Tin tức

Chuyên gia thông tin - thư viện sẽ làm gì trong kỷ nguyên số?

10/09/2011

1. Sự mở rộng của nghề thông tin - thư viện:

CNTT đang làm thay đổi nhanh chóng toàn bộ thế giới đồng thời tạo ra nhiều thách thức và cơ hội. Nghề thông tin – thư viện (TTTV) là một trong những nghề gặp nhiều thách thức nhất trong xã hội tri thức.

Nó kết hợp lĩnh vực quản trị tri thức với những ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông. Các công nghệ này ngày càng ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của thư viện, các tài nguyên thông tin, các dịch vụ thông tin, nhân viên thư viện và người dùng tin. Nghề TTTV đang phải đương đầu với các thách thức do cuộc cách mạng công nghệ này đem lại để tồn tại và đáp ứng được những nhu cầu tin đa dạng, phức tạp của cộng đồng người dùng tin. Sự thay đổi này là quy luật của tự nhiên. Các trung tâm TTTV phải thay đổi để phát triển và chính đội ngũ nhân viên TTTV càng phải thay đổi để giúp các trung tâm TTTV thực hiện được sứ mệnh đó.

Ở Mỹ một người tốt nghiệp cử nhân hoặc thạc sỹ ngành TTTV không những làm được những công việc trong các trung tâm TTTV mà còn có thể làm được những công việc sau [7]:

- Xuất bản sách: họ sử dụng kiến thức về sách để lựa chọn và hiệu đính những xuất bản phẩm

- Lãnh đạo công nghệ thông tin - CIO : là người quyết định lựa chọn những công nghệ tin học ứng dụng cho một doanh nghiệp và quản lý cách thức chia sẻ thông tin giữa các thành viên trong doanh nghiệp đó

- Quản lý nội dung thông tin: tìm kiếm và tổ chức thông tin cho cộng đồng mạng online

- Quản trị cơ sở dữ liệu: tổ chức, cập nhật và lưu trữ dữ liệu trên cơ sở kỹ năng lập trình

- Môi giới thông tin: tiến hành công việc nghiên cứu và cung cấp thông tin cho đối tác

- Mua bán các phần mềm TTTV

- Phụ trách công việc phân loại: phân loại dữ liệu và sắp xếp thông tin vào các mục phù hợp cho các công ty thương mại điện tử

- Quản trị Web: thiết kế, bảo trì và lập trình Web…

Điều này cho thấy, kiến thức và kỹ năng chuyên ngành TTTV không chỉ được áp dụng cho duy nhất công việc tại các trung tâm TTTV mà còn mở rộng và rất có ích cho các công việc mà kỷ nguyên số đang đòi hỏi.

2. Những yếu tố tác động đến nghề thông tin - thư viện:

Các thư viện ngày nay đang phải đối mặt với hàng loạt với những thách thức phức tạp xuất phát từ nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội tri thức trong thế kỷ 21. Chúng bao gồm những thách thức chính sau [7]:

- Sự bùng nổ thông tin

- Cách mạng CNTT và truyền thông

- Sự bùng nổ các tài nguyên thông tin trên web

- Ngân sách của thư viện ngày càng eo hẹp

- Giá của tài liệu in ấn ngày càng cao

- Nguồn thông tin số được sử dụng mức độ cao

- Nhu cầu người dùng tin ngày càng cao

- Cuộc cách mạng của các trường học ảo

- Sự thay đổi chất lượng và số lượng của các tài nguyên thông tin

- Xuất bản và truyền thông học thuật theo phương thức mới

- Sự phát triển của các thư viện số, thư viện ảo, thư viện lai

- Nhà sách trực tuyến và dịch vụ thông tin trực tuyến

Những thách thức này còn được gọi là sự thay đổi quan điểm, tái thiết kế, chuyển đổi dạng thức của môi trường thông tin, của chức năng thư viện và của nghề thư viện. Thư viện ngày nay không chỉ là nơi lưu trữ thông tin mà còn là cổng thông tin, tăng cường tới việc truy cập thông tin của người dùng. Do vậy, thư viện sẽ phải đảm nhiệm các chức năng sau:

- Ứng dụng các hàng loạt các công nghệ mới phù hợp

- Vi tính hoá và mạng hoá mọi hoạt động thư viện, các tài nguyên và dịch vụ thông tin

- Xây dựng bộ sưu tập vừa ở dạng in ấn vừa ở dạng điện tử

- Cung cấp cho người dùng tin ở công sở hay tại nhà cổng kết nối tới nội dung thông tin ở trong nước và toàn cầu

- Chỉ dẫn và đào tạo việc sử dụng nguồn tin số

- Cung cấp sản phẩm và dịch vụ thông tin phù hợp với yêu cầu tin

3. Sự biến đổi vai trò của nghề thông tin – thư viện:

Trong thế kỷ 21, vai trò của nghề TTTV là phải biến đổi cho phù hợp với sự thay đổi của công nghệ, của môi trường thông tin và nhu cầu tin của cộng đồng người dùng tin. Chuyên gia TTTV không chỉ cung cấp dịch vụ thông tin truyền thống mà còn phải cả dịch vụ thông tin số trực tuyến cho người dùng tin. Họ phải bắt kịp những kỳ vọng của người dùng tin để có thể tồn tại và phục vụ họ. Chuyên gia TTTV phải trở thành người hoa tiêu tri thức để chiết xuất dữ liệu trở thành thông tin hữu ích. Một nhân viên TTTV phải là một chuyên gia thông tin, am hiểu CNTT, chuyên gia web, chuyên gia quản trị tri thức, người hoa tiêu tri thức, chuyên gia giáo dục đào tạo, nhà tiếp thị thông tin, nhà cung cấp dịch vụ thông tin…

Dưới đây là những kỹ năng và kiến thức đòi hỏi chuyên gia TTTV phải có[7]:

Kỹ năng quản lý

- Có tầm nhìn và khả năng lãnh đạo

- Thúc đẩy làm việc nhóm và phát huy khả năng của mọi thành viên trong nhóm

- Phát huy sử dụng mọi nguồn lực trong thư viện

- Thuyết phục được giá trị của dịch vụ thông tin thư viện với người ra quyết định

- Đảm nhận vai trò thành viên ban quản lý một cách tích cực và hiệu quả

- Hiểu và sử dụng hiệu quả kỹ năng hoạt động nhóm như: nhận biết được mục tiêu, sứ mệnh và hướng phát triển của thư viện

- Phát triển và thực hiện các chính sách và thủ tục để vận hành hiệu quả các chức năng thư viện

- Liên tục điều chỉnh các chương trình và dịch vụ để phù hợp với sự thay đổi của xã hội

Kiến thức về chính sách, quy tắc, tiêu chuẩn

- Luôn nắm được các vấn đề nảy sinh có ảnh hưởng tới thư viện

- Hiểu được chính sách, quy tắc và tiêu chuẩn thư viện

Kiến thức về tài nguyên và dịch vụ thông tin

- Có hiểu biết chuyên sâu về mục đích của thư viện

- Xác định được các tài liệu phù hợp với yêu cầu của người dùng

- Hiểu được nội dung thông tin và lọc được thông tin

- Tạo cho người dùng tin sử dụng dễ dàng dịch vụ của thư viện

Kỹ năng về công nghệ

- Nắm bắt được những công nghệ tương lai có tác động tới thư viện

- Sử dụng được những công nghệ mới nhất để quản lý và chuyển giao dịch vụ thông tin

- Sử dụng công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng như: thư mục, cơ sở dữ liệu…

- Vận hành sáng tạo và cải tiến môi trường thông tin dựa trên nền tảng web

Kỹ năng tìm kiếm chuyên gia

- Tinh thông quá trình tìm tin, chiến lược tìm, kỹ thuật tìm, máy tìm và công nghệ tìm tin

- Có khả năng tìm và đánh giá được những thông tin phù hợp với người dùng

- Có kiến thức chuyên sâu về tìm kiếm thư mục, cơ sở dữ liệu và tài nguyên web

Kỹ năng giao tiếp

- Trình bày được giá trị dịch vụ của thư viện với người ra quyết định, nhân viên và người dùng tin

- Giao tiếp rõ ràng và trân trọng khách hàng cũng như đồng nghiệp

- Lắng nghe khách hàng và đồng nghiệp một cách tích cực

- Thương thảo với nhà xuất bản, khách hàng và người cung cấp hàng một cách hiệu quả

Kỹ năng trình bày

- Phát triển kỹ năng tư vấn độc giả để thúc đẩy thói quen đọc sách ở mọi trình độ

- Tăng cường nhận thức vai trò của thư viện và nhân viên thư viện trong phát triển kiến thức thông tin

- Trình bày thông tin một cách dễ tiếp nhận đối với người dùng tin

- Sử dụng các kỹ thuật khác nhau để truyền tải thông tin tới người dùng bằng nhiều hình thức học khác nhau

Dịch vụ khách hàng

- Trân trọng khách hàng

- Hiểu được nhu cầu thông tin và sở thich khách hàng

- Hướng dẫn khách hàng thu thập thông tin, cách đọc, kỹ năng nghiên cứu

- Liên tục thiết kế và tăng cường dịch vụ và sản phẩm thông tin hướng đối tượng

- Cung cấp dịch vụ cho khách hàng một cách tin cậy và cạnh tranh

Cam kết học tập suốt đời

- Có trách nhiệm phát triển sự nghiệp của bản thân

- Luôn cập nhật kiến thức và kỹ năng công nghệ mới

- Luôn tìm kiếm cơ hội học tập

- Linh hoạt thích nghi với tình hình mới, các hệ thống mới, công cụ và môi trường mới

- Chấp nhận tích cực, thích nghi và quản lý những thay đổi hiệu quả

Kỹ năng đánh giá

- Luôn phân tích, tìm hiểu và đánh giá nhu cầu dịch vụ thông tin của người dùng

- Không ngừng thiết kế và cung cấp các dịch vụ và sản phẩm thông tin giá trị gia tăng

- Đánh giá kết quả sử dụng các dịch vụ và tài nguyên thông tin

- Tiến hành nghiên cứu để tìm ra các giải pháp cho các vấn đề quản lý thông tin nảy sinh

Các kỹ năng khác

- Tiếp thị và thúc đẩy dịch vụ

- Kỹ năng quản lý dự án

- Kỹ năng quản lý thời gian

- Quản trị bản quyền số

- Kỹ năng quản trị tri thức

Đúc kết lại, chúng ta thấy một chuyên gia TTTV của thế kỷ 21 phải được trang bị đầy đủ khối kiến thức và kỹ năng thuộc các lĩnh vực khoa học sau ( xem hình dưới )[6]

 

 

 Có thể khẳng định rằng, nghề TTTV đang ở tâm điểm của cuộc cách mạng đòi hỏi sự giao thoa của 3 ngành khoa học: Khoa học thư viện, Khoa học thông tin và Khoa học máy tính. Chính cuộc cách mạng này tạo nên một diện mạo mới cho nghề TTTV. Nó đóng một vai trò quan trọng trong công nghiệp nội dung số, một nền công nghiệp phát triển dựa trên nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin vốn là thành quả của cuộc cách mạng CNTT phát triển như vũ bão đặc biệt trong hai thập niên vừa qua.

4. Áp lực thay đổi chương trình đào tạo thông tin – thư viện đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho công nghiệp nội dung số

Công nghiệp nội dung số là một khái niệm rất mới và trên thế giới, người ta cũng chưa tìm ra được một định nghĩa thống nhất. Mỗi quốc gia có cách hiểu về lĩnh vực này khác nhau. Tại hội thảo do Bộ Bưu chính Viễn thông tổ chức tại Hà Nội năm 2005 về lĩnh vực này, chuyên gia Hàn Quốc Leo Hwa Chiang đưa ra một khái niệm đơn giản là nội dung cộng với công nghệ số[6].

Phần lớn các quốc gia đều giới hạn khái niệm trong những lĩnh vực mà họ có thế mạnh hoặc có tiềm năng lớn để phát triển. Tuy nhiên, hiểu một cách nôm na, công nghiệp nội dung số là ngành công nghiệp thiết kế, sản xuất, xuất bản, lưu trữ, phân phối, phát hành các sản phẩm nội dung số và các dịch vụ liên quan, bao gồm nhiều lĩnh vực như: tra cứu thông tin, giải trí số, chăm sóc sức khoẻ qua mạng, học qua mạng...

Các sản phẩm của Công nghiệp nội dung số rất đa dạng, bao gồm văn bản, dữ liệu, hình ảnh, âm thanh...và được thể hiện dưới dạng số (byte, bit...) được lưu giữ, truyền trong môi trường điện tử như mạng máy tính, mạng viễn thông, truyền thanh, truyền hình... Nói cách khác, sản phẩm Công nghiệp nội dung số là sự tích hợp các dạng khác nhau, trộn nhiều dạng văn bản, hình ảnh và âm thanh lại với nhau, đồng thời có thể dễ dàng lưu giữ và truy xuất, tái sản xuất, nâng cấp và chỉnh sửa. Như vậy, phát triển thư viện số (TVS), số hóa tài liệu, phát triển nguồn tài liệu số, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) toàn văn – thư mục…chính là những thành tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển của công nghiệp này.

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các dự án TVS, nhiều cơ sở đào tạo TTTV trên thế giới đã nhanh chóng phối hợp với các chuyên gia máy tính và mạng để tích hợp khối kiến thức về máy tính – thông tin học – thư viện học tạo nên chương trình đào tạo TVS. Theo Jeffrey Pomerantz (2006 )[3], trong 56 chương trình đào tạo thạc sỹ ngành TTTV tại Mỹ thì có 29 chương trình có các môn học liên quan đến TVS. Trong 29 chương trình này, có 40 môn học về TVS được xây dựng và phát triển trong khoảng 2003 – 2006. Có một số chương trình còn có thậm chí từ 2 đến 3 môn học có liên quan đến TVS. Trong các chương trình có nhiều môn học có liên quan đến TVS thì đều có một môn có nội dung Tổng quan về TVS và các môn còn lại thì có nội dung về các chủ đề đặc biệt chuyên sâu về TVS ( như: công nghệ TVS, dịch vụ TVS đặc thù…). Điển hình trong đào tạo TVS tại Mỹ là Khoa TTTV - Đại học Tổng Hợp Bắc Carolina và Khoa Khoa Học Máy Tính - Đại học Virginia Tech ở Mỹ đã kết hợp xây dựng một dự án Phát Triển Chương Trình Đào Tạo Thư Viện Số nhằm khắc phục những bất cập về đào tạo TVS ở Mỹ. Tài liệu giảng dạy được biên soạn nhằm phục vụ đào tạo cho cả hai loại đối tượng sinh viên thuộc Khoa Khoa Học Máy Tính - Đại học Virginia Tech và Khoa TTTV - Đại học Tổng Hợp Bắc Carolina. Vì vậy, việc biên soạn giáo trình do giảng viên của cả hai bên đảm nhiệm. Ngoài ra, ở châu Âu, chương trình thạc sỹ về TVS quốc tế DILL cũng được phát triển dành cho những chuyên gia thông tin làm việc trong môi trường TVS. Chương trình dựa trên sự hợp tác của 3 trường đại học châu ÂU đào tạo TTTV, bao gồm Oslo University College (Norway), Tallinn University (Estonia), and Parma University (Italy)[2]. Ở Úc, có 2 khoa Quản Trị Thông Tin thuộc 2 trường Queensland University of Technology – QUT và University of Technology, Sydney - UTS cũng phát triển môn học về TVS[8]. Nói chung, các chủ đề về TVS trong các chương trình này bao gồm: Tổng Quan TVS, Phát Triển Sưu Tập Số, Đối Tượng Số, Tổ Chức Tri Thức, Kiến Trúc Thông Tin, Không Gian Số, Các Dịch Vụ TVS, Bảo Đảm Lưu Trữ Số, Quản Lý Dự Án TVS, Nghiên Cứu - Đào Tạo TVS…[4],[5].

5. Kết luận:

Tóm lại, để sẵn sàng hội nhập vào môi trường làm việc sử dụng công nghệ số để tạo lập, xử lý, tổ chức, lưu trữ, phục vụ, quản trị thông tin số, các chuyên gia TTTV phải được trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng thuộc 3 lĩnh vực khoa học Khoa học thư viện, Khoa học thông tin và Khoa học máy tính. Nhưng để có được trình độ như vậy, đòi hỏi các cơ sở đào tạo TTTV phải thay đổi lại chính mình, xây dựng mục tiêu, phương thức và nội dung chương trình đào tạo, tìm kiếm cơ hội hợp tác – đầu tư để phát triển đội ngũ giảng viên TTTV trình độ cao, làm đội ngũ tiên phong trong cuộc cách mạng này.

ThS. Nguyễn Hoàng Sơn

Khoa Thông Tin – Thư Viện, ĐHKHXH&NV

Nguồn: http://www.vietnamlib.n

 

 

Cuộc thi Giới thiệu sách với chủ đề “Read – Share - Inspire” năm 2024

04/04/2024 - 10:01:29

Nhằm tôn vinh Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, Ngày Sách và Bản quyền Thế giới 23/4 cũng như tôn vinh...

Danh mục sách mới tháng 03/2024 (Tổng hợp)

12/03/2024 - 19:28:52

Thư viện Đại học Duy Tân xin giới thiệu đến quý bạn đọc danh mục sách mới tổng hợp tháng 01 với các chuyên...