Danh sách bạn đọc tiêu biểu

Trở về
  • PHAN VĂN SĨ
  • Mã bạn đọc:1921524838
  • Tiêu biểu tháng:11/2016

Phan Văn Sĩ hiện đang theo học  năm thứ tư tại  Khoa Dược  (Đại học Duy Tân), đã đạt thành tích xuất sắc trong các năm học và là gương mặt quen thuộc của Thư Viện Đại học Duy Tân. Để có thể chia sẻ đến bạn đọc những kinh nghiệm về phương pháp học tập hiệu quả của bạn Phan Văn Sĩ, Thư viện đã thực hiện cuộc trao đổi  ngắn sau:

 

Là sinh viên luôn đạt thành tích cao trong nhiều năm học, bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm học tập của bản thân?

Văn Sĩ: Trước hết, để không mất nhiều thời gian cho việc phải đọc lại giáo trình và nắm vững nó, việc cần thiết đầu tiên là phải tập trung nghe giảng trên lớp, nắm khái quát các vấn đề giáo viên đưa ra để định hướng phương pháp học nhằm nắm vững những kiến thức cần trang bị cho công việc sau này. Việc tập trung nghe và hiểu thật ra không đơn giản, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, chủ quan nên việc luyện tập cho bản thân tránh để bị phân tâm là thật sự quan trọng. Các bạn nên chọn vị trí gần thầy cô, vừa có thể nghe rõ hơn, vừa có khả năng ít nói chuyện. Luôn phát biểu, đặt câu hỏi cho thầy cô giáo cũng là một cách khiến chúng ta tập trung hơn, nắm bài ngay tại lớp. Ghi chú tất cả những gì giảng viên nhấn mạnh, đôi khi những ghi chép này thật sự cần thiết để cũng cố lại kiến thức.

Bên cạnh việc học trên lớp thì học ở nhà là hết sức quan trọng, cần có lịch học thật hợp lý, kết hợp giữa học tập và giải trí như có thể một bản nhạc nhẹ nhàng, hoặc một bài tập thể dục. Nếu bạn học phải phần khó hiểu thì để lại, học những phần khác dễ hiểu hơn, sau khi thư giãn, thoải mái thì học tiếp.

 

Thư viện đóng vai trò như thế nào trong việc học tập của bạn?

Văn Sĩ: Riêng em thường chọn thư viện là nơi để học vì Thư Viện là nơi có không gian học tập yên tĩnh, có nguồn tài liệu chuẩn, phong phú và đa dạng, là nơi giao lưu, trao đổi kiến thức giữa các bạn sinh viên với nhau và đặc biệt hơn khi lên thư viện thì tránh được việc lãng phí thời gian vào các việc vô bổ. Để ghi nhớ tốt trong việc tiếp thu kiến thức thì lên Thư viện để có thể học nhóm, cùng bạn bè thảo luận về những vấn đề cùng quan tâm. Những điều này sẽ là điều kiện lý tưởng để học tập tốt nhất.

 

Bạn đánh giá nguồn tài liệu tại thư viện như thế nào?

Văn Sĩ: Nguồn tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Việt ở bậc Đại học của ngành Dược đầy đủ, đảm bảo cho việc học tập, tham khảo của sinh viên, em sẽ cố gắng dành thời gian khai thác triệt để những nguồn kiến thức này.Các đầu sách báo về kinh tế-văn hóa-xã hội rất hay và bổ ích. Riêng các nguồn tài liệu điện tử và sách,báo nước ngoài thì việc khai thác còn hạn chế do em chưa sắp xếp được thời gian với do hạn chế về ngoại ngữ chuyên ngành…

 

Kinh nghiệm đọc sách chuyên ngành để mang lại hiệu quả?

Văn Sĩ: Đọc sách là kỹ năng không thể thiếu bởi học đại học sẽ phải đọc rất nhiều. Theo em thì nên chọn một khối lượng vừa đủ để bắt đầu, cố gắng nắm được và hệ thống lại tài liệu. Sau đó, đọc những gì hiểu rõ nhất để xác định độ khó, chừa lại những gì không hiểu. Đừng nản chí nếu không hiểu, ghi lại câu hỏi và nhờ giảng viên giúp đỡ, nên dùng bút đánh dấu những chỗ quan trọng hay chưa hiểu để có thể xem lại. Trong khi đọc, thỉnh thoảng dừng đọc và đặt những câu hỏi kích thích và tự tìm câu trả lời.

 

Bạn có thể chia sẻ thêm một số kinh nghiệm khác?

Văn Sĩ: Với thời gian ngồi trên giảng đường cũng khá lâu,5 năm ở Đại học Bách Khoa TP.HCM và 4 năm ngành Dược ở Duy Tân em thấy việc cần thiết của sinh viên là phải chuẩn bị mọi mặt để ra trường có được một công việc như mong muốn. Kiến thức chuyên môn là một yếu tố quan trọng quyết định, bên cạnh đó cần có các kỹ năng mềm để có thể  khẳng định mình trong môi trường làm việc, đặc biệt là với khối ngành Khoa học sức khỏe.Với em,quan điểm của em đơn giản là hãy xem việc học như một công việc làm thực thụ, do đó nên có thái độ tích cực để hoàn thành công việc tốt nhất có thể.

 

Cảm ơn bạn về cuộc trao đổi với Thư viện. Chúc bạn luôn đạt thành tích cao trong học tập và là bạn đọc thân thiết của Thư viện!

 

Võ Thị Thảo Viên (thực hiện)