CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

  • Duyệt theo:
18651 Quần tụ kinh tế và năng suất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam / Huỳnh Thế Nguyễn // Kinh tế & phát triển .- 2020 .- Số 274 .- Tr. 83-92 .- 658

Nghiên cứu này phân tích quần tụ kinh tế và năng suất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Bài viết sử dụng phương pháp xác định năng suất của Levinsohn & Petrin (2003) và phương pháp mô-men tổng quát (General method of moments - GMM) để phân tích bộ dữ liệu được trích xuất từ Điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2013-2016. Kết quả nghiên cứu cho thấy năng suất tổng hợp và quần tụ kinh tế có xu hướng gia tăng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn nghiên cứu. Đặc biệt, các yếu tố như: quần tụ kinh tế, tham gia hoạt động xuất khẩu và tỷ lệ vốn lao động có tác động tích cực đến việc cải thiện năng suất trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

18652 Mối quan hệ của cạnh tranh, chiến lược, thông tin kế toán quản trị và kết quả hoạt động kinh doanh / Lê Mộng Huyền, Trần Thị Quanh, Đỗ Huyền Trang // Kinh tế & phát triển .- 2020 .- Số 274 .- Tr. 93-102 .- 658

Nghiên cứu nhằm kiểm tra mối quan hệ trực tiếp và gián tiếp giữa hai nhân tố bối cảnh (mức độ cạnh tranh và sự thay đổi chiến lược), thông tin kế toán quản trị phạm vi rộng và kết quả hoạt động kinh doanh (bao gồm cả kết quả tài chính và phi tài chính) của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Kết quả phân tích dữ liệu thu thập từ 236 doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng phần mềm SmartPLS 3 cho thấy: (1) Mức độ cạnh tranh và sự thay đổi chiến lược có ảnh hưởng cùng chiều với thông tin kế toán quản trị phạm vi rộng, từ đó nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh; (2) Thông tin kế toán quản trị phạm vi rộng đóng vai trò trung gian toàn phần cho mối quan hệ giữa cạnh tranh và kết quả hoạt động tài chính, trung gian một phần cho mối quan hệ giữa cạnh tranh và kết quả hoạt động phi tài chính. Bên cạnh đó, nó còn là trung gian một phần cho mối quan hệ giữa sự thay đổi chiến lược và kết quả hoạt động kinh doanh.

18653 Ảnh hưởng của năng lực cảm xúc đến động lực làm việc của nhà quản trị cấp trung tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở khu vực Bắc Trung Bộ / Trần Quang Bách, Ngô Kim Thanh // Kinh tế & phát triển .- 2020 .- Số 274 .- Tr. 103-112 .- 658

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm kiểm định sự tác động của năng lực cảm xúc đến động lực làm việc của nhà quản trị cấp trung tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở khu vực Bắc Trung Bộ. Với quy mô bao gồm 486 mẫu, kết quả nghiên cứu cho thấy năng lực cảm xúc bên cạnh có sự tác động gián tiếp thông qua sự hài lòng và gắn kết thì yếu tố này còn có tác động trực tiếp và thuận chiều đến động lực làm việc của nhà quản trị cấp trung trong các doanh nghiệp. Nghiên cứu cũng chỉ ra có sự tác động của các yếu tố sự hài lòng và gắn kết trong công việc đến động lực làm việc của nhà quản trị cấp trung. Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm tăng động lực làm việc của nhà quản trị cấp trung thông qua việc cải thiện năng lực cảm xúc của họ tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở khu vực Bắc Trung Bộ.

18654 Phân tích năng lực quản trị của quản lý cấp trung tại các chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn Thành phố Cần Thơ / Huỳnh Trường Huy, Kỳ Nguyệt Yến // Kinh tế & phát triển .- 2020 .- Số 274 .- Tr. 113-122 .- 658

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định các nhân tố cấu thành năng lực quản trị và mức độ đáp ứng của nhà quản lý dựa vào cuộc khảo sát 100 giám đốc tại 26 chi nhánh ngân hàng tại thành phố Cần Thơ. Dựa vào lý thuyết năng lực cốt lõi (mô hình ASK) và sử dụng phân tích thống kê mô tả và Cronbach alpha, kết quả phân tích cho thấy năng lực quản trị của nhà quản lý cấp trung bao gồm 6 nhóm nhân tố cấu thành, trong đó có 3 nhóm về kiến thức (quản trị cơ bản, thị trường, vận hành tổ chức), 2 nhóm về kỹ năng (phát triển nhóm và truyền thông) và nhóm về phẩm chất quản trị. Đồng thời, nhà quản lý tại các chi nhánh ngân hàng trong Top 10 ngân hàng uy tín thể hiện cảm nhận về mức độ đáp ứng với công việc quản trị tốt hơn so với các đồng nghiệp làm việc tại các ngân hàng khác. Hơn nữa, năng lực quản trị cũng thể hiện gắn với chức danh công việc và quy mô quản lý trong ngân hàng.

18655 Tốc độ điều chỉnh cấu trúc vốn của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bằng chứng thực nghiệm từ cách tiếp cận LSDVC / Võ Thị Thúy Anh, Phan Trần Minh Hưng // Kinh tế & phát triển .- 2020 .- Số 273 .- Tr. 33-42 .- 332.1

Nghiên cứu này nhằm xác định tốc độ điều chỉnh cấu trúc vốn của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp ước lượng điều chỉnh chệch (LSDVC) với bộ dữ liệu là các chứng khoán được niêm yết trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2006 đến 2017. Nghiên cứu này tìm thấy rằng tốc độ điều chỉnh cấu trúc vốn trung bình năm cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam là 35,1% khi biến phụ thuộc là giá trị sổ sách của cấu trúc vốn và 45,4% khi biến phụ thuộc là giá trị thị trường của cấu trúc vốn. Kết quả nghiên cứu này hỗ trợ cho sự tồn tại lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn động.

18656 Giải thích ý định giảm thiểu sử dụng túi nhựa của du khách quốc tế bằng lý thuyết hành vi dự định mở rộng / Nguyễn Hữu Khôi // Kinh tế & phát triển .- 2020 .- Số 273 .- Tr. 43-52 .- 658

Nghiên cứu này nhằm điền vào khoảng trống trong việc khám phá các nhân tố tác động đến ý định giảm thiểu sử dụng túi nhựa của du khách quốc tế. Theo đó, nghiên cứu này mở rộng lý thuyết hành vi dự định bằng việc bổ sung quy chuẩn hình mẫu bên cạnh thái độ, kiểm soát hành vi cảm nhận và quy chuẩn quy phạm và giả thuyết các biến số này tác động đến ý định của du khách. Hơn nữa, quy chuẩn quy phạm và quy chuẩn hình mẫu cũng được giả thuyết có tác động đến thái độ của du khách. Áp dụng phương pháp bình phương bé nhất riêng phần với phần mềm SmartPLS trên một mẫu 200 du khách quốc tế, kết quả cho thấy các giả thuyết đều được ủng hộ. Vì vậy, nghiên cứu có những đóng góp về mặt học thuật và thực tiễn.

18657 Các nhân tố tác động đến tính hấp dẫn của điểm đến trong việc thu hút vốn đầu tư vào du lịch – nghiên cứu tại vùng duyên hải Nam Trung Bộ / Trần Thanh Phong, Thân Trọng Thụy // Kinh tế & phát triển .- 2020 .- Số 273 .- Tr. 53-62 .- 658

Nghiên cứu sử dụng lý thuyết địa điểm sản xuất quốc tế, áp dụng vào lĩnh vực du lịch để chỉ ra các nhân tố chính ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của điểm đến. Đồng thời lý thuyết động cơ đầu tư cũng được sử dụng để sắp xếp lại các nhóm nhân tố ảnh hưởng theo động cơ đầu tư mà các nghiên cứu trước đây rất ít đề cập. Nghiên cứu sử dụng mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) trên một mẫu 356 nhà quản lý các khách sạn và khu du lịch thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ để kiểm định mối quan hệ giữa các cấu trúc bậc một. Kết quả kiểm định chỉ ra rằng có 5 nhóm nhân tố chính tác động đến tính hấp dẫn của điểm đến đó là: (1) thị trường du lịch tiềm năng; (2) lợi thế tài nguyên du lịch; (3) lợi thế chi phí; (4) lợi thế cơ sở hạ tầng du lịch và (5) môi trường đầu tư (PCI). Kết quả kiểm định cũng chỉ ra: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhân tố “tài nguyên văn hóa” là 2 nhân tố mới, đóng góp 1 phần trong việc tạo nên tính hấp dẫn của điểm đến đầu tư du lịch.

18658 Xếp hạng dịch vụ khách sạn dựa trên phương pháp khai thác ý kiến khách hàng trực tuyến / Thái Kim Phụng, Nguyễn An Tế, Trần Thị Thu Hà // Kinh tế & phát triển .- 2020 .- Số 273 .- Tr. 63-73 .- 910

Mục tiêu chính của nghiên cứu này là khám phá và xếp hạng khía cạnh dịch vụ khách sạn dựa trên phương pháp khai thác ý kiến khách hàng trực tuyến. Trước tiên, nghiên cứu này tiến hành thu thập tự động 15.480 bình luận về khách sạn tại Việt Nam trên trang Agoda. com, sau đó tiền xử lý, gán nhãn dữ liệu và thực hiện huấn luyện bằng các mô hình phân loại ý kiến để tìm ra mô hình phù hợp nhất với bộ dữ liệu và áp dụng mô hình này để dự báo phân loại ý kiến cho toàn bộ dữ liệu đã thu thập được. Cuối cùng, nghiên cứu này áp dụng phương pháp trích xuất và xếp hạng mức độ quan trọng của từng khía cạnh dịch vụ khách sạn. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc áp dụng phương pháp khai thác ý kiến trên tập dữ liệu bình luận có thể khám phá mức độ quan tâm của du khách về các khía cạnh dịch vụ khách sạn. Nghiên cứu này có giá trị tham khảo cho các doanh nghiệp trong việc quản trị chất lượng dịch vụ.

18659 Sự phát triển hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc: thành công, tồn tại và một số gợi ý với Việt Nam / Mai Ngọc Anh, Khiếu Thị Nhàn // Kinh tế & phát triển .- 2020 .- Số 273 .- Tr. 74-82 .- 371.018

Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục đại học đối với sự phát triển khoa học công nghệ, cũng như kinh tế xã hội, chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy sự phát triển về quy mô cũng như chất lượng của giáo dục đại học ở Quốc gia này. Bài viết đi vào đánh giá kết quả đạt được của hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc, phân tích những giải pháp mà chính phủ nước này đã triển khai cũng như bình luận những vướng mắc mà các trường đại học ở Trung Quốc đang phải khắc phục mà nguyên nhân bắt nguồn từ hệ thống chính sách hiện hành. Những thành công và vướng mắc trong phát triển hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc được phân tích để đưa ra khuyến nghị đối với Việt Nam.

18660 Nhân tố thúc đẩy giảng viên đại học ở Việt Nam thực hiện nghiên cứu khoa học: áp dụng lý thuyết kỳ vọng / Trần Thị Kim Nhung, Nguyễn Thành Độ // Kinh tế & phát triển .- 2020 .- Số 273 .- Tr. 83-92 .- 371.018

Nghiên cứu sử dụng lý thuyết kỳ vọng để kiểm tra các yếu tố chính thúc đẩy giảng viên tiến hành nghiên cứu khoa học. Kết quả hồi quy được khảo sát từ 475 giảng viên các trường đại học tại Hà Nội, Việt Nam, cho thấy các giảng viên được thúc đẩy bởi “sự hấp dẫn bên trong” nhiều hơn “sự hấp dẫn bên ngoài”. Đặc biệt nghiên cứu đã phát hiện kỳ vọng (E – yếu tố còn nhiều tranh cãi ở các nghiên cứu trước) có tác động tích cực và đáng kể đến động lực nghiên cứu của giảng viên. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy: (a) động lực nghiên cứu của các Giáo sư và Phó Giáo sư cao hơn giảng viên khác, thêm vào đó đối với nhóm Giáo sư và Phó Giáo sư thì nhân tố “sự hấp dẫn bên trong” cao hơn nhóm giảng viên khác và (b) không có mối quan hệ giữa động lực nghiên cứu và tuổi cũng như giới tính.