Tin tức

Công nghệ thông tin đã mang lại cuộc cách mạng dịch vụ cho hoạt động thư viện

06/06/2012

(ictdanang) - Sử dụng công nghệ thông tin để quản lý, cung cấp dịch vụ tại các thư viện đã tạo ra “cách mạng hóa quan niệm về thư viện”. Trong quan niệm truyền thống về hoạt động của thư viện, nghiệp vụ chiếm 80% và dịch vụ chiếm 20%. Nhưng hiện nay, tỉ lệ này đang thay đổi theo chiều hướng ngược lại. Hội thảo “Dịch vụ Thông tin trong Thư viện Đại học” do Thư viện Đại học Duy Tân phối hợp với Liên chi Hội Thư viện đại học phía Nam tổ chức vào ngày 1/06/2012 vừa qua tại giảng đường chính cơ sở Quang Trung (Đại học Duy Tân), không nằm ngoài mục tiêu tìm giải pháp ứng biến kịp thời với biến đổi mạnh mẽ đó.

 

Máy tính và thiết bị đọc mã vạch được trang bị phục vụ cho hoạt động Thư viện Đại học Duy Tân. - ảnh: T.Ngọc

 

Tham dự hội thảo có bà Vũ Dương Thúy Ngà - Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Minh Hiệp - Chủ tịch Liên chi Hội Thư viện đại học phía Nam, TS. Lê Văn Viết - Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, nhà giáo Lê Công Cơ - Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, TS. Lê Nguyên Bảo - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cùng với hơn 90 đại biểu đến từ Thư viện các trường Đại học, Cao đẳng, Trung tâm Học liệu trên khắp cả nước.

Nội dung các tham luận đã tập trung vào vấn đề nhận diện “cách mạng hóa quan niệm thư viện”, kinh nghiệm áp dụng công nghệ thông tin cũng như định hướng phát triển dịch vụ thông tin trong hoạt động phục vụ người đọc, hoạt động quản lý sao cho phù hợp với đặc thù thư viện đại học, cao đẳng.

Trong đó, tham luận “Một số yếu tố góp phần nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ thông tin tại Thư viện Đại học Duy Tân” do cô Trần Thị Thúy Kiều - Giám đốc Thư viện và thầy Nguyễn Đăng Quang Huy - Giám đốc Trung tâm CSE Đại học Duy Tân kết hợp trình bày đã thu hút sự quan tâm của đại biểu tham dự hội thảo.
Đó là kinh nghiệm sử dụng phần mềm quản lí thư viện elib, xây dựng thư viện số trên phần mềm mã nguồn mở Dpace, xây dựng website thư viện, tham gia forum và mạng xã hội, liên kết với thư viện điện tử Tailieu.vn của công ty TNHH Tài liệu Trực tuyến Vina. Tất cả các tiện ích đó được tích hợp trên một kênh duy nhất là Cổng Thông tin hỗ trợ quản lý học chế tín chỉ MyDuyTan. Đặc biệt, mọi phần mềm trên đều được xây dựng bởi Trung tâm CSE của trường. Tham luận đã giúp người nghe hình dung về một mô hình dịch vụ thư viện hiện đại, quản lý chặt chẽ, có khả năng phát triển mạnh trong tương lai, đáp ứng hiệu quả mọi thông tin cho người dùng.

 

Hội thảo “Dịch vụ Thông tin trong Thư viện Đại học” do Thư viện Đại học Duy Tân phối hợp với Liên chi Hội Thư viện Đại học phía Nam tổ chức vừa diễn ra tại Đà Nẵng.
Thông điệp qua tham luận của Thầy Nguyễn Minh Hiệp – Giảng viên Thư viện – Thông tin Đại học Sài Gòn ; Giám đốc Thư viện Khoa học Tự nhiên TP.Hồ Chí Minh. -ảnh:T.Ngọc

 

Cô Trần Thị Thúy Kiều cho biết thêm: “Thư viện Đại học Duy Tân được thành lập từ 1995, đến nay đã có hơn 34.000 đầu sách. Bên cạnh đó, Thư viện cũng bổ sung đầy đủ các loại báo, tạp chí chuyên ngành mà nhà trường đào tạo và các loại báo, tạp chí hàng ngày nhằm để sinh viên tham khảo và nâng cao trình độ nhận thức. Các loại hình tài liệu khác có tại thư viện là CD, VCD, tài liệu điện tử, luận văn... Thư viện số cũng đã số hóa được hơn 6.000 tài liệu. Thư viện Đại học Duy Tân đang ngày càng hoàn thiện, phấn đấu phát triển thành một Trung tâm Thông tin Tư liệu đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về tài liệu và thông tin phục vụ việc dạy và học của cán bộ giảng viên và sinh viên trong toàn trường. Điều này góp phần không nhỏ trong mục tiêu xây dựng Đại học Duy Tân thành đại học điện tử mà Hội đồng Quản trị và Ban Giám hiệu nhà trường đặt ra.”

Đánh giá về sự cần thiết của thư viện đại học và hiệu quả của việc ứng dụng công cụ Marketing các dịch vụ thông tin trong hoạt động của thư viện, ThS. Phan Thị Thu Nga – Giám đốc Trung tâm Thông tin Học liệu Đại học Đà Nẵng nhận định: “Thư viện trong trường đại học được ví như trái tim, không có cơ sở nào thiết yếu hơn thư viện đại học, không một hoạt động giảng dạy, học tập, công trình khoa học nào với giá trị đích thực mà thiếu sự trợ trợ giúp của thư viện. Những năm qua, hoạt động thư viện đại học tại Việt Nam đạt nhiều kết quả, hình ảnh thư viện được nâng cao trong nhận thức xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhờ một phần có công tác marketing trong lĩnh vực thông tin và các dịch vụ thông tin. Bộ phận marketing trong thư viện phải được thành lập sẽ góp phần không chỉ vận hành thư viện tốt mà còn có thể tăng thêm nguồn kinh phí tự cung cấp các sản phẩm thông tin và dịch vụ của thư viện.”

 

Thư viện Đại học Duy Tân. -ảnh: T.Ngọc

 

Phó GS.TS. Vương Toàn – Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Thông tin Khoa học Xã hội cũng đồng tình: “Thư viện cần có chương trình và dành kinh phí xứng đáng cho việc giới thiệu nội dung của vốn tài liệu được thư viện lưu giữ, qua nhiều phương tiện thông tin khác nhau để chúng được nhiều người biết và có thể khai thác. Có thể coi đó như hoạt động marketing trong lĩnh vực này (và rất có thể đem lại nguồn thu nhập đáng kể mà phân minh nếu được quản lý tốt). Nếu không, dù thư viện có tự hào với hàng triệu đơn vị tài liệu, có loại được lưu trữ qua nhiều thế kỷ thì cũng sẽ chỉ là một cái kho tri thức khổng lồ được giữ khư khư nhưng vô dụng, chưa nói đến việc những chi phí tốn kém cho bảo quản – nhất là khi được hiện đại hoá thì việc lưu trữ cũng trở thành vô ích.”

Tại hội thảo, bà Vũ Dương Thúy Ngà - Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chia sẻ: “Đây thực sự là diễn đàn để mọi người trao đổi kinh nghiệm phát triển dịch vụ thông tin thư viện. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với những gì mà Thư viện Đại học Duy Tân đã làm được: ứng dụng chuyên nghiệp các sản phẩm công nghệ thông tin do chính trường làm ra; chính sách vừa khuyến khích đối với sinh viên, vừa khuyến khích và bắt buộc đối với giảng viên, trợ giảng là một sáng kiến mang lại hiệu quả cao trong việc tăng số lượng người đọc cho thư viện. Trong khi, hầu hết các thư viện cao đẳng, đại học trên cả nước còn gặp nhiều khó khăn với vấn đề này thì Thư viện Đại học Duy Tân đã làm rất tốt. Tôi nghĩ, mô hình này nên được nhân rộng để đưa hệ thống thư viện nước ta phát triển.”

T.Ngọc – Q.Vương

Cuộc thi Giới thiệu sách với chủ đề “Read – Share - Inspire” năm 2024

04/04/2024 - 10:01:29

Nhằm tôn vinh Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, Ngày Sách và Bản quyền Thế giới 23/4 cũng như tôn vinh...

Danh mục sách mới tháng 03/2024 (Tổng hợp)

12/03/2024 - 19:28:52

Thư viện Đại học Duy Tân xin giới thiệu đến quý bạn đọc danh mục sách mới tổng hợp tháng 01 với các chuyên...