CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Y

  • Duyệt theo:
1491 Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình / Bùi Mỹ Hạnh [et al.] // .- 2019 .- Số 121(5) .- Tr. 39-47 .- 610

Huyết khối tĩnh mạch sâu là một biến chứng hay gặp sau phẫu thuật chỉnh hình. Nghiên cứu nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và phân tích các yếu tố nguy cơ đối với huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới (HKTMSCD) sau phẫu thuật chỉnh hình. Đối tượng nghiên cứu là người bệnh từ 18 tuổi trở lên, được chỉ định phẫu thuật chỉnh hình tại bệnh viện Bạch Mai trong thời gian từ tháng 8/2017 đến 6/2018. Kết quả cho thấy tỷ lệ mắc HKTMSCD là 7/97 người (chiếm 7,2%). Các triệu chứng lâm sàng như đau một bên chân (100%), ban đỏ (83,6%), sưng nề chi (57,1%). Nồng độ trung bình của D-dimer trước phẫu thuật, sau phẫu thuật nhóm HKTMSCD cao hơn nhóm không mắc HKTMSCD. Thời gian thromboplastin hoạt hóa từng phần (APTT) nhóm HKTMSCD thấp hơn nhóm không mắc HKTMSCD trước phẫu thuật, tuy nhiên lại cao hơn nhóm không mắc HKTMSCD sau phẫu thuật, p>0,05. Tuổi cao, tình trạng bất động, thời gian phẫu thuật kéo dài là yếu tố nguy cơ cao cho sự xuất hiện của HKTMSCD ở người bệnh sau phẫu thuật chỉnh hình.

1492 Đặc điểm lâm sàng cận lâm sàng của sụn chêm hình đĩa và kết quả phẫu thuật tạo hình sụn chêm hình đĩa qua nội soi khớp gối / Nguyễn Đình Hiếu, Trần Trung Dũng, Nguyễn Văn Nam // .- 2019 .- Số 121(5) .- Tr. 48-55 .- 610

Sụn chêm hình đĩa là một bất thường bẩm sinh trong việc hình thành sụn chêm khớp gối. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên, thường gặp sụn chêm ngoài hình đĩa. Đánh giá kết quả tạo hình sụn chêm qua nội soi của 50 bệnh nhân tại bệnh viện Việt Đức được chẩn đoán sụn chêm hình đĩa từ năm 2011-2016 cho kết quả: Tuổi trung bình của bệnh nhân là 22, tỷ lệ nữ : nam là 0,28 : 1. 58% bệnh nhân đi khám bệnh vì đau khớp gối, 100% bệnh nhân là sụn chêm ngoài hình đĩa, 34 bệnh nhân có tổn thương rách sụn chêm kèm theo trong đó có 27 bệnh nhân rách sụn chêm đơn thuần, 7 bệnh nhân rách sụn chêm kèm đứt dây chằng. Thời gian nằm viện trung bình là 4,8 ngày. Đánh giá thang điểm Lysholm tại thời điểm nghiên cứu cho kết quả 56% đạt rất tốt, 42% đạt tốt, 2% đạt kết quả trung bình, không có bệnh nhân đạt kết quả kém.

1493 Ảnh hưởng của liều thuốc khởi điểm của Sorafenib trong điều trị ung thư gan nguyên phát / Nguyễn Thị Thu Hường, Lê Văn Quảng // .- 2019 .- Số 121(5) .- Tr. 56-63 .- 610

Sorafenib được chỉ định điều trị hàng đầu trong ung thư gan nguyên phát (UTGNP) không có chỉ định can thiệp tại chỗ. Trong thực tế điều trị liều thuốc khởi điểm của sorafenib dao động từ 400 đến 800 mg/ngày tuỳ thuộc tình trạng bệnh và kinh nghiệm bác sĩ điều trị. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá sự ảnh hưởng liều thuốc khởi điểm tới kết quả điều trị. Nghiên cứu mô tả hồi cứu, tiến cứu trên 110 bệnh nhân UTGNP điều trị tại bệnh viện K và bệnh viện Đại học Y Hà nội từ 1 - 2010 đến 31 - 11 - 2018. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa liều chuẩn 800 mg so với dưới 800mg/ngày: tỷ lệ kiểm soát bệnh (63,3% vs 57,5%, p > 0,05), PFS trung vị 6,2 tháng vs 5,6 tháng, HR = 1,414 (95%CI 0,739 - 2,704), OS trung vị 10,4 tháng so với 6,2 tháng, HR = 0,959 (95%CI 0,501 - 1,835). Độc tính phản ứng da tay chân, tăng huyết áp và tỷ lệ giảm phải giảm liều thuốc do độc tính cao hơn có ý nghĩa ở nhóm điều trị liều khởi điểm 800 mg/ngày.

1494 So sánh hiệu quả và an toàn của thuốc Rivaroxaban với phác đồ tiêu chuẩn (Enoxaparin/Vka) trong điều trị huyết khối tĩnh mạch / Bùi Mỹ Hạnh, Nguyễn Trường Sơn, Phạm Thanh Việt // .- 2019 .- Số 121(5) .- Tr. 64-71 .- 610

Thuốc chống đông máu đường uống thế hệ mới - rivaroxaban bước đầu cho thấy sự hiệu quả, dễ dàng sử dụng mà ít phải theo dõi bằng xét nghiệm so với các phương pháp điều trị truyền thống khi điều trị cho người bệnh mắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới (HKTMSCD) và tắc mạch phổi (TMP). Nghiên cứu can thiệp, tiến cứu so sánh hiệu quả và độ an toàn của thuốc uống rivaroxaban (15 mg hai lần mỗi ngày trong 3 tuần, sau đó là 20 mg mỗi ngày một lần) với liệu pháp tiêu chuẩn (enoxaparin 1,0 mg / kg hai lần mỗi ngày kết hợp chất đối kháng vitamin K). Người bệnh được điều trị trong 1-3 tháng và được theo dõi để phát hiện ca nghi ngờ HKTM tái phát và chảy máu. Tổng cộng có 187 người bệnh HKTM được đưa vào nghiên cứu. 83 người bệnh đã được cho dùng rivaroxaban và 104 người bệnh nhận enoxaparin kết hợp chất đối kháng vitamin K (VKA). HKTM tái phát xảy ra ở 3 (3,6%) người bệnh được điều trị bằng rivaroxaban so với 5 (4,8%) người bệnh ở nhóm điều trị chuẩn (OR: 0,74, KTC 95%, 0,17 đến 3,20, p> 0,05). Chảy máu lớn được phát hiện ở 1 (1,8%) và 4 (3,9%) người bệnh trong nhóm điều trị bằng rivaroxaban và enoxaparin tương ứng (OR: 0,30, KTC 95%, 0,03 đến 2,76, p> 0,05). Kết quả của nghiên cứu này ở những người bệnh Việt Nam bị HKTMS và/hoặc TMP cấp tính cho thấy hiệu quả và an toàn tương tự của rivaroxaban so với phác đồ enoxaparin kết hợp VKA, phù hợp với những kết quả nghiên cứu trên thế giới.

1495 Mối liên quan giữa tình trạng quá mẫn với dị nguyên hô hấp và hen phế quản / Lê Thị Lan Thủy, Nguyễn Văn Đoàn, Hoàng, Thị Lâm // .- 2019 .- Số 121(5) .- Tr. 72-80 .- 610

Mục tiêu nghiên cứu là xác định mối liên quan giữa tình trạng quá mẫn với dị nguyên hô hấp và một số yếu tố liên quan ở bệnh nhân hen phế quản. Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên 85 bệnh nhân hen được khám và điều trị tại Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai sử dụng test lẩy da. Kết quả có thấy test lẩy da dương tính với 4 dị nguyên chiếm tỷ lệ cao nhất (22,35%), trong đó chủ yếu dương tính với dị nguyên bọ Blomia 54,76%; bọ Glycyphagus Domesticus 50,88%; bọ nhà Dermatophagoides Farinae 50%; bọ nhà 49,37%; bọ nhà Dermatophagoides Pteronyssinus 48,81%) và ở nam giới ≤ 40 tuổi (77,27%; 22,73%). Không có sự khác biệt về tỷ lệ test lẩy da với mức độ nặng của cơn hen. Test lẩy da dương tính ở nhóm bệnh nhân hen có tiền sử viêm mũi dị ứng cao hơn nhóm bệnh nhân hen không có tiền sử viêm mũi dị ứng (37,65%; 24,71%). Kết luận: Bệnh nhân hen phế quản có kết quả test lẩy da dương tính nhiều nhất với 4 dị nguyên đường hô hấp, chủ yếu là dị nguyên bọ nhà.

1496 Khảo sát một số yếu tố nguy cơ của huyết khối tĩnh mạch ở người bệnh sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình / Bùi Mỹ Hạnh, Đào Xuân Thành, Nguyễn Hoàng Hiệp, Đoàn Việt Quân // .- 2019 .- Số 121(5) .- Tr. 81-88 .- 610

Huyết khối tĩnh mạch (HKTM) là một trong những biến chứng phổ biến ở người bệnh phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tỷ lệ HKTM sau phẫu thuật và các yếu tố nguy cơ HKTM thông qua hệ thống tính điểm nguy cơ Caprini hiệu chỉnh. Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên 572.560 người bệnh phẫu thuật chấn thương chỉnh hình từ 1/2017 đến 12/2018. Các người bệnh được đánh giá điểm nguy cơ trước phẫu thuật theo thang điểm Caprini hiệu chỉnh và được theo dõi trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật. Có 780 người bệnh được chẩn đoán mắc HKTM sau phẫu thuật trong vòng 30 ngày. Nguy cơ mắc HKTM tăng 4,62 lần ở người bệnh điểm Caprini hiệu chỉnh 3 - 4, 9,51 lần ở người bệnh điểm 5 - 6, 5,22 lần ở người bệnh điểm 7 - 8 và 13,52 lần ở người bệnh điểm > 8 so với người bệnh điểm Caprini 0-2. Tổng số điểm Caprini hiệu chỉnh càng cao thì nguy cơ mắc HKTM sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình càng tăng. Việc phân loại thêm người bệnh trong nhóm nguy cơ cao nhất cần được tiến hành để đưa ra phương pháp dự phòng huyết khối thích hợp hơn.

1497 Rối loạn khả năng chú ý trong giai đoạn trầm cảm ở bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực / Nguyễn Viết Chung, Nguyễn Văn Tuấn // .- 2019 .- Số 121(5) .- Tr. 89-96 .- 610

Rối loạn khả năng chú ý trong giai đoạn trầm cảm ở bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực thường gặp và đa dạng, trong thực hành lâm sàng hiện nay còn chưa được quan tâm và đánh giá đúng mức; Chúng tôi thực hiện nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 34 bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện giai đoạn trầm cảm điều trị nội trú tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia từ 9/2017 tới 8/2018 với mục tiêu nghiên cứu mô tả đặc điểm lâm sàng rối loạn khả năng chú ý trong giai đoạn trầm cảm ở bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Kết quả thu được: tỷ lệ rối loạn duy trì chú ý (73,5%), rối loạn di chuyển chú ý (59,4%), rối loạn tập trung chú ý (44,1%). Rối loạn gặp nhiều hơn trên nhóm bệnh nhân trầm cảm mức độ nặng, trên 2 giai đoạn trầm cảm trong quá khứ. Sự suy giảm chú ý đạt thuyên giảm hoàn toàn sau điều trị; Rối loạn khả năng duy trì chú ý thường gặp nhất, rối loạn chú ý thường gặp hơn ở các bệnh nhân có trên 2 giai đoạn trầm cảm trong quá khứ, trầm cảm mức độ nặng.

1498 Hiệu quả dán lên mặt dán sứ thủy tinh của hệ thống dán không sử dụng Acid Hydrofluoric / Trương Mai Vân, Trần Xuân Vĩnh // .- 2019 .- Số 121(5) .- Tr. 97-102 .- 610

Nghiên cứu đánh giá hiệu quả dán lên mặt dán sứ thủy tinh của hệ thống dán không sử dụng acid hydrofluoric (HF) qua thử nghiệm độ bền dán trượt và quan sát bề mặt xoi mòn.(i) 20 đĩa sứ lithium disilicate (IPS e.max Press) chia thành 2 nhóm (n=10): (A) xoi mòn với HF 4.5% sau đó sử dụng Monobond N (Ivoclar Vivadent); (B) sử dụng Monobond Etch & Prime (Ivoclar Vivadent). Độ bền dán trượt giữa xi măng và sứ được đánh giá bằng máy đo lực đa năng. (ii) 4 đĩa sứ lithium disilicate (IPS e.max Press) chia thành 2 nhóm như trên (n=2) quan sát dưới kính hiển vi điện tử quét sau khi xử lý bề mặt. Số liệu được phân tích bằng phép kiểm ANOVA (p<0.05). Kết quả cho giá trị độ bền dán trượt của nhóm A (30.67±2.17 MPa) lớn hơn nhóm B (23.27± 2.34 MPa), khác biệt có ý nghĩa thống kê. Nhóm Monobond Etch & Prime cho bề mặt xoi mòn nhẵn hơn nhóm HF+ Monobond N. Tóm lại, hệ thống dán không sử dụng acid hydrofluoric cho hiệu quả dán thấp hơn hệ thống dán có sử dụng acid hydrofluoric.

1499 Mô hình dự báo sớm dịch sốt xuất huyết dựa vào Google Trends tại Thành Phố Hồ Chí Minh / Trần Ngọc Đăng, Lê Vĩnh Phát // .- 2019 .- Số 121(5) .- Tr. 103-111 .- 610

Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là một bệnh truyền nhiễm tác nhân do vi rút truyền qua côn trùng phổ biến nhất. Mục tiêu của nghiên cứu là sử dụng nguồn dữ liệu lưu lượng tìm kiếm Google Trends index (GTI) xây dựng thành một mô hình có khả năng dự báo sớm dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM nhằm mục đích hỗ trợ cho công tác giám sát và phòng chống dịch ở khu vực được thêm hiệu quả. Sử dụng phương pháp so sánh tương quan để ước tính mối liên hệ giữa GTI tra cứu với cụm từ “sốt xuất huyết” và dữ liệu số mắc SXHD tại TP.HCM, sau đó xây dựng một số mô hình dự đoán bằng hồi quy quasi-Poisson kết hợp những phép điều chỉnh nhằm loại bỏ sự tự tương quan của số liệu. Nghiên cứu đã cho thấy GTI tương quan cao với số mắc sốt xuất huyết với r2 = 0,74 và mô hình cuối cùng được chọn có khả năng dự đoán dịch SXHD tốt với độ chính xác là 87%, độ nhạy là 92,3% và độ đặc hiệu là 87%. Mô hình dự báo của chúng tôi cho thấy nguồn dữ liệu Google Trends rất có tiềm năng trong việc theo dõi và kiểm soát dịch SXHD ở TP.HCM. Những nghiên cứu sâu hơn nữa nhằm đánh giá tính hiệu quả của mô hình trong bối cảnh thực tế cần được thực hiện trong tương lai.

1500 Thực trạng xét nghiệm HIV và một số yếu tố liên quan trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tại Hà Nội năm 2017 / Nguyễn Khắc Hưởng, Vũ Thị Bích Hồng, Lê Minh Giang, Lê Thị Hường // .- 2019 .- Số 121(5) .- Tr. 112-122 .- 610

Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện nhằm mô tả thực trạng xét nghiệm HIV cũng như một số yếu tố liên quan đến xét nghiệm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tại Hà Nội. Chọn mẫu theo phương pháp thời gian - địa điểm (TLS) với số liệu thu thập qua phỏng vấn trực tiếp bằng bộ câu hỏi cấu trúc trên 801 đối tượng nam tuổi từ 16 trở lên, sống tại Hà Nội ít nhất 3 tháng. Kết quả nghiên cứu cho thấy: 55,68% đã từng xét nghiệm HIV trong quá khứ; 44,32% chưa từng xét nghiệm. Nơi xét nghiệm HIV lần gần nhất của đối tượng là bệnh viện, tại cộng đồng, phòng khám ngoại trú,…Các lý do phổ biến khiến MSM không làm xét nghiệm HIV: tự cảm thấy không có nguy cơ nhiễm HIV, không có thời gian, không có tiền, sợ kết quả dương tính, kỳ thị từ nhân viên y tế… Có mối liên quan giữa một số yếu tố (nhân khẩu học, thu nhập, thời gian sống tại Hà Nội, tự kỳ thị, sử dụng rượu/bia, các chất gây nghiện…) với khả năng chưa từng xét nghiệm HIV của MSM (p < 0,05). Chưa làm xét nghiệm HIV còn khá phổ biến trong nhóm MSM ở Hà Nội xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Các phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết có các chiến lược giáo dục, tuyên truyền về tầm quan trọng của xét nghiệm HIV cũng như các chương trình can thiệp nên được mở rộng và nhắm đúng mục tiêu, tập trung vào việc giảm đáng kể số lượng MSM chưa từng xét nghiệm HIV ở Hà Nội.