CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Khoa học Xã Hội & Nhân Văn

  • Duyệt theo:
41 Nghiên cứu ảnh hưởng của việc sử dụng điện thoại thông minh đến kết quả học tập môn tiếng Anh của sinh viên trường đại học kinh tế Nghệ An / Nguy Vân Thùy // .- 2023 .- Vol 6 (N3) .- Tr. 418 - 429 .- 400

Điện thoại thông minh (ĐTTM) được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, theo các mức độ và khoảng thời gian khác nhau. Việc sử dụng này có những tác động tích cực và tiêu cực đến cuộc sống về mọi mặt. Đối với sinh viên, sử dụng ĐTTM, ngoài việc trải nghiệm những thứ mới mẻ, học tập những kỹ năng cần thiết thì ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến kết quả học tập. Bằng phương pháp điều tra bằng bảng hỏi theo thang đo likert 5 cấp độ, tác giả đã thu thập thông tin mô tả về thực trạng sử dụng ĐTTM của sinh viên trường Đại học Kinh tế Nghệ An Qua đó, tác giả đánh giá và xác định được mức độ ảnh hưởng của việc sử dụng ĐTTM, đồng thời đề xuất hướng sử dụng ĐTTM một cách có hiệu quả, phát huy mặt tích cực của ĐTTM nhằm nâng cao kết quả học tập nói chung và học tiếng Anh nói riêng cho sinh viên trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

42 Khảo sát mức độ tham gia của học sinh về việc sử dụng Quizizz cho hoạt động đánh giá thường xuyên thông qua trò chơi ở các lớp học tiếng anh như một ngoại ngữ / Trần Thị Hòa Thảo // .- 2023 .- Vol 6 (N3) .- Tr. 403 - 417 .- 400

Nghiên cứu này nhằm mục đích khảo sát sự ảnh hưởng của việc áp dụng Quizizz vào việc đánh giá thường xuyên lên mức độ tham gia của học sinh trung học trong các hoạt động đánh giá đó. Nghiên cứu này áp dụng phương pháp tiếp cận hỗn hợp trong việc thu thập và phân tích dữ liệu trên 70 học sinh của trường THPT Quốc Học. Các công cụ thu thập dữ liệu là các buổi dự giờ lớp học, bảng câu hỏi và phỏng vấn. Dữ liệu được phân tích bằng phần mềm Thống kê SPSS cho các câu trả lời bảng câu hỏi và được phân tích theo chủ đề đối với các ghi chú trong các buổi dự giờ và phỏng vấn. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng Quizizz cho mục đích đánh giá thường xuyên trong lớp học đã có sự tác động tích cực đến mức độ tham gia của học sinh trong các hoạt động đánh giá đó. Các bạn học sinh cũng đồng ý rằng Quizizz mang lại nhiều niềm vui và hứng thú hơn cho lớp học trong suốt quá trình đánh giá, do đó, họ cảm thấy có động lực để cố gắng hơn trong học tập.

43 Ảnh hưởng của các yếu tố bói cảnh đến việc tham gia nghiên cứu khoa học của giảng viên dạy tiếng Anh tại một trường đại học ở Việt Nam / Ngô Huỳnh Hồng Nga, Lê Công Tuấn, Nguyễn Thị Minh Thư // .- 2023 .- Vol 6 (N3) .- Tr. 372 - 385 .- 400

Các công trình nghiên cứu liên quan đến chủ đề nghiên cứu khoa học (NCKH) của giảng viên trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh vẫn còn hạn chế và có rất ít đề tài tập trung vào nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố bối cảnh đến việc tham gia vào NCKH của giảng viên. Đề tài này được thực hiện nhằm điều tra kinh nghiệm của giảng viên dạy tiếng Anh đối với sự ảnh hưởng của các yếu tố bối cảnh đến việc tham gia vào hoạt động NCKH của họ. Thông qua phương pháp nghiên cứu hiện tượng (phenomenological research design), kết quả của đề tài này cho thấy rằng mặc dù việc tham gia vào NCKH của giảng viên dạy tiếng Anh chịu tác động bởi các chính sách của nhà nước và nhà trường để đáp ứng nhu cầu cải cách giáo dục, nhưng việc tham gia thật sự phụ thuộc vào trách nhiệm và động lực cá nhân của giảng viên. Nghiên cứu này cho thấy rằng các yếu tố từ cấp độ nhà nước, nhà trường và cá nhân có cả ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến kinh nghiệm tham gia NCKH của giảng viên dạy tiếng Anh. Dựa trên cơ sở lý thuyết sinh thái học (Bronfenbrenner, 1979), nghiên cứu này đề xuất mô hình liên quan đến các yếu tố thúc đẩy và cản trở sự tham gia NCKH của giảng viên dạy tiếng Anh.

44 Giảng dạy kết hợp trực tiếp - trực tuyến kỹ năng nghe, nói tiếng pháp tại trường đại học ngoại ngữ, đại học Huế / Hồ Thủy An // .- 2023 .- Vol 6 (N3) .- Tr. 299 - 316 .- 400

Bài báo trình bày nghiên cứu về tình hình kết hợp trực tiếp-trực tuyến (4T) để dạy Nghe-Nói tiếng Pháp tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế và thuận lợi, khó khăn mà người dạy, người học gặp phải trong quá trình triển khai. Phương pháp chính của nghiên cứu là điều tra bằng bảng hỏi giảng viên (GV) phụ trách và sinh viên (SV) đăng ký theo học hai kỹ năng này năm học 2000-2021. Kết quả điều tra cho thấy mặc dù cả GV và SV nhận thức được ích lợi của GD4T, việc áp dụng mô hình này vào giảng dạy kỹ năng Nghe, Nói tiếng Pháp chưa thực sự phổ biến, mức độ chưa cao và còn gặp một số khó khăn, đặc biệt ở các khía cạnh cơ sở vật chất, tâm lý và phương pháp.

45 Nâng cao kỹ năng đọc mở rộng của học sinh tại một trường THCS ở Nam Định : một dự án nghiên cứu hành động / Vũ Thị Dung // .- 2023 .- Vol 6 (N3) .- Tr. 327 - 336 .- 400

Nghiên cứu hiện tại nhằm mục đích điều tra tác dụng của các hoạt động học tập hợp tác đối với kỹ năng đọc mở rộng của học sinh và nhận thức của học sinh EFL đối với việc việc sử dụng phương pháp học hợp tác trong học tập đọc mở rộng của học sinh. Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, nhà nghiên cứu đã thông qua một dự án nghiên cứu hành động kéo dài 8 tuần với phương pháp định lượng. 25 học sinh lớp 8 từ một trường THCS được chọn làm người tham gia nghiên cứu. Hai công cụ nghiên cứu được sử dụng để thu thập dữ liệu bao gồm kiểm tra trước, kiểm tra sau và bảng câu hỏi. Phân tích dữ liệu cho thấy kết quả nghiên cứu sau: Thứ nhất, có sự cải thiện về điểm số trong các bài kiểm tra đọc mở rộng của học sinh sau khi sử dụng phương pháp học tập hợp tác; Thứ hai, học sinh bày tỏ nhận thức tích cực của mình đối với việc sử dụng phương pháp học tập hợp tác để thúc đẩy các kỹ năng đọc hiểu sâu rộng của học; Cuối cùng, học sinh có xu hướng sử dụng các hoạt động hợp tác trong quá trình học đọc sâu rộng hơn của họ. Kết quả nghiên cứu đã tạo ra những ý nghĩa cho việc sử dụng hiệu quả các hoạt động học tập hợp tác để thúc đẩy các kỹ năng đọc sâu rộng và năng lực đọc tổng thể của học sinh.

46 Kiến thức phi chính thống và tiềm năng thay đổ thái độ và thế giới quan của người học : nghiên cứu ở một lớp học lịch sử Hoa Kỳ / Cao Lê Thanh Hải, Dương Phước Quý Châu, Phạm Anh Huy // .- 2023 .- Vol 6 (N3) .- Tr. 337 - 346 .- 400

Khái niệm kiến thức phi chính thống do Foucault (1980) đề xuất đã được nhiều nhà giáo dục, học giả nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong nhiều chuyên ngành và lĩnh vực khác nhau nhằm tạo nên một phương pháp giáo dục đề cao tính đa diện của kiến thức đồng thời thách thức sự thống trị của khoa học luận chính thống. Bài báo trình bày kết quả sơ bộ của một nghiên cứu thực nghiệm sử dụng kiến thức phi chính thống trong nỗ lực nhằm khuyến khích người học suy nghĩ khác biệt và hoài nghi về thực tế được xây dựng trong các sách giáo khoa lịch sử chính thống của Hoa Kỳ. Kết quả cho thấy mặc dù có nhiều trở ngại ban đầu trong việc làm quen với các khái niệm mới, người học rất hào hứng và tích cực trong suốt quá trình học tập. Bên cạnh đó, các dấu hiệu về sự thay đổi trong cách nhìn nhận về lịch sử của người học (dù còn khá khiêm tốn) đã được thể hiện trong bài tập cuối kỳ của sinh viên.

47 Xung đột Nga - U-crai-na : tiếp cận từ góc độ giải quyết tranh chấp trong luật quốc tế / Trần Hữu Duy Minh // .- 2023 .- Quý 2+3 (133+134) .- Tr. 321 - 338 .- 327

Xung đột Nga - U-crai-na đã và đang tạo ra hàng loạt tranh chấp trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ chính trị - ngoại giao, thương mại, đầu tư, nhân đạo, vấn đề biển đến môi trường. Các tranh chấp này đan xen, phức tạp, và có thể phát sinh ngày càng nhiều. Luật quốc tế quy định các quốc gia phải giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua các biện pháp ngoại giao và pháp lý. Tuy nhiên, với tình hình chiến sự hiện nay, ý chí chính trị của hai nước, cũng như những hạn chế về mặt pháp lý của các biện pháp giải quyết tranh chấp, khó có khả năng Nga và U-crai-na có thể thực sự bắt đầu giải quyết các tranh chấp và xung đột.

48 Quan hệ giữa Trung Quốc và Trung Đông những năm gần đây / Đỗ Thị Thu Phượng // .- 2023 .- Quý 2+3 (133+134) .- Tr. 301 - 320 .- 327

Từ những năm 1990, do nhu cầu về năng lượng, Trung Quốc quan tâm nhiều hơn tới khu vực Trung Đông, và kể từ đó Trung Quốc ngày càng gia tăng sự hiện diện ở khu vực này. Những bất đồng giữa Mỹ và các quốc gia trong khu vực càng khiến quan hệ Trung Quốc với khu vực được thắt chặt hơn. Mặc dù dầu mỏ vẫn là trọng tâm trong quan hệ giữa Trung Quốc và Trung Đông, trên thực tế Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng của mình sang các lĩnh vực khác như tài chính - thương mại, cơ sở hạ tầng, giáo dục, văn hóa, chính trị và cả an ninh - quốc phòng. Vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực ngày càng rõ, đặc biệt Sáng kiến Vành đai Con đường đang được các quốc gia trong khu vực tận dụng để phát triển kinh tế.

49 Chính sách Ánh Dương 2.0 của Tổng thống Moon Jae-in và tương lai quan hệ liên Triều / Vũ Minh Hoa, Vũ Xuân Khang // .- 2023 .- Quý 2+3 (133+134) .- Tr. 281 - 300 .- 327

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong nhiệm kỳ của mình (2017-2022) đã thay đổi chính sách đối với Triều Tiên so với người tiền nhiệm Park Geun-hye (2013-2017). Chính sách Triều Tiên của Moon Jae-in dựa trên nền tảng của chính sách Ảnh Dương thời Tổng thống Kim Dae-jung (1998-2003) và Roh Moo- hyun (2003-2008). Chính sách này không kêu gọi sự thống nhất đất nước bằng vũ lực mà ưu tiên hợp tác chính trị, kinh tế, và văn hóa liên Triều như một biện pháp bảo đảm an ninh cho Triều Tiên nhằm thuyết phục nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy chính sách Ánh Dương không đạt hiệu quả như kỳ vọng, theo đó có thể giúp phi hạt nhân hóa và mở cửa đất nước Triều Tiên. Bài viết phân tích điểm mạnh và hạn chế của chính sách Ánh Dương dưới thời Moon Jae-in và dự báo tương lai quan hệ liên Triều dưới thời Tổng thống Yoon Suk-yeol hiện nay. Bài viết chứng minh rằng chính sách Ánh Dương mặc dù giúp giảm thiểu khả năng xung đột trong ngắn hạn nhưng lại có nhiều nhược điểm căn bản khi không đủ khả năng đảm bảo sự của Triều Tiên giống như kho vũ khí hạt nhân của nước này.

50 Sự phụ thuộc lẫn nhau và xu hướng điều chỉnh liên kết kinh tế quốc tế hiện nay / Nguyễn Thị Bích Thủy, Hà Nam Thắng, Nguyễn Thị Hồng Quyên // .- 2023 .- Quý 2+3 (133+134) .- Tr. 261 - 280 .- 327

Toàn cầu hóa và liên kết kinh tế quốc tế đang đứng trước nhiều chuyển biến quan trọng, tác động sâu rộng đến tương lai hợp tác kinh tế thế giới. Xu hướng “phân tách” hay “giảm thiểu rủi ro” chỉ là dấu hiệu của một sự thay đổi rộng lớn hơn, trong đó các quốc gia tìm cách cân bằng giữa mở cửa, hội nhập với bảo đảm an ninh quốc gia và tự chủ chiến lược. Tuy nhiên, trong thé giới toàn cầu hóa hiện nay, các nước, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, không thể phân tách hoàn toàn do đã phụ thuộc lẫn nhau quả lớn về kinh tế. Trong bài viết này, nhóm tác giả sẽ tập trung lý giải mối quan tâm và nỗ lực hiện nay xoay quanh vấn đề điều chỉnh sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và tái định hình các liên kết kinh tế quốc tế trong tương lai.