CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Môi trường & Khoa học Tự nhiên

  • Duyệt theo:
11 Tổng hợp vật liệu hỗn hợp Cu/C bằng nhiệt phân yếm khí Cu-MOF và ứng dụng làm xúc tác cho phản ứng phân hủy 4-nitrophenol / // .- 2025 .- Số 1B .- Tr. 25 - 30 .- 363.7

Vật liệu Cu-MOF được tổng hợp bằng phương pháp nhiệt dung môi qua phản ứng giữa CuCl2.2H2O và 1,4-benzenedicarboxylic acid (H2BDC) trong hệ dung môi H2O/DMF (1:1, v/v) ở 100°C trong 24 giờ. Quá trình carbon hóa vật liệu Cu-MOF ở 600°C trong dòng khí argon trong 1 giờ đã tổng hợp thành công vật liệu C@Cu-MOF. Qua phân tích phổ nhiễu xạ tia X trên bột (PXRD) cho thấy, có sự chuyển hoàn toàn các peak nhiễu xạ tương ứng với pha tinh thể của CuMOF sang peak nhiễu xạ của tinh thể đồng kim loại tương ứng với vật liệu C@CuMOF. Hình ảnh SEM của Cu-MOF minh họa các tinh thể hình kim kích thước micro. Sau khi carbon hóa, hình ảnh kính hiển vi điện tử quét (scanning electron microscope - SEM) của C@Cu-MOF cho thấy, có sự tạo thành các hạt nano đồng kim loạiphân bố trên khung sườn vật liệu. Vật liệu C@Cu-MOF tạo thành được khảo sát hoạt tính xúc tác phản ứng khử chất thải ô nhiễm 4-nitrophenol với tác nhân khử NaBH4. Kết quả được so sánh với các nghiên cứu trước đó dựa trên xúc tác nano kim loại quý và kim loại chuyển tiếp cho thấy C@Cu-MOF có hoạt tính xúc tác cao. Sau khi tái sử dụng cho ba lần phản ứng liên tiếp, hoạt tính xúc tác giảm không đáng kể (<3%), chứng tỏ xúc tác có độ bền cao.

12 Chế tạo máy lọc không khí gia đình bằng phương pháp lọc bụi ướt / // Khoa học và công nghệ Việt Nam .- 2025 .- Số 1A .- Tr. 41 - 42 .- 363

Tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng trở nên trầm trọng và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dân trên khắp thế giới. Đặc biệt ở Việt Nam, đến 6/10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất là những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà. Các thiết bị lọc không khí ở Việt Nam hiện nay hầu hết là hàng ngoại nhập, có chi phí cao, phụ kiện khó thay thế. Để góp phần giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học đã đề xuất và được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo máy lọc không khí gia đình bằng phương pháp lọc bụi ướt”, mã số UDPTCN 02/21-23. Thông qua đó, đề tài đã chế tạo thành công máy lọc không khí với chi phí thấp, vật liệu thay thế đơn giản và rẻ tiền, phù hợp với đại đa số người tiêu dùng trong nước.

13 Tổng hợp và phân tích đường cong tích phân nhiệt phát quang của LiAlO2 / Nguyễn Thị Thu Hà, Trịnh Văn Giáp, Bùi Đức Kỳ // Khoa học và công nghệ Việt Nam .- 2025 .- Số 2B .- Tr. 62 - 71 .- 621

Chế tạo vật liệu LiAlO2 bằng phương pháp sol-gel kết hợp với một loại axit hữu cơ (ethylene diamine tetraacetic acid - EDTA) đã được thực hiện. Nghiên cứu, đánh giá cấu trúc tinh thể và hình thái học của vật liệu LiAlO2 sau khi chế tạo bằng kỹ thuật nhiễu xạ tia X (XRD) và kính hiển vi điện tử quét (SEM). Phân tích, đánh giá đường cong tích phân nhiệt phát quang của vật liệu LiAlO2 bằng phương pháp giải chập áp dụng các mô hình động học bậc 1, bậc 2 và bậc tổng quát. Vật liệu LiAlO2 có cấu trúc đơn pha gamma khi được nung ở nhiệt độ từ 900oC. Đường cong tích phân nhiệt phát quang của vật liệu LiAlO2 bao gồm hai đỉnh ở nhiệt độ 136 và 248oC, đỉnh 248oC được chọn làm đỉnh đo liều. Tinh thể γ-LiAlO2 đơn pha gamma được chế tạo thành công bằng phương pháp sol-gel kết hợp với EDTA. Điều kiện tối ưu để thu được tinh thể LiAlO2 đơn pha gamma là nhiệt độ thiêu từ 9000C trong thời gian 4 giờ với các hằng số mạng và tỷ trọng được xác định lần lượt là: a=5,16870 Å, c=6,26790 Å, và δ=2,615 g/cm³. Đường cong tích phân nhiệt phát quang của LiAlO2 được phân tích bằng phương pháp giải chập cho thấy sự phù hợp cao nhất với mô hình bậc tổng quát, với hệ số làm khớp FOM=1,08×10-2 và bậc động học b=1,79.

14 Đánh giá hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ phân hủy kỵ khí trong xử lý chất thải rắn phân hủy sinh học ở Việt Nam / Phạm Văn Định, Đinh Viết Cường, Phạm Văn Tới // Khoa học công nghệ xây dựng .- 2025 .- Số 1V .- Tr. 34 - 45 .- 363

Ứng dụng công nghệ phân hủy kỵ khí (PHKK) trong xử lý thành phần phân hủy sinh học trong chất thải rắn sinh hoạt (CTRSHHC) đã được chứng minh thực tiễn là mang lại lợi ích kép về năng lượng và môi trường. Trong những năm gần đây chủ đề này cũng đã thu hút được nhiều các nghiên cứu trong nước, nhưng chưa có một đánh giá cụ thể nào thể hiện được những thành tựu chung đạt được trong lĩnh vực nghiên cứu này ở Việt Nam. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng nghiên cứu ứng dụng trong nước. Nhìn chung nghiên cứu trong nước mặc dù bước đầu đã tiến hành chuyển hóa được CTRSHHC thành khí biogas, tuy nhiên, những nghiên cứu mang tính chất đổi mới còn hạn chế mà chủ yếu sử dụng công nghệ được phát triển cách đây nhiều năm. Về mặt ứng dụng tuy đã có một số dự án triển khai theo công nghệ PHKK thu hồi năng lượng, nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn tất chưa có nhà máy nào ghi nhận đã đi vào hoạt động. Hơn nữa việc nghiên cứu trong nước chưa làm chủ được công nghệ sẽ khiến quá trình vận hành các nhà máy sẽ gặp nhiều khó khăn. Về đặc trưng phát thải và đặc tính lý hóa của thành phần CTRSHHC ở Việt Nam không có quá nhiều sự khác biệt so với thế giới. Do đó, từ những bài học Quốc tế, nghiên cứu cũng đưa ra một số giải pháp phù hợp với việc áp dụng công nghệ này ở Việt Nam.

15 Phân lập và tuyển chọn các chủng vi khuẩn sinh lipase từ nước thải nhà hàng / Bạch Ngọc Minh // Khoa học và công nghệ Việt Nam .- 2025 .- số 5 .- Tr. 47 - 51 .- 574

Chất thải sinh hoạt đang là vấn đề nan giải tại các đô thị lớn. Các chất thải dạng lỏng từ dịch vụ ăn uống lâu ngày sẽ kết váng trên mặt nước, gây ô nhiễm môi trường và làm tắc nghẽn dòng chảy trong hệ thống cống. Nghiên cứu này nhằm chọn lọc chủng vi khuẩn có khả năng sinh lipase cao, có thể sử dụng để xử lý ô nhiễm do chất thải lỏng có lipid từ các nhà hàng ăn uống. Kết quả phân lập được 50 chủng vi khuẩn có hoạt tính lipase từ mẫu nước được lấy ở nhà hàng thuộc các khu vực tại TP Hồ Chí Minh. Tiến hành sàng lọc dựa vào đường kính vòng phân giải lipid, tuyển chọn được 10 chủng có vòng phân giải 9-11 mm. Kết quả định lượng cho thấy, chủng GV-04 và BT-06 được phân lập từ mẫu nước thải ở khu vực quận Gò Vấp và Bình Thạnh cho hoạt độ lipase cao nhất (GV-04 là 0,3250 UI/ml, BT-06 là 0,3158 UI/ml). Kết quả định danh cho thấy, hai chủng GV-04 và BT-06 lần lượt là Bacillus subtilis và Bacillus amyloliquefaciens.

16 Giải pháp đảm bảo sinh kế bền vững cho cư dân nông thôn vùng Tây Nam Bộ trong bối cảnh biến đổi khí hậu / Nguyễn Thị Bạch Tuyết // Nghiên cứu Tài chính Kế toán .- 2025 .- Số 282 .- Tr. 48-51 .- 338.16

Tây Nam Bộ đang chịu tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Với cư dân nông thôn, hoạt động sinh kế của họ chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các hoạt động dịch vụ liên quan, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh kế của người dân, đe dọa an ninh lương thực quốc gia. Do vậy, bên cạnh việc nghiên cứu, tổng kết, xây dựng các mô hình sinh kế chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu thì việc đề xuất các giải pháp hỗ trợ thực hiện sinh kế bền vững cho cư dân nông thôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong khuôn khổ bài viết này, nhóm tác giả phân tích những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến hoạt động sinh kế của cư dân nông thôn, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm đảm bảo hoạt động sinh kế cư dân nông thôn vùng Tây Nam Bộ trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

17 Tài chính xanh đối với suy thoái môi trường và năng lượng bền vững tại 45 quốc gia châu Á / Phạm Thị Tường Vân, Trần Thị Lệ Hiền // Nghiên cứu Tài chính Kế toán .- 2025 .- Số 281 Kỳ 1 tháng 2 .- Tr. 5-8 .- 363

Nghiên cứu này chỉ ra mối quan hệ của các chỉ số kinh tế, tài chính và lượng khí thải môi trường, nhằm phân tích tác động đổi mới tài chính đến lượng thải carbon, khí thải nhà kính, và tiếp cận điện. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ 45 quốc gia châu Á thu thập trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến 2022. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng POPU và GDP có tác động dương đến cả 2 biến phụ thuộc khí thải carbon CO2 và khí thải nhà kính GRHO. Đối với các biến hệ thống tài chính thì nghiên cứu chỉ ra ROE, LIRE, DOCRE, EDST có tác động tích dương đáng kể đến khí thải carbon CO2 và khí thải nhà kính GRHO. Trong khi đó COINC, ATM tác động âm đáng kể đến CO2 và GRHO. Hơn nữa, ROA, CAAS, DEPO, BORR không có tác động đáng kể đến CO2 và khí thải nhà kính GRHO. Ngoài ra, POPU, GDP, ROA, ROE, LIRE, COINC, DEPO không có tác động đáng kể đến tiếp cận điện ELEC. Đồng thời CAAS, DOCRE, BORR, ATM, EDST có tác động tích cực và đáng kể đến ELEC. Dựa trên kết quả nghiên cứu ra một số giải pháp để giảm lượng khí thải CO2 và tổng lượng khí thải nhà kính, chú trọng tập trung phân tích tác động của đổi mới tài chính hướng đến tài chính xanh và phát triển bền vững.

18 Tác động của biến đổi khí hậu đến chất lượng tín dụng - Nghiên cứu thực nghiệm tại các ngân hàng thương mại Việt Nam / Nguyễn Thị Thu Hà, TS Vũ Thị Kim Oanh // Nghiên cứu Tài chính Kế toán .- 2025 .- Số 281 kỳ 1 tháng 2 .- Tr. 12-15 .- 363

Biến đổi khí hậu và rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu đang ngày càng trở thành một vấn đề đáng quan tâm của các nhà quản lý. Bài viết sử dụng mô hình kinh tế lượng để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến chất lượng tín dụng tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2023, trong đó thay đổi nhiệt độ, lượng mưa và lượng khí thải carbon đại diện cho biến đổi khí hậu và tỷ lệ nợ xấu phản ánh chất lượng tín dụng tại các NHTM Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thay đổi nhiệt độ và lượng mưa đều có ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tín dụng của các NHTM Việt Nam, trong khi tác động của lượng khí thải carbon không có ý nghĩa thống kê. Nghiên cứu gợi ra những đề xuất nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu tại Việt Nam cũng như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến chất lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại.

19 Ứng dụng công nghệ hạt nhân trong ứng phó ô nhiễm rác thải nhựa / Trần Bích Ngọc // .- 2024 .- Số 12A .- Tr. 59 - 62 .- 363

Chương trình ứng dụng công nghệ hạt nhân trong kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa (NUTEC Plastics) đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khởi xướng từ năm 2020, nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên tích hợp các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ trong giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Chương trình được xây dựng dựa trên các dự án nghiên cứu và hợp tác kỹ thuật của IAEA với các quốc gia thành viên và các tổ chức liên quan về tái chế nhựa bằng công nghệ bức xạ, giám sát vi nhựa bằng kỹ thuật đánh dấu đồng vị. Bài viết chia sẻ về triển vọng ứng dụng công nghệ hạt nhân trong ứng phó với ô nhiễm rác thải nhựa, qua đó mở ra khả năng chuyển hóa chất thải nhựa thành tài nguyên có thể tái sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

20 Dự báo phân bố mưa cho các tiểu lưu vực trong lưu vực sông Srêpốk theo mô hình CMIP6 / Phan Thị Thanh Hằng, Đỗ Thị Vân Hương, Ngô Trà Mai, Nguyễn Thị Bích // .- 2024 .- Số 3 .- Tr. 89-96 .- 363

Đánh giá phân bố mưa trong quá khứ với chuỗi số liệu từ năm 1981 - 2020 còn xây dựng kịch bản phân bố mưa trong tương lai với quy mô cấp tháng cho các tiểu lưu vực trong lưu vực sông Srêpốk từ nguồn dữ liệu của mô hình EC-Earth3-Veg. Cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng các kịch bản thích ứng biến đổi khí hậu chi tiết cho từng tiểu lưu vực thay thế cho các kịch bản quy mô lớn, khó khăn hơn trong việc xây dựng kịch bản ứng phó.