CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

chủ đề: Ngân hàng

  • Duyệt theo:
1 Tác động của vốn chủ sở hữu với dự phòng rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam / Đặng Thị Ngọc Lan, Đinh Thị Hồng Quyên // .- 2024 .- Số 823 - Tháng 4 .- Tr. 106-108 .- 332

Nghiên cứu này phân tích tác động của vốn chủ sở hữu với dự phòng rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Với độ tin cậy 99%, kết quả nghiên cứu tìm thấy tác động của vốn chủ sở hữu đến dự phòng rủi ro tín dụng có ý nghĩa thống kê. Kết quả còn cho thấy, tỷ lệ vốn chủ sở và quy mô ngân hàng có tác động tích cực đến dự phòng rủi ro tín dụng trong khi đó tỷ lệ lạm phát lại có tác động tiêu cực đến dự phòng rủi ro tín dụng. Đồng thời nghiên cứu cũng tìm thấy có tồn tại một ngưỡng đảo chiều, cho thấy nếu tỷ lệ vốn chủ sở hữu dưới mức 44,6% so với tổng tài sản sẽ làm cho ngân hàng thương mại có xu hướng giảm tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng. Qua đó, nghiên cứu cung cấp thêm góc nhìn về quản trị nguồn vốn trong hoạt động điều hành ngân hàng thương mại nhằm hướng tới hiệu quả và phát triển bền vững trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

2 Quản lý phát triển nhân lực ngành ngân hàng ở Việt Nam / Nguyễn Xuân Trung, Nguyễn Hoài Phương // .- 2024 .- K2 - Số 258 - Tháng 02 .- Tr. 68-73 .- 332.12

Bài viết nhằm phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động quản lý nguồn nhân lực ngân hàng ở Việt Nam trong thời gian qua. Qua phân tích cho thấy công tác quản lý phát triển nhân lực ngân hàng đã được quan tâm và thực hiện ở tầm định hướng vĩ mô. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách, qui định đối với những đối tượng cụ thể còn hạn chế. Việc phát triển nhân lực ngành ngân hàng chưa chú trọng vào những hướng trọng tâm của ngành này trong bối cảnh chuyển đổi số và những yêu cầu khắt khe của một ngành dịch vụ. Các hoạt động tuyển dụng, đào tạo vẫn còn khác biệt xa giữa các đơn vị với nhau.

3 Lựa chọn cấu trúc vốn trong các ngân hàng thương mại niêm yết tại Việt Nam / Huỳnh Thị Thanh Trúc // .- 2024 .- Số 821 - Tháng 3 .- Tr. 66-68 .- 332.04

Nghiên cứu này đánh giá lựa chọn cấu trúc vốn trong ngân hàng thương mại niêm yết tại Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2020. Kết quả nghiên cứu cho rằng, các ngân hàng có hiệu quả cao thường lựa chọn gia tăng vốn chủ sở hữu, đồng thời, nợ xấu ngân hàng có tác động tích cực tới lựa chọn cấu trúc vốn thiên về vốn chủ sở hữu; ngân hàng có quy mô cao và có tính thanh khoản cao thường lựa chọn vốn thiên về cấu trúc nợ.

4 Triển khai trí tuệ nhân tạo trong ngân hàng : hướng tới một hệ thống an toàn và trách nhiệm / Nguyễn Hải Yến // .- 2024 .- Sô 02 (629) .- Tr. 50 - 57 .- 332

Trong thời đại công nghệ phát triển vũ bão, trí tuệ nhân tạo (AI) đã nổi lên như một lực lượng biến đổi mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng. Trên phạm vi toàn cầu, Al đang dần định hình các “sân chơi” kinh tế, cải tổ các quy trình tài chính và góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng. Xu thế này cũng không ngoại lệ tại Việt Nam, khi việc ứng dụng Al trong lĩnh vực ngân hàng đang tăng trưởng nhanh chóng và mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự phát triển công nghệ này cũng đặt ra những lo ngại, đặc biệt xoay quanh vấn đề bảo mật dữ liệu cá nhân, nguy cơ phân biệt đối xử và tính chịu trách nhiệm của AI. Do đó, từ phía cơ quan quản lý, cũng như các ngân hàng phải nhận thức được những nguy cơ này và có những hành động, biện pháp phù hợp và nhanh chóng đảm bảo việc phát triển và triển khai AI có trách nhiệm, an toàn.

5 Bộ đệm vốn nghịch chu kỳ - Công cụ an toàn theo thông lệ Basel III / Nguyễn Khương, Đào Văn Hà, Nguyễn Thu Hương, Tô Thị Hồng Anh và cộng sự // .- 2024 .- Số 05 - Tháng 3 .- Tr. 18-27 .- 332

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) (2010) đã thiết kế Bộ đệm vốn nghịch chu kì (CCyB) với mục tiêu an toàn vĩ mô ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng vượt mức có tính chu kì (được phản ánh qua sự tăng, giảm của chu kì tài chính) tiềm ẩn rủi ro hệ thống đối với khu vực ngân hàng. Thông qua bộ đệm này, các ngân hàng có thêm lượng đệm vốn chất lượng trong giai đoạn thuận lợi khi rủi ro hệ thống gia tăng, sau đó được sử dụng trong thời kì suy thoái để giảm thiểu rủi ro mà các ngân hàng khuếch đại sự suy thoái bằng cách thắt chặt cho vay quá mức. Thông qua bài viết này, nhóm nghiên cứu: (i) Khái quát về CCyB theo thông lệ Basel III (2010); (ii) Tổng hợp, phân tích một số vấn đề về triển khai thực hiện CCyB như: Cách tiếp cận khác nhau để thực hiện CCyB; độ lệch tín dụng/GDP và một số chỉ số bổ sung; khung chính sách xuyên quốc gia về CCyB; quan điểm nghiên cứu hướng đến vùng đệm CCyB theo ngành. Trên cơ sở đó rút ra một số hàm ý khuyến nghị về CCyB đối với ngân hàng Việt Nam.

6 Nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng chuyển đổi số ngân hàng / Lưu Phước Vẹn, Trần Thị Minh Khôi // .- 2024 .- Sô 03 (630) .- Tr. 46-51 .- 332.04

Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng được xem là hệ quả tất yếu từ sự tác động của cuộc Cách mạng lần thứ tư (CMCN 4.0). Thông qua hoạt động chuyển đổi số, ngành Ngân hàng Việt Nam vừa có cơ hội để cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh, vừa gia tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế. Một trong những nhân tố cốt lõi quyết định sự thành công của CMCN 4.0 và chuyển đổi số của một số quốc gia nói chung, một tổ chức nói riêng chính là nhân tố con người. Vì vậy, vấn đề nâng cao Nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Ngân hàng cần được đặc biệt quan tâm.

7 Xây dựng nguồn lực con người nhằm phát triển văn hóa doanh nghiệp trong chuyển đổi số hoạt động ngân hàng / Nguyễn Thanh Phương, Phạm Thị Tuyết // .- 2024 .- Số 04 - Tháng 02 .- Tr. 26-30 .- 332.12

Kết quả nghiên cứu về phát triển văn hóa doanh nghiệp trong chuyển đổi số của các tổ chức nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng đều khẳng định, văn hóa doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng, như là “quyền lực mềm” của tổ chức, giúp tổ chức phát triển bền vững. Eden và cộng sự (2019) cho rằng, doanh nghiệp đạt được kết quả như mong muốn trong chiến lược chuyển đổi số là rất khó khăn vì quá trình chuyển đổi số đòi hỏi những thay đổi cơ bản trong chiến lược, cơ cấu, quy trình, công nghệ và quan trọng nhất là văn hóa của tổ chức được tạo ra bởi chính nhân sự của tổ chức đó. Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hóa được gây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một tổ chức, trở thành giá trị nền tảng, quan niệm chung và truyền thống thấm sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi, hành động, thói quen của mọi thành viên trong tổ chức. Bài viết này tập trung luận bàn về tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp và cách thức xây dựng nguồn lực con người nhằm phát triển văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số của hoạt động ngân hàng ở Việt Nam hiện nay.

8 Triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia góp phần đảm bảo an ninh, an toàn và thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng / Phạm Tiến Dũng // .- 2024 .- Số (2+3) - Tháng (1+2) .- Tr. 19-21 .- 332

Trong bối cảnh phát triển sâu rộng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) trong mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, xu hướng chuyển dịch các giao dịch theo phương thức truyền thống sang môi trường điện tử gia tăng. Khách hàng được trải nghiệm đa dạng các dịch vụ tiện ích, hiện đại và tiết kiệm thời gian, chi phí. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích mà các sản phẩm, dịch vụ số hóa mang lại, xu hướng gia tăng của các tội phạm mạng cũng đặt ra những thách thức về công tác đảm bảo an ninh, an toàn và nhận biết, xác minh chính xác thông tin khách hàng. Nhận thức rõ các vấn đề trên, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ động, tích cực triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia phục vụ chuyển đổi số ngân hàng một cách thực chất, hiệu quả đi cùng với chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn.

9 Triển khai ESG trong lĩnh vực ngân hàng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững / Nguyễn Thị Hòa // .- 2024 .- Số (2+3) - Tháng (1+2) .- Tr. 70-77 .- 332.12

Chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững đang trở thành một xu hướng tất yếu, là ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, các tiêu chuẩn ESG đã trở nên nổi bật trên thị trường tài chính toàn cầu khi các nhà đầu tư và các bên liên quan nhận thức rõ hơn về tác động của các khoản đầu tư của họ đối với môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Trên thế giới, các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước ngày càng ban hành nhiều quy định và chính sách thúc đẩy các ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn ESG. Tại Việt Nam, các ngân hàng đang trong giai đoạn đầu tích hợp yếu tố ESG vào hoạt động kinh doanh và còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai. Vì vậy, ngành Ngân hàng cần tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy ngân hàng triển khai ESG nhằm phát huy hơn nữa những đóng góp của Ngành trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

10 Kết quả và bài học kinh nghiệm trong thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của hệ thống ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh / Võ Minh Tuấn // .- 2024 .- Số (2+3) - Tháng (1+2) .- Tr. 86-88 .- 332

Ngày 17/01/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023 với mục tiêu “kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý”, Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh) cũng đã xác định chủ đề năm 2023 là: “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”. Thực thi nhiệm vụ được giao từ NHNN và Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố, NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trong vai trò là cơ quan triển khai và thực thi chính sách tại địa phương, đã cùng với hệ thống ngân hàng Thành phố phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của NHNN tại địa phương, tập trung thực hiện tích cực các giải pháp về chính sách tiền tệ, tín dụng để đồng hành và chia sẻ cùng doanh nghiệp.