CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Khoa học Xã Hội & Nhân Văn

  • Duyệt theo:
31 Mạng lưới xã hội trong hoạt động giao lưu thương mại của người H’mông ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An với người H'mông ở Lào trong chuyển đổi sinh kế / Đặng Minh Ngọc // .- 2024 .- Số 2 (287) .- Tr. 37 - 44 .- 327

Mạng lưới xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người H’Mông phát triển các hoạt động giao lưu thương mại. Qua nghiên cứu ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạn huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, bài viết nghiên cứu mạng lưới xã hội trong hoạt động giao lưu thương mại giữa người H’Mông ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn với người H’Mông ở Lào trong chuyển đổi sinh kế. Vai trò của mạng lưới xã hội trong từng hoàn cảnh sẽ cho thấy khả năng chuyển đổi sinh kế của người dân. Kết quả nghiên cứu góp phần làm rõ đặc trưng của mạng lưới xã hội trong chuyển đổi sinh kế của người H’Mông ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

32 Quan hệ Việt Nam - Lào - Campuchia trong tương quan với Trung Quốc / Phạm Sỹ An // .- 2024 .- Số 2 (287) .- Tr. 30 - 36 .- 327

Bài viết phân tích mối quan hệ giữa 3 nước Đông Dương là Việt Nam, Lào, Campuchia trong mối quan hệ tương quan với Trung Quốc. Bài viết gồm 3 phần: phần thứ nhất khái quát lý thuyết của Easley, D. và Kleinberg, J. (2010) về mối quan hệ giữa các nước và minh hoạ điều kiện cho thấy đó là mối quan hệ ổn định hay bất ổn định; phần thứ hai phân tích mối quan hệ giữa Việt Nam – Lào – Campuchia trong mối liên hệ với Trung Quốc qua các số liệu; và cuối cùng là phần kết luận với một số gợi mở định hướng nhằm thiết lập quan hệ giữa các nước có chung đường biên giới với Việt Nam.

33 Sự hỗ trợ của Mỹ cho quốc gia Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương (1950 – 1954) / Trần Nam Tiến // .- 2024 .- Số 2 (287) .- Tr. 18 - 29 .- 327

Tháng 9/1945, Pháp chính thức tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Trong quá trình tiến hành cuộc chiến ở Việt Nam, Pháp quyết định thực hiện “Giải pháp Bảo Đại”, lập nên một chính thể thân Pháp ở Việt Nam với tên gọi là “Quốc gia Việt Nam”. Chính phủ Mỹ đã công nhận và thiết lập quan hệ chính thức với chính thể này vào tháng 02/1950. Trên cơ sở đó, Mỹ đẩy mạnh việc hỗ trợ cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam trên các mặt đối ngoại, quân sự và kinh tế. Đầu năm 1954, với sự sa lầy và thất bại không thể tránh khỏi của Pháp ở Việt Nam, Mỹ đẩy mạnh quan hệ với Quốc gia Việt Nam, chuẩn bị thay chân Pháp ở Việt Nam. Bài viết tập trung trình bày thái độ của Mỹ với “Giải pháp Bảo Đại”; sự hỗ trợ của Mỹ cho Quốc gia Việt Nam giai đoạn 1950 - 1954; và đưa ra những nhận xét, đánh giá.

34 Yếu tố Ấn Độ trong kiến trúc thánh đường Java ở Indonesia / Trần Nam Tiến // .- 2024 .- Số 2 (287) .- Tr. 9 - 17 .- 327

Văn hóa Ấn Độ có sự ảnh hưởng lớn đối với văn hóa Indonesia, đặc biệt là văn hóa Java. Trong đó, nổi bật nhất và ảnh hưởng sâu nét nhất chính là sự thành lập các vương quốc Hindu giáo và Phật giáo ở Java trong khoảng thời gian từ thế kỷ IV cho đến cuối thế kỷ XV. Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với văn hóa Java được thể hiện qua rất nhiều lĩnh vực khác nhau như chữ viết, văn chương, tổ chức hệ thống chính quyền, nghệ thuật rất đậm nét. Quá trình giao lưu văn hóa này diễn ra hàng chục thế kỷ, ban đầu từ những thành phố ven bờ biển, dần dần lan rộng ra khắp các khu vực ở Indonesia. Bài viết tập trung phân tích 2 nội dung chính đó là các giả thuyết về thời điểm và phương thức du nhập văn hoá Ấn Độ vào Java và các yếu tố Ấn Độ trong kiến trúc thánh đường Java ở Indonesia.

35 Chính sách phát triển bền vững của các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam / Nguyễn Danh Cường // .- 2023 .- Số 08 (216) - Tháng 8 .- Tr. 63 - 68 .- 327

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là một trường hợp điển hình về mô hình phát triển bền vững. UAE đã nhanh chóng chuyển đổi từ nền kinh tế sa mạc sang nền kinh kinh tế phát triển bền vững. Bài viết này làm rõ một số chính sách phát triển bền vững bằng chiến lược đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo môi trường và phát triển kinh tế nhưng không đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, bài viết cung cấp một số kinh nghiệm cho phát triển bền vững tại Việt Nam hiện nay.

36 Xu hướng ODA của khu vực Trung Đông và khả năng hợp tác với Việt Nam / Lê Bích Ngọc // .- 2023 .- Số 08 (216) - Tháng 8 .- Tr. 57 - 62 .- 327

Trong gần 30 năm qua, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, tuy nhiên kể từ khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, việc thu hút nguồn vốn ODA có những thay đổi đi kèm với giảm bớt các ưu đãi và điều kiện trong các khoản vay. Điều đó đòi hỏi phải có các hướng tiếp cận mới, đa dạng hóa nguồn vốn ODA từ nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế khác. Trong giai đoạn từ năm 2019, một số quốc gia Trung Đông, trong đó có Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã tham gia vào việc hỗ trợ phát triển cho các quốc gia khác trên thế giới và UAE đã trở thành một trong 10 nước tài trợ ODA lớn nhất thế giới trong những năm gần đây. Năm 2020, tổng số vốn tài trợ của UAE là 1,695 tỷ USD, bằng 0,48% GNI, vẫn là quốc gia có tỷ lệ hỗ trợ phát triển ODA/GNI cao trên thế giới.

37 Hàm ý chính sách cho Việt Nam nhìn từ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi / Hồ Diệu Huyền, Nguyễn Tuấn Anh // .- 2023 .- Số 08 (216) - Tháng 8 .- Tr. 50 - 56 .- 327

Ngày 21/06/2023, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chính thức thăm Mỹ lần thứ hai trong nhiệm kỳ với nỗ lực thắt chặt quan hệ với cường quốc đứng đầu thế giới. Chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Mỹ diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều dấu hiệu phức tạp và bất ổn: tình hình xung đột tại Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt; kinh tế toàn cầu đang tiếp tục đình lạm và những “cơn gió ngược” địa chính trị đang tiếp tục diễn ra. Đáng chú ý, chuyến thăm diễn ra ngay trong khi tình hình Nga và Ukraine hiện nay tiếp tục có nhiều dấu hiệu căng thẳng và phức tạp. Đứng trước những biến đổi đó, chuyến thăm được cho là hé lộ điểm mới trong quan hệ của các nước lớn, nhằm thăm dò, thúc đẩy và giải quyết điểm nghẽn trong các vấn đề quốc gia của Mỹ và Ấn Độ.

38 Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA): Tiềm năng và triển vọng / Đinh Công Hoàng // .- 2023 .- Số 08 (216) - Tháng 8 .- Tr. 41 - 49 .- 327

Việt Nam và Israel đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 7 năm 1993, đến tháng 12 năm 1993, Israel chính thức mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Từ đó, quan hệ giữa Việt Nam và Israel liên tục có sự phát triển vượt bậc, cả về chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng. Năm 2009, Việt Nam đã chính thức mở Đại sứ quán tại Tel Aviv, đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Giữa Việt Nam và Israel, có tiềm năng lớn để thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư hai chiều. Kinh tế Israel liên kết chặt chẽ với các quốc gia và khu vực phát triển hàng đầu như Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, đặc biệt tại lĩnh vực công nghệ cao như phần mềm, dược phẩm, mạch tích hợp, chế tạo và quốc phòng. Hợp tác với Israel giúp Việt Nam tăng khả năng đổi mới sáng tạo, tiếp cận công nghệ hàng đầu, và nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong các ngành mạnh của mình. Israel cũng có thể tận dụng nguồn cung hàng hóa và lao động có chi phí thấp thông qua hợp tác với Việt Nam, đồng thời Việt Nam có thể mở của thị trường rộng lớn ở Đông Nam Á và Châu Á thông qua mối liên kết này. Hiệp định thương mại tự do mới giữa hai quốc gia (VIFTA) hứa hẹn mang lại lợi ích lớn và mở ra cánh cửa phát triển mới cho cả hai bên.

39 Đại dương: Chiều cạnh tiếp theo của an ninh lương thực toàn cầu / Đinh Công Hoàng // .- 2023 .- Số 08 (216) - Tháng 8 .- Tr. 35 - 40 .- 327

Ngày nay, con người ngày càng phụ thuộc vào các đại dương. Việc sử dụng và phát triển nguồn hải sản là điều hiển nhiên thì công tác bảo tồn chúng vừa là điều kiện cần vừa là trách nhiệm. Ngoài tình trạng bién đổi khí hậu đang tác động tất yếu đến các đại dương, như nhiệt độ nước biển tăng, nồng độ acid trong nước biển tăng, nồng độ muối (độ mặn) trong nước biển giảm... thúc đẩy một số loài hải sản di cư, làm thay đổi hệ sinh thái địa phương, thì những hành vi của con người, đặc biệt do nhu cầu thực phẩm không ngừng tăng lên đã khiến những loài khác đang đứng trước nguy cơ bị khai thác quá mức hay thậm chí tuyệt chủng. Nhưng sự gia tăng dân số toàn cầu không nên và không phải là lý do cho việc khai thác tài nguyên hải sản ngày càng nhiều hơn. Trong khi nhiều quốc gia đã có những nỗ lực đáng kể, như cải thiện việc quản lý các nguồn tài nguyên thủy sản, xây dựng mô hình nuôi trồng hải sản bền vững và thương mại công bằng, thì việc củng cố và phát triển những nỗ lực này trên quy mô lớn sẽ cho phép khôi phục các đại dương vài lại sinh kế cho hàng tỷ người.

40 Quá trình đàm phán đi đến chấm dứt chế độ Apartheid ở Nam Phi (1985 – 1994) / Tăng Thị Thủy // .- 2023 .- Số 08 (216) - Tháng 8 .- Tr. 27 - 34 .- 327

Từ năm 1948 đến năm 1994, đất nước Nam Phi đặt dưới sự thống trị của chế độ Apartheid — chế độ phân biệt chủng tộc hà khắc nhất trên thế giới. Chế độ này dành mọi quyền ưu tiên cho thiểu số người da trắng gốc Âu, trong khi chà đạp lên tất cả lợi ích chính đáng của người da đen, da màu Nam Phi, đặc biệt là các quyền về kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội. Cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ Apartheid ở Nam Phi do Nelson Mandela và tổ chức Đại hội dân tộc Phi (ANC) lãnh đạo phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau như đấu tranh chính trị, vũ trang và đấu tranh trên bàn đàm phán. Trong đó, đàm phán chuyển đổi chính trị, chấm dứt chế độ Apartheid là giai đoạn đấu tranh gay go, quyết liệt. Đấu tranh trên bàn đàm phán diễn ra từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX và giành thắng lợi quyết định được đánh dấu bằng thành công của cuộc bầu cử dân chủ, đa chủng tộc đầu tiên ở Nam Phi năm 1994.