CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

chủ đề: Vi khuẩn

  • Duyệt theo:
1 Xây dựng quy trình giải trình tự hệ gen Clostridium botulinum ứng dụng định danh và phân loại vi khuẩn, độc tố vi khuẩn trong mẫu môi trường / Lê Thị Bích Trâm, Bùi Liêm Chính, Đinh Bá Tuấn, Đinh Quốc Khánh, Nguyễn Thị Ngọc // Tài nguyên & Môi trường .- 2023 .- Số 11+12 (409+410) .- Tr. 102-104 .- 570

Dữ liệu trình tự hệ gen vi khuẩn là cơ sở dữ liệu cho các nghiên cứu trong tương lai: sự tiến hóa của C. botulinum và các độc tố của chúng; xác định gen kháng kháng sinh; cải thiện khả năng phát hiện bằng PCR; theo dõi dịch tễ học, xác định và phân biệt nguồn gốc vi khuẩn trong các đợt bùng phát dịch.

2 Nghiên cứu khảo sát một số kháng thể phát hiện vi khuẩn bệnh than Bacillus anthracis / Bùi Nguyên Hải, Nguyễn Thị Nga, Trần Trọng Hội, Nguyễn Thị Thu Hoài, Trần Thị Hạnh // Tài nguyên & Môi trường .- 2023 .- Số 5 (403) .- Tr. 66-68 .- 570

Khảo sát một số kháng thể phát hiện bào tử và kháng thể phát hiện protein nội bào của Bacillus anthracis bằng thử nghiệm với các loại vi khuẩn cùng họ Bacillus như Bacillus acereus, Bacillus thuringiensis nhằm lựa chọn các kháng thể, kháng nguyên phù hợp sử dụng cho chế tạo que thử phát hiện đồng thời Bacillus anthracis và Yersinia pestis.

3 Nghiên cứu phân lập chủng vi khuẩn biển có khả năng phân hủy polyvinyl chloride / Kiều Thị Quỳnh Hoa, Trần Hữu Trung, Mai Đức Huynh, Nguyễn Hữu Đạt, Nguyễn Vũ Giang // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 64 .- Tr. 27-31 .- 363

Do có tính bền nhiệt và cơ học, nhựa polyvinyl chloride (PVC) được ứng dụng rộng rãi trong đời sống của con người. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích mang lại, nhựa PVC phế thải cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường sống. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, vi sinh vật biển như vi nấm, vi khuẩn, xạ khuẩn có tiềm năng phân hủy rác thải nhựa và sử dụng chúng như nguồn carbon duy nhất. Trong nghiên cứu này, vi khuẩn phân hủy nhựa PVC được làm giàu và phân lập từ các vùng ô nhiễm rác thải nhựa ven biển Việt Nam. Từ 18 chủng vi khuẩn phân lập, các tác giả đã lựa chọn được chủng vi khuẩn VK3 có khả năng phân hủy nhựa PVC và sử dụng vật liệu này như nguồn carbon duy nhất sau 8 tuần thử nghiệm. Kết quả phân tích trình tự gen 16S rRNA cho thấy, chủng vi khuẩn này có độ tương đồng 99% với Alcanivorax sp. Sự biến đổi cấu trúc bề mặt và nhóm chức của nhựa PVC bởi chủng vi khuẩn VK3 cũng được minh chứng bằng phương pháp phân tích hình ảnh kính hiển vi điện tử quét (SEM) và phổ hồng ngoại (FTIR). Nghiên cứu này cho thấy tiềm năng ứng dụng xử lý nhựa PVC phế thải của vi khuẩn biển.

4 Thực trạng nhiễm khuẩn Bệnh viện và một số yếu tố liên quan tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, năm 2020 / Nguyễn Xuân Thiêm, Tống Thị Thảo, Nguyễn Hữu Thắng // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 4(Tập 152) .- Tr. 179-185 .- 610

Phân tích thực trạng nhiễm khuẩn Bệnh viện và một số yếu tố liên quan tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, năm 2020. Nhiễm khuẩn bệnh viện là nhiễm khuẩn mà người bệnh mắc phải trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc nhiễm khuẩn bệnh viện của bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông là 4,3%. Tỷ lệ mắc cao nhất ở khoa Hồi sức tích cực. Nhiễm khuẩn hô hấp là loại nhiễm khuẩn bệnh viện phổ biến nhất, chưa phát hiện nhiễm khuẩn huyết và nhiễm khuẩn tiết niệu. Tìm thấy 4 tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện: Pseudomonas, earuginosa, Staphylococcus aureus, Escherichia coli và staphylococcus saprophyticus. Thời gian nằm viện dài trên 7 ngày, người bệnh nhiễm khuẩn lúc vào, và người bệnh có can thiệp thủ thuật có nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn. Bệnh viện cần có các biện pháp giám sát thực hành trong công tác chăm sóc người bệnh cũng như tiến hành các nghiên cứu lớn hơn nhằm phát hiện và giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện trong tương lai. Bằng chứng có thể giúp các nhà hoạch định chính sách y tế của Nhà nước và các nhà quản lý bệnh viện phát triển các chiến lược để cải thiện tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện.

5 Khả năng ức chế Helicobacter pylori của một số mẫu cao chiết methanol từ thực vật thu tỉnh tại Lâm Đồng / Phan Nhã Hòa, Phạm Bảo Yên // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 5(Tập 64) .- Tr. 36-39 .- 610

Đánh giá khả năng ức chế Helicobacter pylori của một số mẫu cao chiết methanol từ thực vật thu tỉnh tại Lâm Đồng bằng phương pháp khuếch tán trên đĩa thạch. H. pylori được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm nguyên nhân loại I dẫn đến ung thư dạ dày. Kết quả nghiên cứu xác định được 10 mẫu cao chiết thực vật có khả năng ức chế H. pylori tại nồng độ 100 mg/ml, trong đó có 5 mẫu ức chế 100% và 5 mẫu ức chế với đường kính vòng vô khuẩn 6-7 mm. Đây là những kết quả đầu tiên về tác dụng kháng H. pylori của các loài thực vật và là cơ sở để tiếp tục tìm kiếm các mẫu có tiềm năng phát triển làm thuốc điều trị H. pylori tại Việt Nam.

6 Cơ chế phân tử của tính kháng cephalosporin của neisseria gonorrhoeae thu thập tại Việt Nam năm 2019-2020 / Trịnh Minh Trang, Nguyễn Thị Tâm, Lê Viết Thanh, Phạm Thị Minh Phương, Phạm Thị Lan, H. Rogier van Doorn // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 2(Tập 150) .- Tr. 189-201 .- 610

Trình bày cơ chế phân tử của tính kháng cephalosporin của neisseria gonorrhoeae thu thập tại Việt Nam năm 2019-2020. Bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến thứ 2 sau nhiễm Chlamydia trachomatis. Mức độ kháng ceftriaxone tương đồng các chủng FC428 nhưng mức kháng cefixime thấp hơn. Các chủng NG (ST1901 và ST 13871) phân bố chủ yếu ở phía nam Việt Nam, liên quan đến chủng kháng cephalosporin phát hiện đầu tiên tại Nhật Bản và hiện đã lan rộng nhiều nơi. Phần lớn chủng mang allen khảm penA mới và gen mtrR/mtrR promoter với các đột biến kháng cephalosporin đặc trưng và có thêm nhiều đột biến mới.

7 Phân lập Bacteriophage phân giải vi khuẩn Escherichia coli từ môi trường nước bằng phương pháp vết tan / Nguyễn Trọng Tuệ, Vũ Đức Anh, Phạm Thị Hòa // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 1(Tập 149) .- Tr. 10-17 .- 572

Nghiên cứu nhằm phân lập Bacteriophage từ môi trường nước thải có khả năng phân giải vi khuẩn E. coli. Khả năng kháng lại kháng sinh của vi sinh vật ngày càng đe dọa đến việc điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm gây ra. Các nhà nghiên cứu đã tìm cách sử dụng Bacteriophage, gọi tắt là phage hay còn gọi là thực khuẩn thể (Bacteriophage) làm liệu pháp điều trị cho các bệnh nhiễm khuẩn thay thế cho thuốc kháng sinh. Thành công thu được thể thực khuẩn có khả năng phân giải đặc hiệu với vi khuẩn E.coli gây bệnh trên người, là tiền đề cho việc tiếp tục phân lập thể thực khuẩn cho các vi khuẩn gây bệnh nhằm thử nghiệm liệu pháp điều trị cho một số vi khuẩn kháng kháng sinh trong tương lai.

8 Nghiên cứu hiệu lực ức chế vi khuẩn khử sunphat của một số nano kim loại / Hoàng Anh Sơn, Cồng Hồng Hạnh, Nguyễn Hồng Nhung, Vũ Hồng Sơn, Phạm Duy Khánh, Trần Thị Hương, Trần Quế Chi // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 1(Tập 64) .- Tr. 32-37 .- 543

Nghiên cứu hiệu lực ức chế vi khuẩn khử sunphat của một số nano kim loại. Vi khuẩn khử sunphat là nhóm vi khuẩn kỵ khí có khả năng sinh ra khí H2S làm chua hóa chất dầu thô, gây ăn mòn các thiết bị kim loại và hệ thống đường ống, thậm chí tạo thành các màng biofilm gây bít nhét vỉa, làm giảm khả năng tiếp nhận của nước bơm ép trong khai thác dầu khí. Hiện nay, các chất diệt khuẩn đang được sử dụng chủ yếu là andehit hoặc amin vòng kết hợp với chất hoạt động cation, rất độc hại đối với con người và môi trường. Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã tạo ra vật liệu mới có kích thước nano, với khả năng thay thế các chất diệt khuẩn truyền thống và thân thiện với môi trường. Nghiên cứu này đã cho thấy, các nano kim loại bạc, đồng với kích thước trung bình 50nm, nồng độ sử dụng từ 500ppm có khả năng ức chế và diệt cả 2 chủng vi khuẩn khử sunphat bơi lội, bám dính trong các điều kiện nhiệt độ thường và cao.

9 Phát ban và viêm niêm mạc do Mycoplasma pneumoniae có thể nhầm lẫn với tình trạng dị ứng : báo cáo ca bệnh / Đỗ Thị Đài Trang, Nguyễn Văn Lâm, Dương Thị Hồng Vân // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2021 .- Số 09(Tập 145) .- Tr. 278-286 .- 610

Nghiên cứu báo cáo một trường hợp phát ban và viêm niêm mạc do Mycoplasma pneumoniae có thể nhầm lẫn với tình trạng dị ứng. Mycoplasma pneumoniae (MIRM) là vi khuẩn không điển hình thường gây nhiễm trùng đường hô hấp, một số trường hợp có tổn thương ngoài phổi. Phát ban và viêm niêm mạc do Mycoplasma pneumoniae cần được chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý tương tự như hội chứng Stevens – Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc và hồng ban đa dạng. Trường hợp bệnh nhi báo cáo được chẩn đoán MIRM có biểu hiện tổn thương nhiều vị trí niêm mạc, tổn thương da đa dạng và có đủ bằng chứng viêm phổi không điển hình. Bệnh nhân đáp ứng với điều trị kháng sinh và corticosteroid. Việc chẩn đoán đúng bệnh, sử dụng thuốc thích hợp và chăm sóc toàn diện đã giúp bệnh nhân có kết quả điều trị tốt và không xuất hiện biến chứng.

10 Phân lập vi khuẩn phân hủy toluene và khảo sát khả năng phân hủy hỗn hợp hydrocarbon thơm trong nước thải phòng thí nghiệm / Nguyễn Thị Phi Oanh, Lê Hoàng Khang // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 1(Tập 64) .- Tr. 16-20 .- 363

Nghiên cứu mô tả phân lập vi khuẩn phân hủy toluene và khảo sát khả năng phân hủy hỗn hợp hydrocarbon thơm trong nước thải phòng thí nghiệm. Toluene là hydrocarbon thơm được sử dụng chủ yếu phổ biến như dung môi công nghiệp và là một trong những thành phần chính của xăng. Do tan được trong nước nên toluene có thể hiện diện ở nước mặt hoặc lăn lỏi từ đất xuống mạch nước ngầm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Các mẫu bùn lắng được thu từ hệ thống xử lý nước thải phòng thí nghiệm hóa học được sử dụng để phân lập vi khuẩn có khả năng phân hủy toluene và khảo sát khả năng phân hủy. Kết quả khả sát cho thấy vi khuẩn có khả năng phân hủy hiệu quả các hydrocarbon thơm khác hiện diện trong nước thải như acetophenone, benzaldehyde, phenol, pyridine và xylene. Vi khuẩn có khả năng phân hủy nhiều hợp chất hữu cơ khác nhau là những dòng vi khuẩn được đặc biệt quan tâm trong nghiên cứu ứng dụng để xử lý chất ô nhiễm bằng biện pháp sinh học.