CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Khoa học Xã Hội & Nhân Văn

  • Duyệt theo:
51 Hiện đại hóa theo mô hình Trung Quốc : nội hàm, triển vọng và một số hàm ý đối với Việt Nam / Phạm Thanh Bình - Trịnh Xuân Hương // .- 2023 .- Quý 2+3 (133+134) .- Tr. 243 - 260 .- 327

Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10/2022) đã đề ra sứ mệnh và nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong thời đại mới là “đoàn kết, dẫn dắt nhân dân các dân tộc cả nước hoàn thành xây dựng cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu phấn đấu 100 năm thứ hai, thúc đẩy toàn diện phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa thông qua hiện đại hóa theo mô hình Trung Quốc.” “Hiện đại hóa theo mô hình Trung Quốc” được coi là sáng tạo quan trọng nhất về lý luận của Đại hội XX với nhiều nội hàm mới và nhiều điểm khác biệt so với mô hình hiện đại hóa của các nước phát triển. Trung Quốc quyết tâm thực hiện mục tiêu hoàn thành hiện đại hóa đất nước, trở thành cường quốc hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ XXI. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức và cũng sẽ có những điều chỉnh để thích ứng với biến đổi nhanh chóng của tình hình trong nước, khu vực và quốc tế. Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng, cùng theo mô hình xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, do đó Việt Nam có thể học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát triển và hiện đại hóa đất nước.

52 Xuất khẩu giáo dục đại học của Việt Nam sang châu Phi: Thuận lợi, khó khăn và một số giải pháp / Phạm Thị Kim Huế, Đào Tùng // .- 2023 .- Số 06 (214) - Tháng 6 .- Tr. 19 - 27 .- 327

Xuất khẩu giáo dục đại học của Việt Nam sang châu Phi hiện đang được đẩy mạnh không chỉ nhằm mang lại nguồn thu to lớn mà còn gia tăng “sức mạnh mềm” của Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi. Trên thực tế, xuất khẩu giáo dục của Việt Nam sang châu Phi xuất hiện từ bao giờ, thực trạng ra sao, gặp những thuận lợi và khó khăn gì, và làm thế nào để thúc đẩy. Bài nghiên cứu này sẽ trả lời cho các câu hỏi trên.

53 Quan hệ Việt Nam với các quốc gia châu Phi : những nền tảng cơ bản và cơ hội giao thương mới / Lê Kim Sa, Vũ Thị Thanh // .- 2023 .- Số 06 (214) - Tháng 6 .- Tr. 12 - 18 .- 327

Việt Nam có quan hệ hữu nghị tốt đẹp với tất cả các nước châu Phi, được xây dựng trên nền móng vững chắc là chính sách đoàn kết giữa các phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng thuộc địa từ những năm 50-60 của thế kỷ trước. Bước sang thế kỷ XXI, quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam và các nước châu Phi không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Trên thực tế, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam coi châu Phi là thị trường, đối tác tiềm năng và tích cực đầu tư vào các nước châu Phi. Bài viết sử dụng phương pháp tổng hợp và phân tích tư liệu để đánh giá các nền tảng của mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và các nước châu Phi, đồng thời đánh giá những cơ hội giao thương mới trong tương lai. Theo kết quả nghiên cứu, nếu Việt Nam đạt được một thỏa thuận thương mại với khu vực AfCFTA, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế cạnh tranh so với nhiều nước châu Á khác để gia tăng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh vào thị trường này. Đây cũng là cơ sở cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên sâu sắc hơn nữa, đóng góp tích cực vào mối quan hệ thương mại và đầu tư nói riêng cũng như quan hệ hòa bình, hợp tác, phát triển của mỗi bên cũng như mỗi khu vực.

54 Suy ngẫm về con đường phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ qua cuộc bầu cử tổng thống năm 2023 / Lê Phước Minh, Đinh Công Hoàng // .- 2023 .- Số 06 (214) - Tháng 6 .- Tr. 3 - 11 .- 327

Trong bối cảnh đó có thể nói rằng cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023 là một sự kiện quốc tế tiêu biểu, có tác động lớn lao đối với khu vực và trên thế giới. Bài viết này muốn thông qua những phân tích tương đối sâu sắc về nội dung cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023, từ đó sẽ đưa ra những đánh giá cô đọng, khái quát về con đường phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ và định hướng phát triển trong tương lai.

55 Thực trạng tảo hôn của một số quốc gia trên thế giới và một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam / Nguyễn Thị Xuân // .- 2023 .- Số 05 (213) - Tháng 5 .- Tr. 61 - 68 .- 327

Tảo hôn vẫn là một trong những vấn đề cấp bách của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mặc dù, các quốc gia đã triển khai nhiều chương trình hành động, ban hành nhiều Đạo luật, nghị định, chính sách nhằm hướng đến giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn tiếp diễn và có xu hướng tặng ở nhiều quốc gia. Tình trạng tảo hôn không chỉ là vấn đề cấp bách của các quốc gia nghèo đói, quốc gia đang phát triển mà ngay cả các quốc gia phát triển cũng đang phải đối mặt với vấn đề này. Việt Nam cũng là một trong những nước đang phải đối mặt với tình trạng tảo hôn, tình trạng tảo hôn ở Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi yếu tố phong tục tập quán, kinh tế, bất bình đẳng giới... như một số quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, việc tìm hiểu, học tập các kinh nghiệm của các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề này trở thành một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến việc giảm thiếu và chấm dứt tình trạng tảo hôn, đặc biệt là tình trạng tảo hỗn đang diễn ra ở khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

56 Khởi nghiệp xanh : cơ hội và thách thức đối với sinh viên / Nguyễn Thị Xuân // .- 2023 .- Số 05 (213) - Tháng 5 .- Tr. 52 - 60 .- 327

Khởi nghiệp xanh (green startup) là một mô hình kinh doanh mới, nhằm tập trung vào việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ có tính bền vững, đóng góp vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Khởi nghiệp xanh thường tập trung vào việc sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo, hạn chế sử dụng nguyên liệu độc hại và giảm thiểu khí thải, nước thải, chất thải độc hại vào môi trường. Đối với sinh viên khởi nghiệp xanh mang lại nhiều cơ hội và thách thức. Nghiên cứu này nhằm đánh giá xu hướng kinh doanh xanh và tiêu dùng xanh ở Việt Nam, đồng thời, phân tích cơ hội và thách thức của khởi nghiệp xanh đối với sinh viên, từ đó, đề xuất giải pháp đẩy mạnh khởi nghiệp xanh cho sinh viên, góp phần phát triển bền vững kinh tế của mỗi cá nhân cũng như nền kinh tế quốc gia.

57 Kinh nghiệm phát triển ngành Halal của Thái Lan / Đinh Công Hoàng // .- 2023 .- Số 05 (213) - Tháng 5 .- Tr. 44 - 51 .- 327

Thị trường Halal đã và đang phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới. Ngày nay, đối tượng tiêu dùng sản phẩm Halal không chỉ dùng trong phạm vi 57 quốc gia Hồi giáo trên thế giới, mà nó còn là sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng tại các quốc gia phi Hồi giáo khác. Đối với các nước Hồi giáo, phát triển thị trường Halal mang ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ nét văn hóa cũng như thể hiện sự tôn trọng và đáp ứng những yêu cầu của kinh Qur’an, luật Shariah và tiêu chuẩn Halal. Còn đối với những nước phi Hồi giáo, đây là cơ hội tốt cho các nước phát triển lĩnh vực kinh tế mới phù hợp với xu thế chung của thế giới về phát triển ngành công nghiệp không khói và bảo vệ môi trường, đồng thời là cơ hội cho các nước khai thác tiềm năng mới của “con gà đẻ trứng vàng” này. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích kinh nghiệm quốc tế của Thái Lan, đây là một quốc gia phi Hồi giáo nhưng tốc độ tham gia thị trường Halal rất lớn. Vậy quốc gia này đã xây dựng chiến lược phát triển ngành Halal như thế nào? Và làm cách nào để sản phẩm Halal có mặt trên toàn thế giới, đặc biệt là những quốc gia Hồi giáo tin dùng? Việt Nam sẽ rút ra bài học như thế nào về phát triển ngành Halal phù hợp với điều kiện trong nước và đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế?

58 Quy định của pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị / Hồ Diệu Huyền // .- 2023 .- Số 05 (213) - Tháng 5 .- Tr. 33 - 43 .- 327

Bình đẳng giới trong chính trị là việc nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội; tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức; trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức. Trên cơ sở phân tích, tổng hợp các tài liệu thứ cấp từ nhiều nguồn uy tín, đáng tin cậy, bài viết tập trung nghiên cứu về quy định của pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, qua đó cho thấy việc áp dụng, thực thi và triển khai các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị ở Việt Nam hiện nay.

59 Thực trạng và triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà / Phạm Thị Kim Huế, Nguyễn Thị Yến Ngọc // .- 2023 .- Số 05 (213) - Tháng 5 .- Tr. 24 - 32 .- 327

Bờ Biển Ngà – quốc gia Tây Phi và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao được 48 năm ngay sau khi Việt Nam thống nhất đất nước vào năm 1975. Quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước phát triển tốt đẹp là nền tảng để thúc đẩy quan hệ kinh tế. Hiện, Bờ Biển Ngà là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi sau Nam Phi, với kim ngạch thương mại song phương đạt 1,2 tỷ USD vào năm 2021. Tuy nhiên, xét về tiềm năng và nhu cầu của Việt Nam và Bờ Biển Ngà, thì vẫn còn nhiều dư địa hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, năng lượng, viễn thông, giáo dục và du lịch trong bối cảnh khủng hoảng lương thực và biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến Bờ Biển Ngà nói riêng và châu Phi nói chung. Do vậy việc thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà sẽ mở ra nhiều triển vọng cho cả hai nước, giúp Bờ Biển Ngà bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững, đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao tiềm lực kinh tế tại Tây Phi và châu Phi. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Bờ Biển Ngà và quan hệ hợp tác với Việt Nam, nghiên cứu này khái quát những đặt trung về Bờ Biển Ngà, đánh giá quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà trong thời gian qua để từ đó phân tích dự báo triển vọng quan hệ song phương trong thời gian tới.

60 Xu hướng phát triển thị trường Halal thế giới và hàm ý cho Việt Nam / Lê Kim Sa, Vũ Thị Thanh // .- 2023 .- Số 05 (213) - Tháng 5 .- Tr. 14 - 23 .- 327

Với gần hai tỷ người Hồi giáo, mức chi tiêu tương đương hai nghìn tỷ USD vào năm 2021 cho các lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, du lịch và truyền thông/giải trí. Mặc dù nhu cầu tiêu dùng có bị ảnh hưởng tiêu cực, tuy nhiên, xu hướng phát triển thị trường Halal được dự báo sẽ đạt 2,8 nghìn tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng tích lũy hàng năm (CAGR) trong bốn năm là 7,5%. Thị trường Halal đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh ở khắp các châu lục từ châu Á, Trung Đông, châu Phi cho tới châu Âu và châu Mỹ. Bài viết sẽ dựa trên Báo cáo Tình hình Kinh tế Hồi giáo toàn cầu năm 2022 để điểm lại sự phát triển của nền kinh tế Halal thế giới, từ đó đánh giá những xu hướng của thị trường Halal toàn cầu và rút ra một số hàm ý cho Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường Halal, mở rộng phát triển xuất khẩu thực phẩm sang các nước Hồi giáo, đặc biệt là tham gia sâu vào chuỗi cung ứng thực phẩm Halal toàn cầu.