CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Khoa học Xã Hội & Nhân Văn

  • Duyệt theo:
11 Sức mạnh mềm của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện / Dương Văn Quảng // .- 2023 .- Quý 2+3 (133+134) .- Tr. 29 - 46 .- 327

Sức mạnh mềm, theo Joseph Nye, là hành động của một quốc gia không mang tính trấn áp nhưng vẫn có khả năng tạo ra ảnh hưởng đối với những quyết định chính trị hệ trọng của các quốc gia khác. Ba nguồn chính tạo nên sức mạnh mềm là văn hóa, các giá trị chính trị, và các chính sách công, kể cả chính sách đối nội và chính sách đối ngoại. Văn hóa luôn là nhân tố quan trọng nhất tạo nên sức mạnh mềm của các quốc gia nói chung và của Việt Nam nói riêng. Sức mạnh mềm của Việt nam hiện nay bao gồm hệ giá trị văn hóa, vị trí địa - chiến lược, đường lối đối ngoại, và vị thế của Việt Nam.

12 Vụ việc tàu hướng dương hồng 10 xâm phạm vùng biển Việt Nam : nguyên nhân và hệ lụy quốc tế / Hoàng Thị Lan, Nguyễn Nam Dương // .- 2023 .- Quý 2+3 (133+134) .- Tr. 71 - 88 .- 327

Ngày 7/5/2023, nhóm tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 (HDH-10) của Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trái phép trong vùng biển của Việt Nam và hiện diện liên tục trong 29 ngày (rời đi vào đêm 5/6/2023). So với các vụ việc gần đây như vụ tàu Hải Dương 8 (năm 2019), trong vụ HDH-10 lần này tàu Trung Quốc đã tiến sâu hơn vào vùng biển Việt Nam, có thời điểm HDH-10 chỉ cách đường cơ sở Việt Nam 47 hải lý. Với ý đồ biến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành cái gọi là “khu vực chồng lấn” với yêu sách “Nam Hải chư đảo,” Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982, vi phạm tinh thần Tuyên bố DOC và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

13 Trung Quốc quấy nhiễu các hoạt động dầu khí trên biển và phản ứng của Ma-Lai-Xi-a / Vũ Hải Đăng // .- 2023 .- Quý 2+3 (133+134) .- Tr. 89 - 112 .- 327

Bài viết phân tích, đánh giá phương thức Ma-lai-xi-a phản ứng trước sự quấy nhiễu của Trung Quốc đối với các hoạt động dầu khí trên biển của mình. Cụ thể, bài viết sẽ làm rõ thực trạng tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Ma-lai-xi-a, yêu sách và quấy nhiễu các hoạt động dầu khí của Ma-lai-xi-a. Thông qua xem xét các biện pháp phản ứng của Ma-lai-xi-a đối với hoạt động của tàu Trung Quốc, từ phản ứng trên thực địa đến các phản ứng về mặt ngoại giao, chính trị, truyền thông, và của giới học giả, tác giả bài viết sẽ đưa ra lý giải về cách thức phản ứng của Ma-lai-xi-a cũng như đánh giá mức độ hiệu quả của cách phản ứng này.

14 Chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh : lý luận và thực tiễn / Đặng Cẩm Tú // .- 2023 .- Quý 2+3 (133+134) .- Tr. 139 - 154 .- 327

Trong những năm gần đây, phụ nữ, hòa bình và an ninh đã trở thành một chương trình nghị sự toàn cầu, được chú trọng thúc đẩy, triển khai rộng khắp ở mọi cấp độ. Đây cũng là một trong những lĩnh vực Việt Nam có thể phát huy để thể hiện vai trò thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời phục vụ các mục tiêu phát triển trong nước. Bài viết nhằm làm rõ chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh từ góc độ lý luận và thực tiễn, qua đó gợi mở một số suy nghĩ về sự tham gia của Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách của Nhà nước về phụ nữ trong phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương thời gian tới.

15 Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, và việc thực hiện cam kết của Việt Nam / Phan Thị Minh Giang, Nguyễn Ngọc Hậu // .- 2023 .- Quý 2+3 (133+134) .- Tr. 155 - 176 .- 327

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, việc hiểu rõ Thỏa thuận trên cũng như đánh giá tình hình triển khai trên thực tế sẽ giúp xác định rõ hơn những vấn đề cần hoàn thiện trong công tác quản lý di cư quốc tế nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế, phát huy vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác đa phương này, qua đó không ngừng nâng cao vị thế, uy tin quốc tế của đất nước.

16 Phát huy sức mạnh mềm Việt Nam trong công tác đối ngoại, góp phần triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại đại hội đảng lần thứ XIII / Nguyễn Hải Lưu, Nguyễn Hùng Sơn // .- 2023 .- Quý 2+3 (133+134) .- Tr. 177 - 198 .- 327

Phát huy sức mạnh mềm là một nội hàm quan trọng làm nên thành công của đối ngoại Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp Đổi mới gần 40 năm qua. Thực hiện chủ trương “phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại” của Đại hội Đảng lần thứ XIII, công tác đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại đa phương, đã tận dụng hiệu quả việc phát huy sức mạnh mềm Việt Nam, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển và nâng cao vị thế, uy tín đất nước. Để tiếp tục triển khai thắng lợi mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò của sức mạnh mềm, đặc biệt là trong công tác đối ngoại, để nâng cao hơn nữa thế và lực đất nước, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2045.

17 Hoàn thiện hệ thống cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hướng tới xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại / Trần Ngọc An // .- 2023 .- Quý 2+3 (133+134) .- Tr. 199 - 218 .- 327

Quá trình hình thành, phát triển của xã hội loài người và gia tăng tương tác giữa các cộng đồng, bộ lạc, quốc gia chứng kiến sự phát triển của hệ thống hình thái đại diện Nhà nước, từ các phái bộ có tính lâm thời, chủ yếu phục vụ mục đích chính trị, thành những cơ quan thường trú, có cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân sự được chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa với chức năng, nhiệm vụ đa dạng nhằm bảo vệ và thực thi lợi ích quốc gia bên ngoài lãnh thổ. Trong bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu tổng quan về hệ thống các cơ quan đại diện (CQĐD) của Việt Nam ở nước ngoài, phân tích tác động của bối cảnh hiện nay đối với các CQĐD, từ đó đưa ra những đề xuất định hướng quá trình xây dựng chính sách phù hợp, nhằm đặt hệ thống CQĐD vào vị trí có thể đóng góp hiệu quả hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, cũng như xây dựng nền ngoại giao Việt Nam chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại.

18 Phòng, chống tham nhũng : một số vấn đề lý luận và thực tiễn tại bộ ngoại giao / Nguyễn Xuân Ánh // .- 2023 .- Quý 2+3 (133+134) .- Tr. 219 - 242 .- 327

Tham nhũng là vấn nạn toàn cầu, xuất hiện ở mọi quốc gia, vùng lãnh thổ, mọi chế độ chính trị, trình độ phát triển. Tham nhũng được coi là một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Vấn đề tham nhũng luôn được các quốc gia, các diễn đàn khu vực, quốc tế quan tâm, nghiên cứu và đề xuất, thực thi các biện pháp phòng, chống. Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị. Việc đẩy mạnh công tác này với phương châm “không có ngoại lệ, không có vùng cấm” thời gian qua đã đem lại những kết quả đáng khích lệ. Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Bộ Ngoại giao luôn quan tâm, thống nhất từ nhận thức đến hành động, dành nguồn lực cần thiết cho công tác phòng, chống tham nhũng.

19 Bầu cử 2023 và triển vọng chính sách đối ngoại của Thái Lan / Võ Xuân Vinh // .- 2024 .- Số 1 (286) .- Tr. 24 - 31 .- 327

Cuộc tổng tuyển cử năm 2023 ở Thái Lan đưa đến sự thắng lợi của Đảng Tiến lên phía trước, đảng chính trị theo đuổi chủ trương xóa bỏ vai trò của hoàng gia và quân đội trong nền chính trị Thái Lan. Tuy nhiên, việc không giành được đủ số phiếu cần thiết ở hai viện quốc hội đã ngăn cản ứng cử viên Pita Limjaroenrat, lãnh đạo Đảng Tiến lên phía trước trở thành Thủ tướng Thái Lan. Thậm chí ông Pita còn phải đối mặt với các rắc rối pháp lý. Sự thất bại của lãnh đạo Đảng Tiến lên phía trước Pita Limjaroenrat đã tạo cơ hội cho Srettha Thavisin của Đảng Vì nước Thái trở thành Thủ tướng Thái Lan khi đảng này liên minh với các đảng thân quân đội để đảm bảo số phiếu ủng hộ ở hai viện quốc hội. Trên cơ sở khái quát về cuộc bầu cử Thái Lan năm 2023, bài viết sẽ chỉ rõ những vấn đề của nền chính trị đất nước chùa vàng và triển vọng chính sách đối ngoại của nước này dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Srettha Thavisin.

20 Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Singapore trong những năm gần đây và hàm ý cho Việt Nam / Trần Chiến // .- 2024 .- Số 1 (286) .- Tr. 62 - 78 .- 327

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguồn lực quan trọng đóng góp lớn vào tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và đã trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế các nước, điển hình là Singapore. Singapore là một trong số những quốc gia thành công nhất trong khu vực ASEAN về thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng. Bài viết tập trung làm rõ những nhân tố tác động, thực trạng thu hút FDI của Singapore trong những năm gần đây và hàm ý chính sách cho Việt Nam. Thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cũng được coi là điểm sáng hay thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam kể từ khi đổi mới đến nay. Từ bài học thành công trong chính sách phát triển kinh tế cũng như thu hút vốn FDI của Singapore, Việt Nam có thể tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm thu hút FDI một cách hiệu quả, tạo đà cho sự phát triển kinh tế trong tương lai như tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Học hỏi kinh nghiệm của Singapore, linh hoạt điều chỉnh chiến lược phù hợp là hướng đi đúng đắn để Việt Nam tận dụng nguồn lực FDI đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội đất nước.