CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
1 Tác động của nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức đến lượng khí thải CO2 tại các quốc gia Châu Á : tiếp cận theo ngưỡng đô thị hóa / Trần Ngọc Minh, Lê Phương Anh, Hoàng Yến Chi // Kinh tế & phát triển .- 2025 .- Số 334 .- Tr. 43-52 .- 332.1
Nghiên cứu này tìm hiểu tác động của ODA đến lượng khí thải CO2 tại các quốc gia châu Á trong giai đoạn 2008 đến 2021, sử dụng tỷ lệ đô thị hóa là biến ngưỡng. Thông qua Mô hình hồi quy ngưỡng dữ liệu bảng, kết quả nghiên cứu cho thấy ODA giảm lượng khí thải CO2. Cụ thể, khi tỷ lệ đô thị hóa của các quốc gia châu Á dưới giá trị ngưỡng 33,1820, việc tăng 1% ODA dẫn đến giảm 0,1682% lượng khí thải CO2. Khi tỷ lệ đô thị hóa vượt qua giá trị ngưỡng, việc tăng 1% ODA dẫn đến giảm 0,0145% lượng khí thải CO2. Kết quả nghiên cứu cho thấy cần có những phương pháp tiếp cận khác nhau trong việc phân bổ ODA giữa các quốc gia.
2 Tác động của thực hiện các yếu tố ESG tới hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại tại khu vực châu Á / Nguyễn Bích Ngân // Nghiên cứu Tài chính Kế toán .- 2025 .- Số 290 .- Tr. 98 - 100 .- 658
Nghiên cứu này đánh giá tác động của các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đối với hiệu quả động của ngân hàng thương mại tại châu Á, khu vực yêu cầu phát triển bền vững ngày càng tăng. Với sự cạnh tranh cao và quản lý chặt chẽ, ESG có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận và rủi ro ngân hàng. Sử dụng mô hình GMM hệ thống hai bước, nghiên cứu phân tích dữ liệu từ 500 ngân hàng tại 20 quốc gia châu Á (2010–2023) để kiểm tra tác động của ESG đến ROA, NIM (lợi nhuận) và CET1, Z-score (rủi ro). Kết quả cho thấy yếu tố xã hội (S-score) cải thiện lợi nhuận và giảm rủi ro, trong khi yếu tố môi trường (E-score) làm tăng rủi ro tổng thể. Ảnh hưởng của ESG cũng khác nhau theo quy mô ngân hàng. Dựa trên kết quả thực nghiệm, nghiên cứu đề xuất các chính sách giúp ngân hàng cân bằng giữa ESG và hiệu quả kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh thị trường châu Á.
3 Kinh nghiệm phát triển nền “kinh tế bạc” của Trung Quốc trong bối cảnh già hoá dân số và bài học cho Việt Nam / Bùi Văn Lương, Đinh Hồng Linh, Mai Việt Anh // Nghiên cứu Tài chính Kế toán .- 2025 .- Số 290 .- Tr. 90 - 93 .- 330
Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức lớn do tình trạng già hóa dân số gây nên. Số người từ 60 tuổi trở lên đã đạt gần 297 triệu, chiếm 21,1% tổng dân số Trung Quốc vào năm 2023. Tốc độ tăng trưởng GDP của nước này đạt trung bình gần 9% mỗi năm kể từ năm 1989. Quy mô của nền kinh tế bạc của Trung Quốc hiện đạt 7 nghìn tỉ NDT, tương đương 6% GDP của quốc gia, theo Trung tâm Nghiên cứu Lão hóa Trung Quốc. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 30 nghìn tỉ NDT vào năm 2035. Bài viết nghiên cứu những chính sách phù hợp mà Trung Quốc đã và đang thực hiện để thúc đẩy sự phát triển của nền “kinh tế bạc” ứng phó với thách thức già hoá dân số hiện nay ở đất nước tỷ dân này làm bài học kinh nghiệm ứng phó với già hoá dân số - một vấn đề đang rất cấp bách ở Việt Nam hiện nay.
4 Phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam : đổi mới từ nhận thức đến thực tiễn / Nguyễn Trọng Cơ, Đặng Tuấn Minh, Nguyễn Thu Trang // Nghiên cứu Tài chính Kế toán .- 2025 .- Số 290 .- Tr. 12 - 17 .- 330
Bài viết tập trung phân tích, làm rõ sự chuyển dịch nhận thức về vai trò của KTTN tác động đến những hành động cụ thể trong chính sách và thực tiễn. Từ đó có đánh giá, chỉ ra những thành tựu nổi bật, nhận diện các hạn chế, thách thức còn tồn tại và đề xuất các giải pháp chiến lược nhằm thúc đẩy KTTN phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn nữa trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
5 Ứng dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) trong đổi mới sáng tạo tài chính / Nguyễn Văn Hiệu // Nghiên cứu Tài chính Kế toán .- 2025 .- Số 290 .- Tr. 22 - 26 .- 658
Bài viết này làm rõ những tiềm năng ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung và trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo tài chính nói riêng và một số hàm ý rút ra đối với Việt Nam trong kỷ nguyên mới của đất nước.
6 Xu hướng thị trường Fintech và tăng trưởng tại Việt Nam : sự phát triển, động lực chính và tác động đến hòa nhập tài chính / Ngọ Minh Trang // Nghiên cứu Tài chính Kế toán .- 2025 .- Số 290 .- Tr. 27 - 31 .- 330
Nghiên cứu này xem xét các xu hướng và sự tăng trưởng của thị trường công nghệ tài chính tại Việt Nam, giải quyết khoảng cách trong việc hiểu cách thức ngân hàng số và thanh toán di động tác động đến sự hòa nhập tài chính. Nghiên cứu nhằm mục đích phân tích các động lực chính của sự mở rộng công nghệ tài chính, đánh giá các thách thức về quy định và khám phá vai trò của công nghệ tài chính trong việc tiếp cận các nhóm dân số chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Sử dụng phương pháp nghiên cứu tại bàn, nghiên cứu tổng hợp các bài báo, báo cáo của ngành, chính sách của chính phủ và dữ liệu tài chính để đánh giá việc áp dụng công nghệ tài chính. Các phát hiện cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng trong thanh toán kỹ thuật số, ngân hàng di động và các công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận tài chính ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, rủi ro an ninh mạng, khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện và khoảng cách về hiểu biết tài chính vẫn tạo ra những thách thức đáng kể. Kết quả cho thấy nhu cầu về các quy định chặt chẽ hơn, đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và giáo dục tài chính để đảm bảo sự phát triển bền vững và toàn diện của công nghệ tài chính tại Việt Nam.
7 Nâng cao hiệu quả kế toán và kiểm toán trong hành trình thực hiện ESG tại Việt Nam / Nguyễn Thị Thảo Anh // Nghiên cứu khoa học kiểm toán .- 2025 .- Số 290 .- Tr. 36 - 39 .- 657
Phân tích thực trạng tích hợp các yếu tố ESG vào báo cáo tài chính, làm rõ các thách thức và cơ hội đối với ngành kế toán - kiểm toán tại Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp như nâng cao nhận thức, đào tạo chuyên môn, áp dụng công nghệ số và xây dựng khung pháp lý phù hợp.
8 Ảnh hưởng của Facebook đến suất sinh lời trên thị trường chứng khoán Việt Nam / Nguyễn Thu Hoài // Nghiên cứu Tài chính Kế toán .- 2025 .- Số 290 .- Tr. 40 - 43 .- 658
Sự phát triển mạnh mẽ của Facebook đã có ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng thực nghiệm về tác động của Facebook đối với suất sinh lời của cổ phiếu. Nghiên cứu sử dụng mô hình Fama French 3 nhân tố và phân chia thời gian nghiên cứu thành các giai đoạn quan trọng như đại dịch COVID-19, các gói hỗ trợ từ Chính phủ và kết thúc đại dịch. Kết quả cho thấy cảm tính tiêu cực làm tăng suất sinh lời của cổ phiếu, trong khi cảm tính tích cực có tác động ngược lại. Điều này cho thấy, nhà đầu tư có thái độ nghi ngờ đối với tính xác thực của thông tin trên Facebook. Nghiên cứu cũng cho thấy chính sách hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán trong giai đoạn khó khăn.
9 Cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển bền vững các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới / Vũ Hoàng Nam // Nghiên cứu Tài chính Kế toán .- 2025 .- Số 290 .- Tr. 47 - 49 .- 658
Phát triển doanh nghiệp có vai trò quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững. Để phát triển doanh nghiệp cần phải cải thiện môi trường kinh doanh. Trong bối cảnh phát triển với nhiều đòi hỏi mới như phát triển xanh, kinh tế số, thích ứng biến đổi khí hậu toàn cầu... việc cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển doanh nghiệp đặt ra những vấn đề mới. Trên cơ sở phân tích đòi hỏi của bối cảnh mới và thực tiễn cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua, bài viết đề xuất cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thúc đẩy đổi mới và sáng tạo trong doanh nghiệp nhằm gia tăng sự thích ứng để phát triển bền vững các doanh nghiệp Việt Nam.
10 Chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp ở Việt Nam : từ chính sách đến thực tiễn / Phùng Thị Quỳnh Trang, Trần Quang Tiến // Nghiên cứu Tài chính Kế toán .- 2025 .- Số 290 .- Tr. 50 - 53 .- 658
Bài viết phân tích chính sách, pháp luật có liên quan đến chuyển đổi hộ kinh doanh (HKD) cá thể thành doanh nghiệp (DN) và tổng hợp một số kết quả “chính thức hóa” HKD ở Việt Nam. Kết quả phân tích cho thấy quy định pháp luật về HKD chưa đầy đủ, thiếu nhất quán, chưa tương xứng với vai trò của HKD trong nền kinh tế. Một số quy định mới, nới lỏng về địa điểm kinh doanh, số lao động được thuê thường xuyên, chuyển đổi chính thức thành DN sẽ giúp cho HKD phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc bãi bỏ quy định về “chính thức hóa” đối với HKD đủ điều kiện sẽ kìm hãm sự chuyển đổi hình thức tổ chức kinh tế và thành lập mới DN, không tạo ra sự cải thiện quy mô, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam. Bên cạnh đó, cơ chế thống kê, giám sát quá trình chuyển đổi từ HKD thành DN chưa được thiết lập định kỳ ở tất cả các cấp quản lý nhà nước dẫn đến Việt Nam không có thông tin quốc gia về lĩnh vực này, vì vậy, báo cáo đánh giá về “chính thức hóa” còn manh mún, không đủ giá trị tin cậy cho việc khái quát bức tranh về kết quả “chính thức hóa” tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất hàm ý chính sách để tiếp tục quá trình chuyển đổi HKD sang DN thay vì đưa ra chính sách tự do như hiện nay.