CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Khoa học Xã Hội & Nhân Văn

  • Duyệt theo:
21 Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành du lịch và bài học cho Việt Nam / Nguyễn Bảo Thư // .- 2023 .- Số 06 (214) - Tháng 6 .- Tr. 46 - 57 .- 327

Du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống văn hóa, xã hội ở các nước và trở thành ngành công nghiệp không khói đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Sự phục hồi của ngành du lịch năm 2022 và hai quý đầu năm 2023 có vai trò to lớn từ những chính sách hỗ trợ của nhà nước. Quả trình phát triển, du lịch đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên còn nhiều rào cản, khó khăn và hạn chế dẫn đến hiệu quả chưa cao, nguy cơ tiềm ẩn vẫn tồn tại, đặc biệt chưa tạo được khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Bài viết tập trung vào nội dung nghiên cứu học tập kinh nghiệm phát triển du lịch nói chung và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành du lịch của một số quốc gia và các điểm đến du lịch từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

22 Nông nghiệp xanh tại Ghana và Nam Phi - Hàm ý cho Việt Nam / Hồ Diệu Huyền // .- 2023 .- Số 06 (214) - Tháng 6 .- Tr. 38 - 45 .- 327

Ghana là một trong những quốc gia có tỷ trọng nhập khẩu hóa chất nông nghiệp cao nhất châu Phi. Có đến bảy loại thuốc trừ sâu bị cấm trên toàn thế giới được sử dụng ở Ghana. Chính phủ Ghana cũng triển khai nông nghiệp xanh trên phạm vi cả nước thông qua bộ tài liệu về “Ghana Goes Green” hướng dẫn cách thực hành nền kinh tế xanh nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại Nam Phi, cùng với năng lượng, quản lý tài nguyên, giao thông thì nông nghiệp là một trong bốn trọng tâm trong mô hình kinh tế xanh của Nam Phi được thông qua vào năm 2011. Việt Nam cũng đang triển khai nông nghiệp xanh tại một số tinh thành như: Bình Phước, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kiên Giang, Quảng Bình... bước đầu đem lại những tác động tích cực đối với nền nông nghiệp. Bài viết phân tích, so sánh và khái quát về thực trạng triển khai nông nghiệp xanh tại Ghana và Nam Phi, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong tương lai.

23 Nội chiến ở Sudan và tác động đối với láng giềng, khu vực và các nước lớn / Nguyễn Hồng Quân // .- 2023 .- Số 06 (214) - Tháng 6 .- Tr. 28 - 37 .- 327

Cuộc nội chiến hiện đang diễn ra tại Sudan chẳng những không thể đưa đất nước trở lại chế độ dân sự, mà còn củng cố thêm chế độ quân sự, hơn nữa lại ảnh hưởng nhiều mặt tới các nước láng giềng, khu vực. Đồng thời cường quốc như Mỹ, Nga hay Trung Quốc cũng gặp trở ngại khi triển khai các chiến lược khu vực của họ. Trong bối cảnh ấy, chưa thể nói khi nào Sudan mới có thể ổn định, hòa bình.

24 Kinh nghiệm của một số quốc gia Đông Nam Á trong xây dựng mô hình quản lý và sử dụng vốn đầu tư ở các doanh nghiệp nhà nước / Nguyễn Tuấn Anh // .- 2024 .- Số 2 (287) .- Tr. 3 - 9 .- 327

Việc xây dựng thể chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư và kinh doanh tại doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước là nhiệm vụ quan trọng đối với chính phủ nhiều quốc gia, bởi đây là khu vực nắm giữ nguồn lực và tài sản rất lớn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở nhiều quốc gia ở khu vực châu Á, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư và kinh doanh còn những bất cập và hạn chế, chưa phát huy được lợi thế của khu vực này vào sự phát triển quốc gia. Ở Đông Nam Á, Singapore được xem là trường hợp thành công trong việc phát huy sức mạnh của khu vực doanh nghiệp nhà nước thông qua Tập đoàn Temasek Holdings từ những năm 2000, trong khi đó những cải cách mạnh mẽ của Bộ Doanh nghiệp nhà nước của Indonesia gần đây cũng đã mang lại những chuyển biến tích cực đối với nền kinh tế lớn nhất khu vực này. Bài viết tập trung làm rõ kinh nghiệm của Singapore và Indonesia trong xây dựng mô hình quản lý và sử dụng vốn đầu tư ở các doanh nghiệp nhà nước.

25 An ninh khu vực và di cư lao động tạm thời ở Đông Nam Á và Đông Á / Nguyễn Nữ Nguyệt Anh // .- 2024 .- Số 1 (286) .- Tr. 43 - 51 .- 327

Di cư lao động tạm thời trong khu vực châu Á được xem là một giải pháp cho việc di chuyển lao động trên quy mô toàn cầu dựa trên động lực cung và cầu nhằm đem lại lợi ích cho ba bên: quốc gia gửi, quốc gia tiếp nhận lao động và bản thân những người lao động. Trong khi các nước châu Âu có chung chính sách kinh tế, chính trị và di cư thì châu Á không có bất kỳ cơ quan hay công cụ chung nào về nhân quyền. Việc khó tìm được tiếng nói chung trong các thỏa thuận trao đổi lao động hay việc nhân quyền của lao động di cư bị xâm phạm có thể tạo nên những căng thẳng giữa các quốc gia liên quan, gây bất ổn khu vực trên các khía cạnh kinh tế, chính trị và xã hội. Bài viết giới thiệu về di cư lao động ở châu Á, nhấn mạnh đến trường hợp di cư nội khối ASEAN và từ ASEAN sang các nước Đông Á. Thông qua việc bàn luận về sự quản lý di cư lao động của các quốc gia liên quan, bài viết chỉ ra sự ảnh hưởng quan trọng của loại hình di cư này đến an ninh khu vực. Cuối cùng, bài viết phân tích việc tham gia và thực hiện các công ước quốc tế và khu vực của các quốc gia và đề xuất biện pháp tăng cường an ninh khu vực bằng cách xây dựng cơ chế nhằm nâng cao việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho lao động di cư.

26 Bàn về sức mạnh biển Việt Nam trong bối cảnh mới / Trần Khánh, Lê Thị Hằng Nga // .- 2024 .- Số 1 (286) .- Tr. 32 - 42 .- 327

Việt Nam có lợi thế về sức mạnh tiềm năng biển, trước hết là Biển Đông, bởi vùng biển này không chỉ nằm ở vị trí địa lý chiến lược trong thương mại hàng hải và phòng thủ quốc tế mà còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sức mạnh biển Việt Nam được tăng lên khá nhanh trong những thập niên gần đây bởi chính sách thúc đẩy hội nhập quốc tế, coi kinh tế biển, an ninh biển là một quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, sự gia tăng cạnh tranh địa chính trị của các nước lớn, nhất là tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc cũng như sự thiếu đồng bộ, chưa hoàn thiện của cơ sở hạ tầng đang tạo ra thách thức không nhỏ đối với sức mạnh biển của Việt Nam.

27 Hợp tác an ninh quân sự giữa Trung Quốc và Myanmar trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI / Nguyễn Tuấn Bình // .- 2024 .- Số 1 (286) .- Tr. 14 - 23 .- 327

Mối quan hệ Trung Quốc - Myanmar được hình thành ngay từ khi Trung Quốc mới giành được độc lập. Sau khi nâng cấp lên quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vào năm 2011, quan hệ giữa Trung Quốc và Myanmar trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI vẫn được duy trì, phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, văn hoá - giáo dục, hợp tác an ninh quân sự giữa hai nước đã có nhiều bước tiến và đạt nhiều thành tựu to lớn. Bài viết tập trung đề cập quan hệ giữa Trung Quốc và Myanmar trên lĩnh vực an ninh quân sự trong những năm đầu thế kỷ XXI và rút ra một số nhận xét về mối quan hệ này.

28 Nhìn lại cục diện Đông Nam Á năm 2023 và triển vọng năm 2024 / Dương Văn Huy, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh // .- 2024 .- Số 1 (286) .- Tr. 3 - 13 .- 327

Năm 2023, Đông Nam Á có nền kinh tế không đạt được mục tiêu đề ra nhưng vấn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Tình hình chính trị - an ninh khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, cũng như vấn đề Myanmar, đồng thời các nước lớn gia tăng hiện diện và cạnh tranh địa chính trị ở khu vực. Trong khi đó, ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của mình trong cấu trúc khu vực. Triển vọng năm 2024, Đông Nam Á tiếp tục đối diện với những khó khăn cả về kinh tế và chính trị - an ninh, nhưng có khả năng duy trì sự ổn định tương đối và là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế.

29 Thành tựu nghiên cứu chính trị an ninh của viện nghiên cứu Đông Nam Á giai đoạn 2018 - 2023 / Đàm Huy Hoàng // .- 2024 .- Số 2 (287) .- Tr. 58 - 67 .- 327

Viện nghiên cứu Đông Nam Á (tiền thân là Ban Đông Nam Á) được thành lập vào năm 1973. Với tư cách là một Viện nghiên cứu khu vực học, nghiên cứu những vấn đề chính trị - an ninh khu vực luôn được xem là một trong những định hướng nội dung, chương trình nghiên cứu cơ bản của một Viện nghiên cứu khu vực học. Trong suốt 50 năm xây dựng và phát triển, kết quả nghiên cứu về chính trị - an ninh khu vực đã có những đóng góp quan trọng vào sự thành công chung của Viện. Bài viết tập trung đề cập những thành tựu nghiên cứu chính về chính trị - an ninh của Viện nghiên cứu Đông Nam Á trong 5 năm trở lại đây, từ đó đưa ra một số gợi ý nhằm thúc đẩy nghiên cứu về lĩnh vực này.

30 Các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam / Lê Phương Lan, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Thị Khánh Hòa // .- 2024 .- Số 2 (287) .- Tr. 45 - 57 .- 327

Nghiên cứu này được thực hiện để tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, bài viết sẽ đưa ra những kiến nghị cho ngân hàng niêm yết, các cơ quan chức năng liên quan về hoạt động quản trị CASA của ngân hàng nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động, tính cạnh tranh của các ngân hàng trong nghiệp vụ huy động vốn và đưa ra các chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển tỷ lệ CASA của các ngân hàng niêm yết tại Việt Nam.