CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Luật

  • Duyệt theo:
31 Quyền làm việc của người khuyết tật trong bối cảnh phát triển kinh tế số ở Việt Nam / Trần Thị Thúy Lâm // .- 2023 .- Số 12 .- Tr. 66-76 .- 340

Là nhóm xã hội dễ bị tổn thương, người khuyết tật cần được nhà nước và các chủ thể khác bảo đảm quyền bình đẳng về cơ hội thụ hưở ng tất cả các quyền con người, trong đó có quyền làm việc. Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số hiện nay đã đặt ra yêu cầu bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật ở Việt Nam có những thay đổi mới . Nhiều nghề nghiệp mới xuất hiện và sự giảm dần của các nghề nghiệp cũng như cách tuyển dụng truyền thống có thể tạo ra nguy cơ không có việc làm đối với mọi người và càng trở thành vấn đề thách thức hơn đối với người khuyết tật. Nhận diện người khuyết tật là lực lượng lao động quan trọng và thành phần không thể thiếu của nền kinh tế, bài viết phân tích những thuận lợi, thách thức và đưa ra một số giải pháp trong việc bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật trong bối cảnh phát triển kinh tế số ở Việt Nam hiện nay.

32 Hạn chế của các phương pháp định giá đất tính bồi thường và giải pháp hoàn thiện / Phan Trung Hiền, Nguyễn Đắc Thắng // .- 2023 .- Số 12 .- Tr. 77-90 .- 340

Bài viết phân tích các vấn đề lí luận và thực tiễn về định giá đất khi nhà nước thu hồi đất trên cơ sở làm rõ tiêu chí cần đảm bảo của các phương pháp định giá đất tính bồi thường theo giá thị trường. Khác với định giá đất trong các lĩnh vực khác, định giá đất trong thu hồi đất là một chế định pháp lí đặc thù khi tồn tại đồng thời cả hai quan hệ hành chính và dân sự trong quá trình xác định giá trị thị trường của đất đai. Do đó, cần có một cơ chế pháp lí không những phải đảm bảo tính khách quan về mặt kĩ thuật định giá theo thị trường mà còn phải đảm bảo tính khả thi về mặt hành chính. Qua đó, bài viết đề xuất các giải pháp như sau: 1) Chỉ ra các phương pháp phù hợp trong xác định giá đất tính bồi thường khi nhà nước thu hồi đất; 2) Đề xuất giải pháp đảm bảo tính chính xác của cơ sở dữ liệu đất đai ở Việt Nam; 3) Đề xuất thay đổi cách tiếp cận của pháp luật hợp đồng Việt Nam về hiệu lực pháp lí của giao dịch “giả tạo” nhằm thúc đẩy sự minh bạch của thị trường đất đai nói chung và bất động sản nói riêng; 4) Đưa ra các gợi mở về mặt cơ chế nhằm bảo đảm tính khả thi khi xây dựng khung pháp lí về xác định giá tính bồi thường trên cơ sở của quan hệ hành chính - dân sự.

33 Đảm bảo việc tuân thủ nghĩa vụ của quốc gia thành viên theo các điều ước môi trường đa phương / Phạm Hồng Hạnh // .- 2023 .- Số 12 .- Tr. 91-107 .- 340

Nguyên tắc Pacta sunt servanda quy định cho các quốc gia nghĩa vụ phải tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế. Nhằm tăng cường hiệu quả trong việc tuân thủ các điều ước quốc tế về môi trường, nhiều điều ước đã có những quy định về cơ chế đảm bảo việc tuân thủ nghĩa vụ của các quốc gia thành viên với mục đích để đánh giá quá trình tuân thủ các điều khoản trong điều ước cũng như cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho các thành viên gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Nội dung bài viết nhằm làm rõ cơ chế đảm bảo tuân thủ được quy định phổ biến hiện nay trong các điều ước quốc tế môi trường đa phương cũng như xem xét hiệu quả trên thực tế của cơ chế này.

34 Các tiếp cận lí luận đối với việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và hình phạt đối với pháp nhân trên thế giới / Đỗ Nhật Ánh // .- 2023 .- Số 12 .- Tr. 108-120 .- 340

Trách nhiệm hình sự và hình phạt luôn song hành với nhau, là mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng trong thể hiện chính sách hình sự của nhà nước ta đối với tội phạm. Các học giả tiên phong trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu theo các hướng khác nhau để từ đó hình thành các thuyết có tính chất làm nền tảng, cơ sở cho việc xây dựng những điều luật về trách nhiệm hình sự, hình phạt áp dụng đối với pháp nhân trong văn bản pháp luật hình sự. Bài viết đề cập các học thuyết - cơ sở lí luận của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, hình phạt đối với pháp nhân trên thế giới.

35 Thực trạng và một số khuyến nghị hoàn thiện pháp luật về chia di sản thừa kế theo di chúc theo Bộ luật Dân sự năm 2015 / Nguyễn Nhật Huy // .- 2023 .- Số 11 .- Tr. 36-50 .- 340

Phân chia di sản thừa kế theo di chúc là hoạt động do chủ thể được trao quyền hoặc có thẩm quyền thực hiện theo các nguyên tắc nhất định nhằm chia di sản thừa kế theo di chúc theo những cách thức khác nhau, phù hợp với căn cứ phân chia mà luật quy định, đồng thời nhằm xác lập quyền sở hữu đối với di sản thừa kế sau khi đã thực hiện nghĩa vụ tài sản từ di sản, chấm dứt tình trạng nhiều người cùng có quyền được hưởng di sản từ một hoặc nhiều tài sản do người chết để lại. Bài viết phân tích thực trạng pháp luật về chia di sản thừa kế theo di chúc liên quan đến: 1) việc thanh toán nghĩa vụ về tài sản; 2) việc xác định kỉ phần của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc và việc trích trừ để bù đủ kỉ phần của những người này; qua đó, bài viết đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật cho vấn đề này.

36 Xây dựng cơ chế bảo hộ riêng đối với dữ liệu lớn nằm ngoài quyền tác giả - Kinh nghiệm của EU / Lê Thị Minh // .- 2023 .- Số 11 .- Tr. 51-63 .- 340

Dữ liệu lớn (Big Data) có vai trò quan trọng trong thời đại kĩ thuật số và có khả năng được bảo hộ dưới góc độ quyền tác giả theo Công ước Bern, Hiệp định TRIPS và Hiệp ước WCT. Tuy nhiên, không phải dữ liệu lớn nào cũng có thể được bảo hộ vì hai lí do: 1) Bản quyền chỉ bảo hộ trật tự sắp xếp của toàn bộ cơ sở dữ liệu, không bảo hộ thông tin thuần tuý trong cơ sở dữ liệu và 2) Dữ liệu lớn gặp khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn về tính sáng tạo, tính định hình. Điều này làm ảnh hưởng đến kết quả đầu tư của người sản xuất dữ liệu lớn. Bài viết phân tích Chỉ thị cơ sở dữ liệu của EU trong việc tạo ra quyền riêng (Sui Generis) đối với cơ sở dữ liệu, khắc phục những hạn chế của bản quyền trong việc bảo hộ cơ sở dữ liệu. Từ đó, bài viết gợi mở khuyến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong việc xây dựng quyền riêng để bảo vệ dữ liệu lớn.

37 Pháp luật Việt Nam về bảo hiểm xã hội tự nguyện và một số kiến nghị hoàn thiện / Phạm Thị Thúy Nga // .- 2023 .- Số 11 .- Tr. 64-77 .- 340

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một bộ phận cấu thành hệ thống an sinh xã hội của quốc gia. Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện góp phần hoàn thiện chính sách an sinh xã hội. Hiện nay pháp luật về bảo hiểm xã hội tự nguyện Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực. Trong thời gian qua, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng nhanh nhưng độ bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn thấp, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng. Trên cơ sở phân tích thực trạng quy định pháp luật và những vướng mắc chủ yếu trong thực tiễn thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội tự nguyện, bài viết đề xuất kiến nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) về bảo hiểm xã hội tự nguyện.

38 Pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam - Một số bất cập và hướng hoàn thiện / Nguyễn Thị Tình // .- 2023 .- Số 11 .- Tr. 78-92 .- 340

Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng sạch, tự nhiên, liên tục được bổ sung, tái sử dụng vô hạn, như năng lượng từ mặt trời, gió, nước, địa nhiệt, sinh khối, nhiên liệu sinh học… Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, cùng với việc thực hiện mục tiêu của Paris COP21 là đảm bảo sự tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu từ nay đến năm 2100 ở mức dưới 2°C, việc đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo, từng bước thay thế dần nguồn năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch (than, dầu, khí) - nguyên nhân phát ra 2/3 lượng khí nhà kính (CO2) là một trong những biện pháp trọng yếu mà Việt Nam và quốc tế đang theo đuổi. Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo buộc phải có sự thay đổi về chính sách, pháp luật, công nghệ..., trong đó pháp luật là một trong những yếu tố mang tính chất bản lề, tạo tiền đề cho hoạt động đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo tại mỗi quốc gia. Bài viết giới thiệu hiện trạng hệ thống pháp luật về năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay và những vướng mắc pháp lí cần tháo gỡ để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới ở Việt Nam.

39 Thúc đẩy ngân sách giới – Cơ sở để triển khai nguyên tắc bình đẳng giới trong Luật Ngân sách / Nguyễn Thị Thanh Tú // .- 2023 .- Số 11 .- Tr. 93-105 .- 340

Lập ngân sách có trách nhiệm giới (gender responsive budget) hay ngân sách giới (gender budgeting) được xác định là chìa khoá để thúc đẩy bình đẳng giới và hiện đang được á p dụng tại hơn 100 quốc gia, trở thành một công cụ được quốc tế thừa nhận để đạt được bình đẳng giới. Năm2015, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Ngân sách nhà nước, xác định bình đẳng giới là một trong những nguyên tắc cơ bản trong quản lí và chi tiêu của ngân sách nhà nước (Điều 8). Tuy nhiên, việc thực thi nguyên tắc vẫn còn nhiều thách thức do hạn chế về năng lực của các bên liên quan về ngân sách giới cũng như thiếu các hướng dẫn chi tiết. Bài viết giới thiệu về ngân sách giới, đánh giá thuận lợi, khó khăn trong á p dụng tại Việt Nam, từ đó đưa ra một số khuyến nghị trong pháp luật ngân sách, quy định liên quan và khuyến nghị khác nhằm thúc đẩy thực hiện ngân sách giới tại Việt Nam.

40 Các giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về tiêu hủy rác thải tại các khu dân cư trên địa bản tỉnh Vĩnh Phúc / Vũ Thị Duyên Thủy // .- 2023 .- Số 11 .- Tr. 106-116 .- 340

Áp dụng pháp luật về tiêu hủy rác thải tại các khu dân cư là một trong những vấn đề cần thiết nhưng khá phức tạp. Trên phạm vi cả nước nói chung và tại tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, hoạt động này đang gặp phải nhiều khó khăn nên hiệu quả chưa đạt được như kì vọng. Bài viết đề xuất một số giải pháp cho tỉnh Vĩnh Phúc nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về tiêu hủy rác thải tại các khu dân cư như: phát triển điện rác, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động tiêu hủy rác thải tại các khu dân cư hay thực hiện lộ trình hạn chế tiêu hủy rác thải bằng phương pháp chôn lấp.