối với thế hệ trẻ hôm nay.
Cũng không có gì lạ khi có thể tìm thấy trong cuốn sách, hoặc nói thẳng hoặc qua những ẩn dụ những biểu tượng, ẩn chứa bao ưu tư của người trí thức trước thời cuộc. Đáng quý, những “Người của một thời” vẫn luôn lạc quan, sống tình nghĩa, hướng về con đường phía trước, con đường phát triển đổi mới đất nước hiện đại trên nền tảng nhân văn truyền thống: “Dẫu chiến tranh là một quy luật bất thường của Lịch sử thì Tình yêu luôn là Người Bảo hộ của Thời gian. Để hôm nay, đi trên những con đường thẫm ánh xanh lá nắng dưới bóng những bức tường phong rêu, những câu hỏi đang dần dần tìm thấy lời giải… Con đường là có thực. Cũng có nghĩa là, Sự Sống không bao giờ dừng lại. Đó chính là “Sự - Tìm - Lại - Để - Tìm - Đến” những giá trị lâu bền…”.
Cuối cùng, tôi tâm đắc điều quan trọng nhất của “Người của một thời” gửi gắm: Quá khứ là điều không thể thay đổi, nhưng tương lai là điều có thể kiến tạo. Vì vậy, hãy cùng nhau nhìn lại quá khứ thật trung thực như vốn những gì đã diễn ra, để có sức mạnh tạo nên sự thay đổi cho hiện tại và cho tương lai tươi sáng của đất nước. Cũng có lẽ, đó là “phương thuốc” duy nhất có thể đem lại sự xoa dịu biết bao nỗi đau của cuộc đời.
Xuân Lan (Báo Quảng Nam)
Danh mục sách mới tháng 11/2024 (Công nghệ Thực phẩm)
08/11/2024 - 13:24:13
Thư viện Đại học Duy Tân xin giới thiệu đến quý bạn đọc danh mục sách mới tháng 11 với chuyên ngành Công nghệ ...
Danh mục tạp chí Quốc tế tháng 10/2024
10/10/2024 - 09:09:37
Thư viện Đại học Duy Tân xin giới thiệu đến bạn đọc danh mục tạp chí Quốc tế tháng 10/2024, với đa dạng lĩnh ...
Danh mục tạp chí Quốc tế tháng 08/2024
27/08/2024 - 10:46:23
Thư viện Đại học Duy Tân xin giới thiệu đến bạn đọc danh mục tạp chí Quốc tế tháng 08/2024, với đa dạng lĩnh ...
21/11/2024 - 08:31:36
Ngày 18-19/11/2024, Thư viện Đại học Duy Tân đã tham gia “Ngày sách Việt Nam” với chủ đề “Văn hóa đọc học ...
29/05/2024 - 08:29:17
Trong 02 ngày 23 và 24/5/2024, Thư viện Đại học Duy Tân đã tham gia Hội thảo tập huẩn về “Phương pháp xây ...
Vấn đề bản quyền trong quản lý và khai thác học liệu số
12/04/2024 - 09:02:09
Ngày 11 tháng 4 năm 2024, Thư viện Đại học Duy Tân đã tham gia buổi Tọa đàm về "Vấn đề bản quyền trong quản ...