CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

chủ đề: Sinh học

  • Duyệt theo:
1 Chế tạo khẩu trang phân hủy sinh học từ sợi lá chuối bằng phương pháp ép nhiệt / Văng Hoài Ân, Trần Quốc Viển, Lê Phúc Như, Huỳnh Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Vũ Việt Linh/ // .- 2023 .- Số 7 .- Tr. 31-36 .- 610

Khẩu trang y tế từ các sợi không dệt polypropylene được sử dụng phổ biến để ngăn sự lây lan của virus corona và các chủng virus khác. Tuy nhiên, rác thải từ khẩu trang lại gây ra vấn đề ô nhiễm vi nhựa, tác động tiêu cực đến môi trường và con người. Để giảm lượng khẩu trang y tế sử dụng, khẩu trang phân hủy sinh học từ lá chuối khô là một giải pháp tiềm năng vì sợi lá chuối có hàm lượng cellulose cao và là nguồn nguyên liệu dồi dào ở Đông Nam Á. Nghiên cứu này dùng phương pháp ép nhiệt để chế tạo các màng cellulose từ lá chuối đã xử lý hóa học với NaOH và H2O2 (hydro peroxide). Màng cellulose này được thiết kế thành sản phẩm khẩu trang để sử dụng. Tính chất của màng sợi lá chuối bao gồm cơ tính, khả năng hấp thụ nước, khả năng phân hủy sinh học, độ pH được phân tích và đánh giá.

2 Kế toán về đo lường tài sản sinh học lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam / Nguyễn Thị Hồng Vân // .- 2023 .- Số 797 .- Tr. 116-118 .- 657

Bài viết này tập trung vào phân tích các quy định kế toán hiện hành của Việt Nam về đo lường tài sản sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp để thấy được những bất cập còn tồn tại khi mà Việt Nam chưa có chuẩn mực kế toán riêng cho lĩnh vực nông nghiệp.

3 Đặc điểm sinh học và hoạt tính kháng vi khuẩn gram dương của Microbacterium sp. C21 phân lập từ đất / Nguyễn Mạnh Tuấn, Trương Phúc Hưng, Trần Minh Hằng, Trần Văn Tiến // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 64 .- Tr. 16-21 .- 540

Phần lớn kháng sinh thương mại có nguồn gốc từ Streptomyces. Việc tìm kiếm các nguồn gen tiềm năng mới (không thuộc Streptomyces) sản sinh hoạt chất kháng khuẩn được đặt ra nhằm ngăn chặn sự kháng thuốc bởi các vi khuẩn gây bệnh hiện nay. Chủng C21 được phân lập từ đất, khuẩn lạc nhỏ (kích thước 0,8-1,2 mm) trên môi trường Intensive soil extract medium (ISEM). Phân tích trình tự gen 16S rRNA cho thấy, chủng C21 thuộc vi khuẩn khó nuôi cấy và được coi là ứng viên loài mới thuộc chi Microbacterium. Ngoại trừ môi trường R2A, chủng C21 chỉ có khả năng sinh trưởng trong môi trường nghèo dinh dưỡng như NB/3, TSB/10 và R4/10. N-acetylglucosamine, maltose, D-glucose, L-proline, L-rhamnose, inositol, sodium acetate và axit 3-hydroxybutyric là những nguồn cacbon phù hợp cho chủng C21 sinh trưởng. Hoạt chất kháng khuẩn tách chiết từ dịch lên men của chủng C21 có khả năng ức chế ở nồng độ 16 µg/ml đối với Enterococcus faecalis CCARM 5168, 8 µg/ml đối với E. faecalis CCARM 5171, 32 µg/ml đối với E. faecalis CCARM 5024, 64 µg/ml đối với E. faecium CCARM 5025, 32 µg/ml đối với Streptococcus agalactiae CCARM 4504 và 8 µg/ml đối với S. pyogenes CCARM 4520. Kết quả của nghiên cứu là cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo về tìm kiếm các hoạt chất kháng khuẩn tiềm năng từ vi khuẩn khó nuôi cấy.

4 Ảnh hưởng của kỹ thuật trích ly đến hoạt tính sinh học cao nấm Linh chi (Ganoderma lucidum) giàu polysaccharide / Nguyễn Thị Kim Ngân, Ngô Thị Thùy Linh, Trần Đỗ Đạt, Nguyễn Đức Việt, Hoàng Minh Nam, Mai Thanh Phong, Nguyễn Hữu Hiếu // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 64 .- Tr. 32-37 .- 664.02

Trong nghiên cứu này, cao nấm Linh chi giàu polysaccharide (PS) được thu nhận bằng nhiều kỹ thuật trích ly khác nhau như: nước nóng (hot water extraction - HWE), nước nóng có hỗ trợ siêu âm (ultrasonic-assisted hot water extraction - UHWE), enzyme (enzyme-assisted extraction - EAE) và enzyme có hỗ trợ siêu âm (ultrasonic-assisted enzyme extraction - UAEE). Tổng hàm lượng PS cao nhất là 3,721±0,134% đối với UAEE, cao hơn so với HWE (1,783±0,156%), UHWE (1,886±0,148%) và EAE (2,133±0,139%). Cao nấm Linh chi được thử nghiệm hoạt tính kháng ôxy hóa với gốc tự do 2,2-diphenyl-1-1picrylhydrazyl (DPPH) và năng lực khử sắt. Hoạt tính kháng khuẩn của cao trích được đánh giá qua thông số nồng độ ức chế 50% (IC50). Khả năng bắt gốc tự do DPPH của cao nấm trích bằng kỹ thuật UAEE đạt 42,334%, đồng thời kết quả khảo sát năng lực khử sắt cho thấy, khả năng khử của cao trích bằng UAEE tốt hơn so với 3 kỹ thuật trích ly HWE, UHWE và EAE. Ngoài ra, cao nấm Linh chi trích ly bằng UAEE thể hiện hoạt tính kháng khuẩn đối với Bacillus cereus, Bacillus subtilis và Staphylococcus aureus với IC50 trong khoảng 0,069-0,096 g/ml.

5 Sàng lọc và nghiên cứu khả năng sinh tổng hợp lignin peroxidase (LIP) từ nấm trên môi trường lên men lỏng / Vũ Đình Giáp, Đặng Thu Quỳnh, Đỗ Hữu Nghị // Công nghệ Sinh học .- 2021 .- Số 4(Tập 19) .- Tr. 771-778 .- 570

Phân tích sàng lọc và nghiên cứu khả năng sinh tổng hợp lignin peroxidase (LIP) từ nấm trên môi trường lên men lỏng. Nấm lớn được biết đến có khả năng sinh tổng hợp nhiều enzyme khác nhau như enzyme thủy phân ngoại bào và oxy hóa để tấn công hiệu quả các cấu trúc lignocellulose trong thành tế bào thực vật. Enzyme có khả năng oxy hóa các hợp chất có tiềm năng oxy hóa các hợp chất có tiềm năng oxy hóa khử cao khi có mặt H2O2 dẫn đến quá trình oxy hóa electron các hợp chất khác nhau bao gồm phenol, amin thơm. Thông qua phản ứng trùng hợp, các hợp chất có vòng phenol giảm khả năng phản ứng và độ hòa tan, do đó làm giảm độc tính. Vì vậy, LiP được ứng dụng để làm sạch nguồn chất thải có hàm lượng phenol cao và độc tố phenol halogen với thành phần chính là các hợp chất hydroxyl phenol.

6 Phân tích liên kết toàn hệ gen về khả năng hấp thụ phosphate trong điều kiện tự nhiên ở các giống lúa bản địa của Việt Nam / Mai Thị Phương Nga, Lê Quốc Khang, Chu Thị Quỳnh Anh, Tô Thị Mai Hương // Công nghệ Sinh học .- 2022 .- Số 4(Tập 19) .- Tr. 677-686 .- 570

Trình bày phân tích liên kết toàn hệ gen về khả năng hấp thụ phosphate trong điều kiện tự nhiên ở các giống lúa bản địa của Việt Nam. Phốt pho là một trong ba nguyên tố dinh dưỡng đa lượng bậc nhất đối với quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây trồng. Tuy nhiên, việc lạm dụng phân bón Phosphate (Pi) gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đất, nước, đồng thời làm cạn kiệt nguồn cung cấp Pi ở các mỏ tự nhiên. Điều này đã thúc đẩy những nghiên cứu chuyên sâu về chu trình Pi và cách tận dụng tối đa nguồn Pi trong đất đối với cây lúa. Nghiên cứu GWAS đã tìm được 19 đa hình đơn nucleotide (SNP), 9 tính trạng số lượng (QTL)và 22 gen ứng viên tiềm năng tham gia vào quá trình hấp thụ tự nhiên nguồn Pi ở cây lúa. Việc tìm ra những QTL và gen này có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo các giống lúa mới có khả năng hấp thụ Pi cao – là giải pháp tiềm năng cho vấn đề an ninh lương thực.

7 Alpha Fold : công nghệ của tương lai / Trần Thụy Hương Quỳnh // Khoa học và Công nghệ Việt Nam A .- 2022 .- Số 3(756) .- Tr. 54-56 .- 570

Phân tích khả năng giải quyết những thách thức về tiên đoán cấu trúc của công nghệ Alpha Fold trong tương lai. Protein là nhân tố thiết yếu cho sự sống được hình thành từ các amino axit, sau đó trải qua quá trình gấp xoắn để hình thành cấu trúc 3D phức tạp. Một số ứng dụng Alpha Fold trong thời điểm hiện tại có thể bao gồm tiên đoán một số cấu trúc protein của virut SARS-CoV-2, bao gồm protein ORF3a và gần đây nhất là ORF8. Trong tương lai gần, hiểu biết về chức năng của protein 3D giúp đào sâu vào các chức năng chưa rõ của gen mã hóa protein đó. Trong tương lai xa hơn, Alpha Fold 2 có thể được phát triển để tiên đoán mối tương tác giữa các protein và quá trình hình thành phức hợp protein, mô phỏng vật lý một cách chính xác các hệ thống sinh học (ví dụ như mô phỏng tế bào, cơ quan), vén màn các bí ẩn trong môi trường sinh học và nhân tạo.

8 Nghiên cứu đánh giá độ phong phú, tương đồng của loài ve sầu (Hemiptera : Cicadidae) ở khu vực Tây Bắc / Lưu Hoàng Yến, Phạm Hồng Thái, Bùi Thu Quỳnh // .- 2022 .- Số 1(Tập 64) .- Tr. 27-31 .- 363

Nghiên cứu đánh giá độ phong phú, tương đồng của loài ve sầu (Hemiptera : Cicadidae) ở khu vực Tây Bắc. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về các loài ve sầu thuộc họ Cicadidae, nhưng mới dừng lại ở phạm vi đánh giá đa dạng loài của một khu bảo tồn thiên nhiên, hay một vườn quốc gia thuộc vùng Tây Bắc nước ta, chưa có nghiên cứu tổng thể về đánh giá đa dạng sinh học của các loài ve sầu thuộc họ Cicadidae. Kết quả cho thấy, loài ve sầu trong họ Cicadidae có sự đa dạng cao nhất ở hệ sinh thái rừng già, giảm dần khi sang hệ sinh thái rừng phục hồi tự nhiên và thấp nhất ở hệ sinh thái rừng phục hồi nhân tạo. Thành phần loài họ Cicadidae ở đai độ cao trên 1.000m đa dạng hơn đai độ cao dưới 1.000m. Ở đai độ cao trên 1.600m, thành phần loài ít, nhưng lại là những loài đặc hữu của vùng Tây Bắc, Việt Nam.

9 Ảnh hưởng của vật liệu bao gói đến chất lượng của nấm sò (Pleurotus saijo caju) trong quá trình bảo quản / Trần Thu Hà, Trịnh Thị Mỹ Ngọc, Nguyễn Duy Trình, Nguyễn Văn Giang // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2021 .- Số 12(Tập 63) .- Tr. 34-40 .- 572

Mục đích của nghiên cứu là lựa chọn được vật liệu bao gói tối ưu nhằm hạn chế tối đa quá trình biến đổi sinh lý, sinh hóa sau thu hoạch gây nên sự suy giảm chất lượng của nấm sò (Pleurotus saijo caju) trong quá trình bảo quản. Sự mất cân bằng ở thể khí được tạo ra trong quá trình bảo quản là nguyên nhân kích hoạt một số quá trình sinh hóa (phản ứng thủy phân, hóa nâu và sự phát triển của vi sinh vật) góp phần làm hư hỏng nấm. Sử dụng vật liệu bao gói phù hợp sẽ giúp kéo dài thời gian lưu trữ và hạn chế sụt giảm chất lượng sản phẩm nấm. Bao gói MAP có thể giúp tránh một phần quá trình hóa nâu, lên men và các quá trình sinh hóa của enzyme bằng cách kiểm soát và tạo ra một trạng thái cân bằng thể khí xung quanh sản phẩm nấm.

10 Phân tích hệ gen phiên mã của tôm sú cái (Penaeus monodon) ở Việt Nam liên quan đến tình trạng sinh sản bằng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới / Nguyễn Minh Thành, Trần Thị Hải Yến, Võ Thị Minh Thư, Lê Thị Hồng Thắm, Nguyễn Văn Sáng, Nguyễn Thành Luân, Nguyễn Việt Tuấn // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2021 .- Số 12(Tập 63) .- Tr. 47-51 .- 572

Trình bày, phân tích hệ gen phiên mã của tôm sú cái (Penaeus monodon) ở Việt Nam liên quan đến tình trạng sinh sản bằng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới. Tôm sú (Penaeus monodon) là loài tôm được nuôi phổ biến ở nước ta và trên thế giới. Hiện nay, sản xuất giống tôm sú vẫn phụ thuộc vào nguồn tôm bố mẹ tự nhiên vởi vì chất lượng sinh sản của tôm tự nhiên cao hơn tôm sú gia hóa. Mục tiêu của nghiên cứu là xây dựng cơ sở dữ liệu hệ gen phiên mã của tôm sú và gia hóa, đồng thời tìm kiếm các gen tiềm năng liên quan đến tình trạng sinh sản ở buồng trứng tiền thành thục. Đây sẽ là nguồn thông tin gen chức năng giá trị có thể sử dụng cho những chương trình chọn giống nâng cao sức sinh sản của tôm sú này.