CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Luật

  • Duyệt theo:
51 Tranh chấp và giải quyết tranh chấp liên quan đến tài nguyên nước theo pháp luật Việt Nam / Võ Trung Tín // .- 2024 .- Số 2 .- Tr. 91- 98 .- 340

Ở Việt Nam, trong số các tranh chấp môi trường, tranh chấp liên quan đến tài nguyên nước là loại tranh chấp phổ biến và khó giải quyết. Mặc dù các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp liên quan đến tài nguyên nước đã được điều chỉnh, bổ sung theo thời gian, tuy nhiên các quy định đó cũng chưa tạo cơ sở pháp lí đầy đủ để các bên trong tranh chấp sử dụng để giải quyết khi phát sinh các xung đột về lợi ích. Với mục đích làm rõ hơn các vấn đề lí luận, quy định pháp luật và thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến tài nguyên nước, bài viết phân tích khái niệm, các đặc điểm của tranh chấp liên quan đến tài nguyên nước, quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp liên quan đến tài nguyên nước ở Việt Nam, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này.

52 Trách nhiệm bảo vệ quyền con người của doanh nghiệp theo các hiệp định đầu tư song phương và những vấn đề pháp lí đặt ra cho Việt Nam / Nguyễn Thị Anh Thơ // .- 2024 .- Số 2 .- Tr. 99- 115 .- 340

Các hiệp định đầu tư song phương (BITs) thế hệ đầu tiên không bao gồm các điều khoản về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR). Sau đó, điều khoản về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã dần xuất hiện trong một số hiệp định đầu tư song phương nhưng không trực tiếp quy định nhà đầu tư phải có trách nhiệm bảo đảm quyền con người. Gần đây, hiệp định đầu tư song phương được sửa đổi theo hướng rà soát lại một số điều khoản cân bằng hơn về nghĩa vụ của nhà đầu tư. Theo đó, các hiệp định đầu tư song phương có xu hướng kết hợp các điều khoản về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong các phần hoặc chương về “nghĩa vụ của nhà đầu tư” hoặc nhà đầu tư có trách nhiệm bảo vệ quyền con người được thiết lập bởi pháp luật quốc gia nước tiếp nhận đầu tư. Từ những kinh nghiệm phát triển và thiết kế điều khoản trách nhiệm bảo vệ quyền con người của doanh nghiệp trong các hiệp định đầu tư song phương của một số quốc gia, bài viết đưa ra một số đề xuất hoàn thiện pháp luật Việt Nam.

53 Mô hình chính quyền địa phương ở Pháp và gợi mở cho Việt Nam hiện nay / Nguyễn Sơn Bách // .- 2024 .- Số 2 .- Tr. 116- 129 .- 340

Quản trị địa phương là một trong những vấn đề chính trong các cuộc cải cách quản trị quốc gia ở các nước trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong quá trình đổi mới, việc nghiên cứu và tiếp thu kinh nghiệm từ quản trị địa phương các quốc gia trên thế giới là một hướng đi cần thiết. Bài viết phân tích mô hình chính quyền địa phương của nước Cộng hoà Pháp, từ đó đề xuất một số quan điểm, giải pháp nhằm hoàn thiện hơn tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay.

54 Thiết kế và vận hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát ở Liên bang Nga và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam / Trịnh Ngọc Anh Phương // .- 2024 .- Số 2 .- Tr. 130- 144 .- 340

Trong thời gian qua, sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ đột phá đã tạo nên những sản phẩm, dịch vụ mang tính đổi mới sáng tạo, vượt xa trí tưởng tượng của con người, thúc đẩy quá trình hiện đại hoá của nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội ở nhiều quốc gia và Liên bang Nga là một trong các quốc gia dẫn đầu xu hướng này. Tuy nhiên, việc áp dụng những công nghệ này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, đòi hỏi phải thiết lập cơ chế giám sát, kiểm soát đặc biệt, hay còn gọi là “khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát”. Bài viết nghiên cứu các chính sách xây dựng và vận hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát tại Liên bang Nga, từ đó đưa ra một số gợi ý nhằm hoàn thiện quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại Việt Nam.

55 Định hướng vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam / Trương Thị Hồng Hà // .- 2023 .- Số 12 - Tháng 12 .- Tr. 4- 9 .- 340

Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đây là thành quả của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng có sự vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bài viết tập trung phân tích quan điểm nổi bật, xuyên suốt của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xác định tính đúng đắn các định hướng vậndụng trong tình hình mới, nhằm kiểm soát quyền lực có hiệu quả trong thời gian tới.

56 Hoàn thiện quy định về thẩm định giá bất động sản tại Việt Nam / Phạm Văn Bình, Nguyễn Sơn Vĩnh, Bùi Khánh Ly // .- 2024 .- Số 821 - Tháng 3 .- Tr. 23-27 .- 340

Ở Việt Nam, thẩm định giá bất động sản trong thời gian qua có tốc độ phát triển nhanh cả về hệ thống các văn bản pháp luật quy định về thẩm định giá và số lượng các doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá. Trong số 13 Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam hiện hành, Tiêu chuẩn thẩm định giá số 11 - Thẩm định giá bất động sản ban hành năm 2016 được coi là bước tiến quan trọng trong hướng dẫn, quy định chi tiết hơn đối với loại hình tài sản thẩm định giá bất động sản. Tuy nhiên, sau 7 năm áp dụng Tiêu chuẩn này, đến nay hoạt động thẩm định giá bất động sản đã bộc lộ một số hạn chế nhất định về quy trình và phương pháp thẩm định giá cần triển khai giải pháp hoàn thiện.

57 Vai trò của pháp chế doanh nghiệp trong cơ chế thị trường, gợi mở mô hình hỗ trợ / Lê Quang Y, Lê Thị Hồng Thơm // .- 2023 .- Số 12 - Tháng 12 .- Tr. 34 - 37 .- 340

Để kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp, vấn đề hoàn thiện cơ cấu bộ máy nhân sự và pháp chế doanh nghiệp là điều cần thiết. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên hiện tại đa số doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng đến bộ phận pháp chế doanh nghiệp hoặc có nhưng chưa làm tốt vai trò. Bài viết phân tích một số vấn đề nhằm luận giải những hạn chế, gợi mở những mô hình hỗ trợ phù hợp trong xu thế hội nhập hiện nay, nhất là nền kinh tế đang chịu sự chi phối chặt chẽ của quy luật cạnh tranh.

58 Pháp luật về biển của Trung Quốc dưới góc nhìn của Luật Quốc tế / Ngô Hữu Phước // .- 2023 .- Số 11 (171) - Tháng 11 .- Tr. 86-99 .- 340

Bài viết này nghiên cứu so sánh Tuyên bố về Đường cơ sở năm 1996, Luật Hải Cảnh năm 2021, Luật An toàn hàng hải năm 2021 của Trung Quốc với quy định của luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để chỉ ra những quy định vi phạm pháp luật quốc tế của các văn bản nói trên. Đồng thời, kiến nghị một số giải pháp nhằm vô hiệu hóa hiệu lực của các văn bản pháp luật nói trên của Trung Quốc, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và quyền tự do hàng hải, tự do hàng không của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

59 Chuyển đổi số hoạt động Tố tụng dân sự của tòa án - bài học kinh nghiệm từ hệ thống hồ sơ điện tử của tòa án Anh và xứ Wales / Nguyễn Thế Hà, Hứa Vĩnh Phúc // .- 2023 .- Số 11 (171) - Tháng 11 .- Tr. 100-113 .- 340

Trong bối cảnh Việt Nam thúc đẩy chương trình chuyển đổi số quốc gia, việc tham khảo kinh nghiệm triển khai của Tòa án Anh và xứ Wales trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu khi thực hiện các thủ tục tố tụng trực tuyến; đồng thời ứng dụng máy học/trí tuệ nhân tạo trong quá trình phân loại, sắp xếp hồ sơ, phân tích nội dung bản án nhằm nâng cao khả năng dự báo khi cơ quan xét xử xử lý vụ án là rất hữu ích. Bài viết này đưa ra hai nhóm khuyến nghị: (i) đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tố tụng dân sự; (ii) xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lực của hệ thống, nhân sự chuyển đổi số của Tòa án.

60 Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa những yếu tố tác động và vấn đề đặt ra / Đỗ Đức Minh // .- 2024 .- Số (1+2) - Tháng (1+2) .- Tr. 26-32 .- 340

Bài viết tập trung nhận diện, phân tích, luận giải những yếu tố tác động đối với tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ các phương diện truyền thống lịch sử và hiện tại; làm rõ những yếu tố tác động tích cực cũng như lực cản và yêu cầu đặt ra đối với tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, cung cấp góc nhìn và chỉ ra những yêu cầu để tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam trên nền tảng hiện thực, tự giác và hiệu quả.`